Tinh hoa y học cổ truyền

Được mệnh danh là 'kho thuốc sống của các dân tộc', những bài thuốc gia truyền của các ông lang, bà mế đã chữa được rất nhiều loại bệnh khác nhau như: Xương khớp, thoái hóa, tiểu đường, trĩ, gan, mỡ máu, tiểu đường, hiếm muộn, sỏi, quai bị… Đó chính là những bài thuốc quý được truyền lại từ đời này sang đời khác, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hóa giải bệnh tật

Hội Đông y huyện Na Hang hiện có 125 hội viên là các ông lang, bà mế. Với nguồn dược liệu là các loại cây mọc tự nhiên trên rừng xanh, họ thu hái, sơ chế, phơi khô tự nhiên chứ không ngâm, tẩm bất kỳ hóa chất hay chất bảo quản nào. Sau công đoạn đó, mỗi người lại có bài thuốc gia truyền riêng để kết hợp các vị thuốc tạo thành thang thuốc hữu hiệu.

Bác sỹ Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Hội Đông y huyện Na Hang cho biết, nghề bốc thuốc của các ông lang, bà mế bây giờ muốn duy trì và phát triển được thì không chỉ dừng lại ở việc truyền lại các bài thuốc, cách sử dụng các dược liệu, mà còn bắt đầu từ công việc tìm kiếm cây thuốc. Bởi, hiện nay việc thiếu nguồn dược liệu khiến những người tâm huyết với nghề không khỏi suy nghĩ. Để cải thiện tình trạng này, các ông lang, bà mế trên địa bàn huyện đã đưa những cây thuốc quý hiếm về trồng trong vườn nhà để tìm cách nhân giống.

Trong mảnh vườn nhỏ xanh mướt, nằm ngay cạnh ngôi nhà gỗ đặc trưng của người Dao, bà Triệu Thị Lưu, thôn Bản Nuầy, xã năng Khả (Na Hang) đang làm đất để trồng thêm cây thuốc xen lẫn với rau xanh. Thấy có khách tới chơi, bà Lưu dừng tay, mời chúng tôi ra sân trước nhà được đổ bê tông sạch sẽ, trên sân đang phơi rất nhiều loại lá và rễ cây. Vơ từng nắm lá khô cho vào bao tải, bà vừa trò chuyện, vừa cho biết công dụng của nhiều loại cây thuốc gia truyền của người Dao như: Ngâm tắm, xoa bóp để phục hồi sức khỏe cho người mới ốm dậy, hay phụ nữ sau sinh cho tới những cây thuốc, vị thuốc quan trọng như cây gió chuyên chữa trị đau xương khớp, cảm mạo, ngộ độc… Hơn 20 năm làm nghề bốc thuốc, trị bệnh ở Bản Nuầy, những bài thuốc của bà Lưu được lan truyền từ người này qua người khác, đến nay khắp nơi trong tỉnh và cả tỉnh bạn biết đến và tìm tới bà để chữa bệnh. Nếu như trước đây, một vài tuần, có khi cả tháng mới có dăm ba người tìm tới để lấy thuốc trị bệnh, thì bây giờ cứ đều đặn hàng tháng bà Lưu bán từ 40 - 50 thang thuốc cho khách, với thu nhập lên tới 4-5 triệu đồng/tháng; góp phần đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Lương y Triệu Thị Lưu cùng Chủ tịch Hội Đông y huyện Na Hang kiểm tra lạicác vị thuốc trước khi đóng túi.

Mỗi ông lang, bà mế có những bài thuốc đông y khác nhau, nhưng tất cả các bài thuốc đều là sự kết hợp từ các thành phần lấy từ tự nhiên. Ông lang Nguyễn Tiến Bình, dân tộc Cao Lan, thôn Đồng Giản, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) với bài thuốc chữa rắn cắn, bỏng, ổ hoại tử, lở loét ngoài da… được lưu truyền trong gia đình vô cùng hiệu quả và được nhiều người biết đến. Các bài thuốc của lương y Bình là sự kết hợp giữa các loại thảo dược được hái từ núi rừng, sau đó về băm nhỏ, phơi khô và bảo quản trong túi ni lông, tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản. Khi sử dụng bài thuốc này gồm 3 bước: Ngâm, rửa và đắp.

Chia tay với ông lang Bình, bà mế Lưu, chúng tôi tới nhà bà Triệu Thị Tâm, thôn Tân Hoa, xã Bình An (Lâm Bình). Bà Tâm là một bà mế khá nổi tiếng ở huyện, với những bài thuốc gia truyền đặc hiệu trị đau mỏi, thoái hóa xương khớp, sỏi thận, rắn cắn, dạ dày, gan mật. Mế Tâm chia sẻ: “Nhà tôi đã hơn 3 đời làm nghề bốc thuốc nam, riêng tôi cũng đã dành gần như cả đời gắn bó với nghề thuốc. Người bệnh đến đây, chữa được tôi mới cam kết, còn nếu không tôi không bao giờ nhận bừa. Người ta uống thấy hiệu quả lại tiếp tục giới thiệu bạn bè, người thân đến lấy thuốc. Tôi thấy rất vui khi vừa chữa bệnh cứu người, vừa giữ được nghề, lại có thêm thu nhập cho gia đình”.

Qua lời giới thiệu về những thang thuốc điều trị khớp của mế Tâm, ông Nguyễn Quang Thắng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), mặc dù chân vẫn còn đau buốt, đi khập khễnh phải có người dìu, dắt, nhưng ông vẫn bảo các con đưa đến tận nơi để tìm hiểu với hy vọng “còn nước còn tát”. Ông Thắng bày tỏ, ông đã quá mệt mỏi bởi hành trình đi chữa bệnh của mình trong nhiều năm qua, tất cả dường như đã vô vọng. Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng uống thuốc của mế Tâm, đến nay ông đã tự mình đi lại được và có thể giúp các con quét nhà, nấu cơm… Hiện ông vẫn đang duy trì uống thêm 1 thang thuốc nữa để ổn định hẳn.

“Kho báu” trong rừng nguyên sinh

Đưa chúng tôi ra khu vườn được trồng rất nhiều loại cây thuốc khác nhau như: Kim xương, đơn buốt, gối hạt, trần bì, cúc tần... anh La Văn Dũng con trai thứ 2 của mế Tâm chia sẻ, cây thuốc chữa bệnh của người Dao rất nhiều loại, nhưng có 2 loại chính, gồm bồi bổ sức khỏe và trị bệnh. Với các cây thuốc trị bệnh chủ yếu là những loại cây cỏ được lấy trong rừng, hay trên núi, sau đó đem phơi khô, thái nhỏ sắc uống, hoặc ngâm rượu để xoa bóp theo liều lượng bí truyền.

Theo bác sỹ Trần Mai Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh, với địa hình rừng núi chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên nên tiềm năng cây - con làm thuốc trên địa bàn tỉnh khá phong phú và đa dạng. Qua khảo sát của Hội Đông y tỉnh, tại các khu rừng ở các huyện Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương, Chiêm Hóa là những khu vực còn tương đối nhiều loại cây, con làm thuốc như: Cây hoàng đàn, huyết giác (mía vượn), thiên thanh quỳ, dây đau xương, cây lá khôi, mộc tặc, ma hoàng, trạch tả, thủy xương bồ, hoàng tinh ngọc trúc, long nha thảo, kim ngân, đỗ trọng nam, thổ phục linh, kê huyết đằng, nhân trần... Đây chính là nguồn nguyên liệu vô cùng quý cho việc bào chế ra những bài thuốc nam hiệu nghiệm của dân tộc.

Tại tỉnh ta hiện nay có 22 dân tộc sinh sống, đa số các dân tộc đều biết sử dụng những cây cỏ quanh mình để chữa bệnh và trải qua nhiều thời kỳ đã hình thành nên nền tri thức thuốc nam vô cùng độc đáo. Trong đó đặc biệt là bài thuốc của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan… Hội Đông y tỉnh hiện có 2.064 hội viên hoạt động tại 133 chi hội đông y xã, phường, thị trấn. Đến nay, hội đã tập hợp được gần 300 bài thuốc hay, cây thuốc quý của hội viên, các ông lang, bà mế có giá trị chữa bệnh. Mỗi năm, các cấp hội đã khám, điều trị cho trên 500 nghìn lượt người, thực hiện được trên 300 nghìn thủ thuật và sử dụng gần 400 nghìn thang thuốc. Từ đó, góp phần hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các ông lang bà mế chủ yếu học nghề cha truyền con nối với kinh nghiệm chữa bệnh và dùng thuốc dân gian với cây cỏ sẵn có trong thiên nhiên. Bằng kinh nghiệm, tri thức của dân tộc, những ông lang, bà mế đã góp phần không nhỏ vào công tác chữa trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Trong không khí rộn ràng của một mùa xuân đang tràn về, hình ảnh các ông lang, bà mế lên rừng lấy từng loại thảo dược, rồi đem về cẩn thận băm, phơi… kết hợp thành những thang thuốc quý, mới thấy được sự tâm huyết, kiên trì của họ. Những bài thuốc chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đã góp phần cùng với ngành Y tế tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Phóng sự: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/tinh-hoa-y-hoc-co-truyen-127367.html