Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc
Bài 14 - Hồ Hòa Bình - kỳ quan giữa núi rừng Tây Bắc Hồ Hòa Bình - hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á được hình thành sau khi xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Có chiều dài 230 km, với dung tích 9,45 tỷ m3 nước, hồ trải dài qua các huyện, thành phố thuộc tỉnh Hòa Bình (70 km): TP Hòa Bình, Cao Phong, Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc đến Sơn La, tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp với mặt hồ nước xanh biếc, nhiều đảo, những dãy núi trùng điệp. Nói không quá lời, hồ Hòa Bình là một
Bài 14 - Hồ Hòa Bình - kỳ quan giữa núi rừng Tây Bắc
Hồ Hòa Bình - hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á được hình thành sau khi xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Có chiều dài 230 km, với dung tích 9,45 tỷ m3 nước, hồ trải dài qua các huyện, thành phố thuộc tỉnh Hòa Bình (70 km): TP Hòa Bình, Cao Phong, Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc đến Sơn La, tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp với mặt hồ nước xanh biếc, nhiều đảo, những dãy núi trùng điệp. Nói không quá lời, hồ Hòa Bình là một "Vịnh Hạ Long” trên núi, một kỳ quan kỳ thú giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ, là điểm đến không thể bỏ qua cho ai yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp núi non, sông nước mênh mông.

Những "ốc đảo" xanh tuyệt đẹp trở thành điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách trải nghiệm, khám phá khu du lịch hồ Hòa Bình.
Ảnh: Bùi Minh
Trên hành trình khám phá vùng hồ Hòa Bình (địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 52.200 ha), bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên của hồ nước, đảo, núi non, du khách còn được chiêm ngưỡng, tìm hiểu vẻ đẹp của các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng như: Đền Chúa Thác Bờ, động Thác Bờ, động Hoa Tiên, đền Cô, đền Cậu, Bia Lê Lợi, đảo Dừa, đảo Ngọc cùng các xóm, bản của đồng bào các dân tộc thiểu số mang nét văn hóa bản địa đặc sắc như: Mường, Dao, Tày, Thái… Nét đẹp của thiên nhiên hòa cùng vẻ đẹp chân chất, thân thiện và hiếu khách của người dân bản địa là "điểm cộng” quan trọng cho du lịch hồ Hòa Bình. Do có những tiềm năng độc đáo, đặc biệt, ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Ngày 22/6/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia.
Để KDL hồ Hòa Bình thực sự là điểm đến hấp dẫn, ấn tượng, bảo đảm các điều kiện cần có, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, thiết thực, như quy hoạch phân khu, thu hút nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, quan tâm phát triển hạ tầng, giao thông, vật chất kỹ thuật du lịch, tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, truyền thông, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải... Tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đối với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm giữ gìn nét bản sắc văn hóa dân tộc... Đến nay, có 18 dự án du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy phép chứng nhận đầu tư. Trên KDL hồ Hòa Bình đã có trên 100 cơ sở lưu trú, với khoảng 300 phương tiện vận chuyển khách; 2 khu nghỉ dưỡng (Mai Châu Hideaway và Ba Khan Village Resort). Đồng thời, một số khu nghỉ dưỡng trên vùng lòng hồ đi vào hoạt động tạo được điểm nhấn, sức lan tỏa như: Maida Logde, xã Tiền Phong; Mơ Village, xã Hiền Lương; Vayang Retreat, xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc). Nhiều xóm, bản vùng hồ phát huy nét bản sắc văn hóa độc đáo để hình thành các homestay thu hút du khách gần xa như: Bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc); xóm Đức Phong, xã Tiền Phong và xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc). Một số khu nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao tiêu chuẩn 4 - 5 sao đang được triển khai đầu tư: KDL nghỉ dưỡng Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc); khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Ngòi Hoa, xã Suối Hoa (Tân Lạc); KDL nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh, KDL nghỉ dưỡng Parahills ở xã Bình Thanh (Cao Phong)…
Tới thời điểm này, KDL hồ Hòa Bình đã đạt 3/5 tiêu chí quan trọng, từng bước đáp ứng điều kiện KDL quốc gia. Những năm gần đây, trên bản đồ du lịch quốc gia, hồ Hòa Bình đã là cái tên, địa chỉ để tìm kiếm, điểm đến trải nghiệm, khám phá của du khách trong, ngoài tỉnh và du khách nước ngoài. Năm 2025, KDL hồ Hòa Bình hướng tới mục tiêu đón trên 1 triệu lượt du khách. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhưng cũng là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành hữu quan và cộng đồng làm du lịch.