'Tinh hoa' của Bình Dương
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những làng nghề ở Bình Dương vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc và mang khí phách, tinh thần của con người nơi đây.
Đặt chân đến làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (thuộc phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một), nơi đây đã nổi tiếng khắp cả nước là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật.
Nhanh nhạy thích ứng
Sách "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức có ghi nghề làm tranh sơn mài do cư dân miền Bắc và miền Trung mang đến vùng đất này vào khoảng cuối thế kỷ XVII.
Những ngày đầu đến vùng đất mới khai hoang, tạo lập cuộc sống mới, những người dân xa xứ vẫn đau đáu trong lòng hình bóng quê hương. Vì thế, họ đã tái hiện lại hình ảnh quê hương qua những bức tranh và kết hợp với những giá trị văn hóa địa phương khi đến đây sinh sống. Từ đó, hình thành nên làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ngày nay.
Nghệ nhân Lê Văn Linh người đã gắn bó với ngành sơn mài gần 40 năm cho biết để tạo nên một tác phẩm sơn mài, các nghệ nhân phải trải qua ít nhất 15 công đoạn khắt khe, đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức. Riêng công đoạn sơn mỗi sản phẩm phải mất thời gian từ 3- 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm tính cách Á Đông.
Sự phát triển rực rỡ về mọi mặt của sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là niềm tự hào của một làng nghề, mà còn là di sản của cả dân tộc. Tuy nhiên, theo thời gian, nguồn lao động có tay nghề cao ngày càng già đi, trong khi lao động trẻ lại khan hiếm hoặc không thích ứng. Cùng với nhiều yếu tố khách quan khác khiến cho làng nghề sơn mài không còn phát triển như trước nữa.
Để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất ở Bình Dương đã nhạy bén chuyển hướng, bắt nhịp với xu thế, thay đổi mẫu mã, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số…
Nghệ nhân Đinh Công Thiệu, chủ cơ sở Đinh Thiệu ở phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, cho rằng nếu đam mê với nghề sơn mài thì phải đột phá, phải liên tục tạo ra những mẫu mã mới và đa dạng. Đặc biệt là biết ứng dụng sơn công nghiệp thay thế cho nguyên liệu sơn ta (đặc trưng làm nên giá trị của sơn mài Tương Bình Hiệp), khi đó mới cho ra sản phẩm với giá cả hợp lý để khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được.
Nhắc đến làng nghề truyền thống ở Bình Dương, không thể không nhắc đến niềm tự hào gốm sứ Bình Dương. Cho đến bây giờ, các thế hệ người Bình Dương với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và đầu óc sáng tạo đã làm nên vô số các sản phẩm gốm sứ đủ các loại, hình thành nên thương hiệu gốm sứ Bình Dương trên thị trường thế giới.
Các mặt hàng gốm sứ ở Bình Dương rất đa dạng về mẫu mã thiết kế, đa dạng về chủng loại như bát, đĩa, ấm, chén...Tất cả các sản phẩm đều được trang trí hoa văn trên men rất bắt mắt. Hầu hết các sản phẩm gốm Bình Dương được nung trong hệ thống lò bầu và lò ống. Trải qua quá trình phát triển, những người thợ gốm đã từng bước đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đi dọc thị xã Thuận An đến T.P Thủ Dầu Một, có hơn 100 cơ sở sản xuất gốm, cung ứng hàng triệu sản phẩm mỗi năm cho nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Một số thương hiệu gốm ở Bình Dương đã tạo được tiếng vang trên thị trường thế giới như gốm sứ Minh Long 1, Cường Phát…
Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Minh Long 1, cho biết mới đây ông đã quyết liệt đưa công nghệ nano vào sản xuất nồi sứ. Nhờ kết cấu nano, các tinh thể kết hợp bền chặt trên bề mặt men, tạo ra khả năng không cho vết bẩn bám lại khi dùng.
Ngoài ra, Minh Long 1 còn áp dụng công nghệ 4.0 vào làm chén sứ, cho ra khối lượng nhiều bằng tự động hóa, nên giá thành thấp, dễ tiêu thụ và đáp ứng nhu cầu của phần đông khách hàng.
Trợ lực để bảo tồn làng nghề
Một trong những đặc trưng nổi bật của Bình Dương là hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống như gốm, sơn mài, chạm khắc, đan lát, bánh tráng...
Hiện Bình Dương có hơn 45.000 hộ, cơ sở tham gia hơn 46 loại ngành nghề truyền thống. Tự hào với các ngành nghề truyền thống, lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến việc ban hành các chủ trương, chính sách đầu tư, phát triển các làng nghề. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Bình Dương đã xây dựng Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Bình Dương giai đoạn 2008-2010.
Riêng đối với nghề sơn mài, Bình Dương lập hồ sơ và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016. Sau đó, Bình Dương xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch, thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một" với việc hình thành làng nghề rộng hơn 54.000m2 để các cơ sở có nơi tập trung sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương đang chú trọng phát triển bền vững làng nghề truyền thống gắn kết với du lịch. Đồng thời, quảng bá tại các hội chợ, trên các trang web liên quan du lịch. Đây được xem là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề.
Nhiều lúc người dân tưởng chừng không còn bám trụ với cái nghiệp đã đeo đuổi qua bao nhiêu thế hệ nơi đây. Nhưng bằng tình yêu với làng nghề đã thấm vào xương tủy và họ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy làng nghề đã được cha ông gầy dựng nên. Chính vì thế, cho đến ngày nay, những làng nghề ấy vẫn vươn mình phát triển và khẳng định được giá trị truyền thống vốn có của nó.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tinh-hoa-cua-binh-duong-20230114144150028.htm