Tinh hoa của núi rừng
Tối 28-4, tại sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) diễn ra khai mạc Năm Du lịch Tuyên Quang 2023. Tại buổi lễ đã trao Giải thưởng phong cảnh thành phố châu Á cho công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng. Đây thật sự là niềm vui, niềm tự hào của người dân xứ Tuyên.
Giải thưởng danh giá
Nhằm thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại của tỉnh Tuyên Quang và chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2022 Sở Ngoại vụ đã phối hợp với thành phố Tuyên Quang xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022 với công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành gắn với tuyến đường dọc bờ sông Lô.
Ngày 5-12-2022, Ban Tổ chức Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á đã công bố Quảng trường Nguyễn Tất Thành của thành phố Tuyên Quang là 1 trong 11 công trình, dự án xuất sắc đạt Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á năm 2022. Đây là công trình xếp thứ 5 trong 11 công trình được công nhận vì nỗ lực tạo ra một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân, gắn yếu tố hiện đại và truyền thống. Trong năm 2022 đây còn là công trình duy nhất trong cả nước đạt được giải thưởng danh giá này.
Theo Sở Ngoại vụ, Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á là giải thưởng quốc tế được thành lập năm 2010 bởi sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên hợp quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka (Nhật Bản), với mục tiêu công nhận một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân châu Á. Các công trình, dự án đạt giải được đánh giá theo 5 tiêu chí: Thân thiện với môi trường, an toàn bền vững, tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương, chất lượng nghệ thuật cao, đóng góp vào sự phát triển của khu vực và là hình mẫu cho các thành phố khác.
Quảng trường Nguyễn Tất Thành được đặt theo tên gọi thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã có 5 năm 11 tháng 25 ngày sống và hoạt động trên đất Tuyên Quang. Chính tại địa điểm cụm tượng đài thuộc Quảng trường Nguyễn Tất Thành, năm 1961 Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang. Bởi vậy quảng trường không chỉ có ý nghĩa về kiến trúc, cảnh quan mà còn mang dấu ấn chính trị, văn hóa, lịch sử sâu sắc. Ban Tổ chức giải thưởng đánh giá cao Quảng trường Nguyễn Tất Thành là nơi gắn kết văn hóa truyền thống và hiện đại, có không gian kiến trúc đẹp, hài hòa với thiên nhiên. Tiêu biểu đó là địa điểm hàng năm diễn ra Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội đua thuyền trên sông Lô, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế. Riêng trong năm 2022, Quảng trường Nguyễn Tất Thành đã có 248.657 lượt khách tham quan cho thấy sự hấp dẫn của điểm check-in này.
Công trình nhiều ý nghĩa
Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lịch sử giao phó cho Tuyên Quang sứ mệnh là trung tâm Thủ đô khu giải phóng -Thủ đô kháng chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Với vị thế trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, nơi phát nguồn những tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Bà Hoàng Như Loan, Giám đốc Ban Quản lý Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) cho biết, để thể hiện sự kính trọng và biết ơn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” trong khuôn viên Quảng trường Nguyễn Tất Thành tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Quảng trường Nguyễn Tất Thành được khởi công xây dựng ngày 15-2-2012, khánh thành ngày 19-5-2015, đúng kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác. Quảng trường có tổng diện tích 8,5 ha bao gồm các công trình kiến trúc văn hóa: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, các công trình phù trợ khác và khuôn viên sân quảng trường có sức chứa khoảng 20.000 người. Mặt bằng quảng trường được thiết kế cách điệu giữa các bồn hoa, thảm cỏ, đài phun nước là hình ảnh cây đàn Tính, nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của người dân tộc Tày xứ Tuyên.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng ngày 19-2-2013, khánh thành vào ngày 19-5-2015 đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh có diện tích 155 m2; toàn bộ sân vườn, đường nội bộ, chòi nghỉ, kè đá và cây xanh có diện tích 615 m2. Đền được xây dựng với lối kiến trúc hình chữ đinh, gồm có 3 gian, 2 chái và gian hậu cung. Các cấu kiện chủ yếu bằng gỗ lim, đá xanh tự nhiên do các nghệ nhân giỏi đến từ các làng nghề nổi tiếng thi công. Trong đền, Tượng Bác ở vị trí trang trọng nhất, được đúc bằng đồng nguyên chất, cao 1,72 m, nặng 1,4 tấn. Tượng Bác và các ban thờ được bài trí theo đền thờ truyền thống của người Việt, trang trí họa tiết hoa văn khắc họa lịch sử và nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang. Gian chính có bức đại tự: “Chính Đại Quang Minh” và câu đối do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết: “Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất/Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người”.
Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang được khởi công xây dựng vào ngày 15-2-2012, công trình được hoàn thiện sau 3 năm thi công với hơn 4.000 m3 đá xanh Thanh Hóa, hơn 3.800 m3 bê tông thương phẩm. Cuối năm 2014, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã long trọng tổ chức lễ đón cụm Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang về Quảng trường Nguyễn Tất Thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhân dân trong tỉnh. Tượng đài có bố cục 2 phần. Phần phía trước là nhóm tượng gồm 7 nhân vật, trong đó Bác Hồ là nhân vật trung tâm. Tượng Bác cao 7,9 m, xung quanh là các nhân vật đại diện cho lực lượng vũ trang, dân tộc, thanh niên, phụ nữ, công nhân và trí thức, mô phỏng chuyến thăm và nói chuyện của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vào tháng 3-1961. Phía sau là phù điêu trung tâm biểu tượng cây đa Tân Trào, cao 22 m, dài 60 m. Phù điêu hai bên cao 8 m, dài 40 m khắc họa nhà Hội trường Kim Bình, đình Tân Trào, lán Nà Nưa, lán Hang Bòng.
Hiện nay, Quảng trường Nguyễn Tất Thành mới hoàn thành xong xây dựng giai đoạn 1, phần quy hoạch giai đoạn 2 đang từng bước được tiến hành. Với công trình có ý nghĩa lớn này, hơn nữa còn nhận được Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á chắc chắn tinh hoa của núi rừng Tuyên Quang sẽ tỏa sáng.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-cua-nui-rung-173913.html