Tình hình Ukraine: Tổng thư ký LHQ lên tiếng, Syria tuyên bố ủng hộ Nga, NATO nói gì?

Báo Thế giới & Việt Nam tiếp tục thông tin về phản ứng quốc tế sau khi Nga công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass, miền Đông Ukraine, đồng thời chỉ thị triển khai lực lượng đến các khu vực này.

Tổng thư ký LHQ quan ngại về quyết định của Nga công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở Ukraine. (Nguồn: DPA)

Tổng thư ký LHQ quan ngại về quyết định của Nga công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở Ukraine. (Nguồn: DPA)

Liên hợp quốc (LHQ): Trong thông cáo được người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric đưa ra, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của Nga "liên quan địa vị hai vùng đất của Ukraine là Donetsk và Luhansk".

Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh, quyết định do Nga đưa ra đã vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, không phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận Donetsk và Luhansk là hai vùng đất độc lập, Tổng Thư ký Guterres đã bỏ dở chuyến công du định tới CHDC Congo và lập tức trở lại trụ sở tại New York ngay.

Trước đó, LHQ đã kêu gọi các bên liên quan tránh có hành động đơn phương làm ảnh hưởng tới chủ quyền của Ukraine và mọi vấn đề cần được giải quyết thông qua con đường ngoại giao, kiềm chế tối đa nhằm tránh làm căng thẳng leo thang.

Liên minh châu Âu (EU): Bày tỏ phản đối động thái của Nga, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố trên Twitter: "Đã thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để bày tỏ sự đoàn kết hoàn toàn của EU với Kiev. EU đứng về phía Ngài và hoàn toàn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Trước đó, EU cũng công bố thông cáo báo chí cho hay, ông Michel và Chủ tịch tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lên án quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin là sự vi phạm các thỏa thuận Minsk.

Khẳng định sẽ phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt "đối với những người tham gia vào hành vi bất hợp pháp này", EU nhắc lại sự ủng hộ vững chắc của khối đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo châu Âu đã thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào những người liên quan việc Nga công nhận độc lập các khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, một quan chức EU thông báo, các đại sứ của các nước thành viên khối này sẽ nhóm họp vào cùng ngày để thảo luận về các lệnh trừng phạt có thể được áp đặt với Nga.

Cuộc họp sẽ là một "điểm thông tin" cho các phái viên, nhưng cũng sẽ cân nhắc hành động ra sao theo tuyên bố các lãnh đạo EU đưa ra vào ngày 21/2.

Quan chức EU này cho biết thêm, một số nước thành viên muốn các lệnh trừng phạt hạn chế để đáp lại động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở phía Đông Ukraine, trong khi những nước khác muốn xem xét toàn bộ các biện pháp trừng phạt đã được thảo luận trong những tuần gần đây để được công bố ngay bây giờ.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tiết lộ: "Dĩ nhiên, phản ứng của chúng tôi sẽ dưới dạng các lệnh trừng phạt, mà phạm vi của nó sẽ do các bộ trưởng quyết định. Tôi chắc chắn sẽ có một quyết định đồng lòng cho các biện pháp, đồng thời ông hy vọng động thái sẽ được thông qua trong chiều 22/2".

Ukraine: Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine (NSDC), ngày 22/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã thảo luận tình hình hiện tại với Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Các cuộc thảo luận với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đang được lên kế hoạch.

Cũng trong ngày 22/2, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, bà đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba để thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Moscow công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk.

Người dân ở Donbass cầm cờ Nga ăn mừng sau tuyên bố của Tổng thống Nga tối 21/2. (Nguồn: Al Mayadeen)

Người dân ở Donbass cầm cờ Nga ăn mừng sau tuyên bố của Tổng thống Nga tối 21/2. (Nguồn: Al Mayadeen)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận các khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát tại miền Đông Ukraine, cho rằng việc này vi phạm các thỏa thuận quốc tế mà Moscow ký kết.

Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố: "Việc này tiếp tục gây tổn hại tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, phá hoại các nỗ lực hướng tới một giải pháp cho cuộc xung đột, cũng như vi phạm các thỏa thuận Minsk mà Nga là một bên tham gia ký kết".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết: "Nga phải hiểu rõ sự kiên định của EU và NATO là tuyệt đối và hoàn toàn. Chúng tôi không thể chấp nhận sự vi phạm luật quốc tế hay tấn công sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vốn là điều đã xảy ra, không cần phải nghi ngờ".

Theo bà Robles, Tây Ban Nha và các đối tác của nước này sẽ vẫn trao cơ hội cho biện pháp ngoại giao.

Các nhà lãnh đạo của một số quốc gia như Tổng thống Romania Klaus Iohannis, Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng bày tỏ quan ngại quyết định của Nga, đồng thời khẳng định ủng hộ chủ quyền của Ukraine.

Trong khi đó, một số quốc gia khác tuyên bố ủng hộ quyết định của Tổng thống Nga liên quan các khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine.

Syria: Đài truyền hình nhà nước Syria dẫn lời Ngoại trưởng nước này Faisal Mekdad nêu rõ: "Syria ủng hộ quyết định của Tổng thống Vladimir Putin công nhận các các nền cộng hòa Luhansk và Donetsk cũng như sẽ hợp tác với họ".

Theo Syria, việc phương Tây đang làm chống lại Nga "tương tự với việc họ đã làm chống lại Syria trong cuộc chiến tranh khủng bố".

Nicaragua: Phát biểu tại lễ kỷ niệm 88 năm vụ ám sát anh hùng dân tộc vĩ đại nhất của Nicaragua Augusto C. Sandino theo lệnh của chính phủ Mỹ (21/2/1934), Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega bày tỏ ủng hộ quyết định của Nga.

Ông Ortega khẳng định, các vùng ly khai Donetsk và Luhansk là những cộng đồng “người Nga” từng bị tấn công năm 2014 khi xảy ra đảo chính ở Ukraine khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Theo ông, "những nước Cộng hòa giáp biên giới với Nga này đã không công nhận chính phủ đảo chính (kể từ năm 2014), và Donetsk cùng Luhansk đã thành lập chính phủ của riêng mình, chiến đấu chống lại Ukraine".

Bên cạnh đó, Tổng thống Nicaragua cho rằng, trong nhiều năm qua, "quân đội Ukraine đã tìm cách thống trị vùng Donbass bằng nhiều trận chiến khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Tất cả những gì mà Tổng thống Putin làm là công nhận các chính phủ của Donbass, bởi họ đã không khuất phục Kiev".

(theo Reuters, AFP, Sputnik)

Bảo Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-ukraine-tong-thu-ky-lhq-len-tieng-syria-tuyen-bo-ung-ho-nga-nato-noi-gi-174802.html