Tinh hoa Việt - không chỉ 'một thời vang bóng'
Triển lãm 'Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ' do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức, giới thiệu hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý về các hội đấu xảo tiêu biểu với sự tham gia của Việt Nam, trong đó nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố. Công chúng được tiếp cận với nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị về Việt Nam xưa qua hoạt động đấu xảo, nơi tinh hoa Việt được phát triển và đi ra thế giới.
Một di sản quý
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm "Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ" để giới thiệu hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý về các hội đấu xảo tiêu biểu có sự tham gia của Việt Nam, trong đó nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định, những tư liệu về cung Đấu xảo rất quý giá, giúp chúng ta nhìn nhận lại những giá trị của một di sản đã bị lãng quên sau những thăng trầm lịch sử.
Triển lãm được bố cục thành 2 phần, Phần 1: Hội Đấu xảo Hà Nội giới thiệu tài liệu, hình ảnh về một số hội đấu xảo tiêu biểu được tổ chức tại Hà Nội. Phần 2: Đem chuông đi đánh xứ người, giới thiệu tài liệu, hình ảnh về các hội đấu xảo thuộc địa và đấu xảo thế giới tiêu biểu có sự tham gia của Đông Dương, đặc biệt tại Pháp.
Theo các nhà nghiên cứu, tại Việt Nam, trong thế kỷ 19-20, hội đấu xảo được tổ chức chủ yếu để giới thiệu và trao đổi hàng hóa, thường diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn. Năm 1865, Hội Đấu xảo Gia Định tổ chức vào năm Tự Đức 19 được coi là hội đấu xảo lớn đầu tiên diễn ra tại Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Ở Hà Nội, năm 1887, hội đấu xảo lớn đầu tiên được tổ chức để giới thiệu các sản phẩm kỹ nghệ của nước Pháp tại Đông Dương. Tại đây, bên cạnh nhiều sản phẩm của Pháp, cũng có các gian hàng dành cho thợ thủ công Việt Nam trưng bày tác phẩm.
Ký ức từ hơn 100 năm trước được hiển lộ qua các tài liệu lưu trữ cho thấy dấu ấn về một thời vàng son của văn hóa Việt qua các cuộc đấu xảo. Ở Hà Nội, năm 1887, dưới thời Tổng trú sứ Paul Bert, hội đấu xảo lớn đầu tiên đươc tổ chức tại Trường Thi có diện tích 40.000m2. Trong đó có sẵn những ngôi nhà ngói có diện tích nhỏ, khu mái lá để giới thiệu các sản phẩm kỹ nghệ. Tại đây, bên cạnh sản phẩm của Pháp, có các gian hàng dành cho thợ thủ công Việt.
Dịp này, bức tượng "Nữ thần tự do" thu nhỏ được đưa từ Pháp sang trung bày tại khu vườn trong khuôn viên trường đấu xảo, sau đó được đặt lên đỉnh tháp rùa giữa hồ Hoàn Kiếm. Tại cuộc trưng bày này, các nghệ nhân trực tiếp làm các sản phẩm như sơn màu, đồ vật bằng giấy, dệt lụa... Nhiều huy chương đã được đề nghị trao cho các sản phẩm thủ công như thợ khắc Nguyễn Văn Ngân được đề nghị trao Huy chương Bạc, thợ dệt lụa Nguyễn Văn Du được đề nghị trao Huy chương Bạc. Bộ sưu tạo trang sức bản xứ của Đỗ Hữu Phươn từ Chợ Lớn được đề nghị tặng Huy chương Vàng với lời đánh giá "đẹp và rất thu hút".
Nhưng dấu mốc đặc biệt nhất là năm 1902 khi khánh thành Cung Đấu xảo (nằm tại vị trí Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, nay không còn) và Hội Đấu xảo Hà Nội mở cửa. Đây là thời điểm đánh dấu sự góp mặt của hàng hóa từ nước Pháp, từ các thuộc địa Pháp và một số quốc gia châu Á, trở thành một trường đấu mang tính quốc tế. Qua những bức ảnh tư liệu thời Pháp thuộc, chúng ta không khỏi choáng ngợp trước tầm vóc và quy mô của sự kiện quốc tế này. Triển lãm có những gian hàng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Vân Nam (Trung Quốc), Philippines, Malaysia, Myanma… Việt Nam với tư cách chủ nhà đã trưng bày khối lượng đồ sộ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: "Cung Đấu xảo quy mô lớn, từng được coi là công trình đấu xảo tráng lệ, xứng tầm với các cuộc đấu xảo quan trọng định kỳ diễn ra tại đây, với sự tham gia của các sản phẩm Việt từ các địa phương trong cả nước, bên cạnh các sản phẩm của Pháp và các nước khác trong suốt thời kỳ Pháp thuộc. Các sự kiện này đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam giới thiệu và bán sản phẩm, thúc đẩy phát triển thương mại, đồng thời khẳng định tính độc đáo và sự tinh xảo trong các tác phẩm trưng bày mang bản sắc Việt trên thị trường. Khu đấu xảo có giá trị về mặt kết nối, giao thương với toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Đấu xảo là triển lãm trưng bày sự tài khéo về thủ công, mỹ nghệ kim hoàn, điêu khắc - nhiếp ảnh - hay còn gọi là kỹ nghệ mỹ thuật. Ở đó thường xuyên diễn ra hội chợ triển lãm những món hàng tinh xảo, những sản vật thủ công, mỹ nghệ không chỉ của Việt Nam mà cả từ Lào, Campuchia, Vân Nam… Cũng từ khu đấu xảo ấy, những hàng hóa, sản phẩm tinh xảo, các tác phẩm nghệ thuật được chuyển sang nước Pháp và nhiều nước trên thế giới".
Cầu nối đưa văn hóa Việt ra thế giới
Không chỉ triển lãm ở Việt Nam, các sản phẩm của người Việt còn ra nước ngoài tham dự các đấu xảo quốc tế. Năm 1866, triều đình nhà Nguyễn cử một phái đoàn "đem chuông đi đánh xứ người" sang Pháp tham gia hội đấu xảo thế giới lần 2 tại Paris. Lần đầu tiên, các sản phẩm điêu khắc Chăm Pa được giới thiệu ra thế giới. Tại Đấu xảo thế giới năm 1878, tổ chức lần 3 cũng tại Paris, lần đầu tiên một số sản phẩm của Nam Kỳ tham dự hội đấu và mang về nhiều huy chương. Các sản phẩm của người Việt thu hút sự quan tâm của người Phương Tây bởi sự tài hoa, khéo léo. Các sản phẩm Việt cũng được đánh giá cao tại các hội đấu xảo tại Paris, Marseille, Lyon, San Francisco, New York, Bruxelles sau đó.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đánh giá, đặc biệt sự xuất hiện của cung Đấu xảo năm 1902 rất có giá trị, nó cũng chính là mô hình của công nghiệp văn hóa mà hiện nay chúng ta đang làm, đó là phát triển và đẩy các sản phẩm nghệ thuật thủ công lên thành hàng hóa và mang đi giao thương.
Điều này cho thấy vị trí quan trọng của Thủ đô Hà Nội thời kỳ đó. Cung Đấu xảo cùng với Trường Mỹ thuật Đông Dương tạo thành một hệ sinh thái để phát triển công nghiệp văn hóa thời đó. Họa sĩ Victor Taddieu - Hiệu trưởng của Trường Mỹ thuật Đông Dương chính là giám tuyển đầu tiên tuyển chọn những tác phẩm đi triển lãm tại Cung Đấu xảo Hà Nội.
Cũng từ Cung Đấu xảo này, các tác phẩm của họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ hay sản phẩm đồ gỗ Memo của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, áo dài Cát Tường được lựa chọn trưng bày và ngay từ những năm 1930-1931 Việt Nam đã có nhiều tác phẩm được mang sang Pháp triển lãm và giành giải thưởng. Đó là những giá trị văn hóa Việt được đẩy lên thành tinh hoa và xuất khẩu ra thế giới.
"Bản chất công nghiệp văn hóa vận hành từ Cung Đấu xảo đó là biến những sáng tác của các nghệ nhân, nghệ sĩ thành tác phẩm nghệ thuật - hàng hóa và xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ Việt, văn hóa Việt bước ra thế giới một cách mạnh mẽ, nhờ chính sự giao thương và tầm nhìn rộng lớn đó" - Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cũng nhấn mạnh: "Trở lại hơn 100 năm trước, kể từ những kỳ triển lãm đấu xảo và hội chợ quốc tế ở Hà Nội, đặc biệt kể từ kỳ đấu xảo năm 1902, Hà Nội - Thủ phủ Đông Dương thực sự là Kinh đô sáng tạo hàng đầu của châu Á".
Anh đánh giá: "Nếu ví ngành công nghiệp văn hóa thời Pháp thuộc như một con rồng, thì khu đấu xảo chính là đầu rồng. Triển lãm và hội chợ quốc tế đã diễn ra ở Hà Nội liên tục tại đây từ năm 1902. Nếu như hình ảnh Nhà hát Lớn Hà Nội luôn được nhận diện như một không gian kiến trúc vắng lặng, kiêu hãnh một cách đơn độc thì khu đấu xảo tràn ngập những bức ảnh tấp nập, đông đúc người qua kẻ lại với đủ hạng người. Đi theo mô hình triển lãm hoàn cầu Exposition Universelle Paris (hiện nay trở nên phổ biến hơn với tên gọi World Expo), khu đấu xảo ngay từ đầu đã mang một tầm vóc quốc tế. Kỳ đấu xảo năm 1928, 1938 được biết đến qua bộ ảnh tư liệu hết sức phong phú giúp chúng ta phần nào hình dung được quy mô, tầm vóc của sự kiện này". Anh chia sẻ, chính nhờ không gian này mà rất nhiều sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương đã lọt vào mắt xanh các nhà sưu tập.
Không chỉ vang bóng trong quá khứ, ngày nay, tinh hoa Việt đang tiếp tục được gìn giữ và phát triển trong xã hội hiện đại.