Tình hình Ukraine: UAV lại tiến về phía Moscow, Nga nêu điều kiện cho hòa bình, lực lượng phòng không Kiev sắp được 'chắp cánh'?
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, thêm hai máy bay không người lái (UAV) bay về phía thủ đô Moscow đã bị bắn hạ trong sáng ngày 10/8.
Cụ thể, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ những UAV này trên bầu trời huyện Maloyaroslavsky của tỉnh Kaluga và huyện Odintsovo thuộc Moscow.
Trong khi đó, tại thành phố cảng Sevastopol, các hệ thống phòng không đã bắn hạ hai UAV khác, 9 UAV còn lại bị chế áp điện tử và rơi xuống Biển Đen.
Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: “Các cuộc tấn công khủng bố đã bị ngăn chặn, không xảy ra thương vong và thiệt hại”.
Trước đó, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin thông báo, vào lúc 4h00 ngày 10/8, các hệ thống phòng không đã bắn hạ hai UAV trên đường bay vào thành phố, bao gồm một chiếc ở tỉnh Kaluga và chiếc còn lại rơi gần Đường vành đai trung tâm (TsKAD) của Moscow.
Hồi tháng 7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo về một đợt tấn công lớn nhắm đến Nga, trong đó các trung tâm biểu tượng và căn cứ quân sự của Moscow sẽ trở thành mục tiêu của Kiev.
Cùng ngày 10/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin thông báo về khả năng đạt được giải pháp hòa bình ở Ukraine, nếu Kiev chấm dứt hành động thù địch và các cuộc tấn công khủng bố.
Ông Galuzin tuyên bố: “Thay mặt chính quyền Nga, chúng tôi tiếp tục duy trì lập trường nguyên tắc của mình, đó là một giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng chỉ có thể thực hiện được nếu chính quyền Kiev ngừng các hành động thù địch và tấn công khủng bố, trong khi các nhà tài trợ phương Tây ngừng bơm vũ khí cho quân đội Ukraine”.
Bên cạnh đó, vị quan chức này cũng cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nghiên cứu kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Moscow.
Thứ trưởng Galuzin cho rằng: “NATO thực hiện cái gọi là sứ mệnh hạt nhân chung. Điều đó có nghĩa là các quốc gia thành viên liên minh phi hạt nhân tham gia kế hoạch quân sự sử dụng vũ khí hạt nhân và các chuyên gia những nước này được đào tạo cách xử lý vũ khí hạt nhân của Mỹ... Hơn nữa, những cuộc tập trận (của NATO) đề ra các kịch bản sử dụng (vũ khí hạt nhân) chống lại Nga”.
Ngoài ra, ông Galuzin cũng nhận định, việc Ba Lan củng cố lực lượng và phát động chiến dịch triển khai quân sự mới tại khu vực biên giới với Belarus chắc chắn sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Nhà nước Liên minh Nga-Belarus.
Trong một diễn biến khác, hôm 9/8, Đức đã hỗ trợ tăng cường năng lực phòng không của Ukraine thông qua việc bổ sung hai bệ phóng cho hệ thống phòng không Patriot của Kiev.
Theo các chuyên gia, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo có ý nghĩa quan trọng đối với Ukraine bởi hệ thống này đã nhiều lần đánh chặn thành công tên lửa siêu vượt âm của Nga.
Cùng với hai bệ phóng trên, Đức còn cung cấp cho Ukraine thêm 10 xe bánh xích đa năng Bandvagn 206, 6 xe tải hạng nặng cùng khoảng 6.000 viên đạn khói dùng cho pháo 155 mm. Bên cạnh đó, Berlin cũng hỗ trợ Kiev cả súng máy, kính ngắm bắn, ống nhòm và thiết bị rà phá bom mìn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày đã gửi lời cảm ơn Thủ tướng Đức Olaf Scholz vì gói viện trợ quân sự mới, nhấn mạnh rằng việc Berlin thực thi thỏa thuận của hai bên sẽ góp phần cứu mạng sống của hàng nghìn người.
Ông Zelensky cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Đức để củng cố sức mạnh và bảo vệ Ukraine, đồng thời kêu gọi các đồng minh tiếp tục hỗ trợ vũ khí, đặc biệt là các hệ thống phòng không và tên lửa giúp Kiev phòng thủ trước các đòn tập kích của Moscow.