Tình huống pháp lý khi xét xử vắng mặt cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Với trường hợp của bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, luật sư khẳng định, trong vụ án tiếp theo nếu người này vẫn bị tuyên mức án tù có thời hạn, thì tổng mức án đối với bà Nhàn vẫn là 30 năm tù.
Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh dự kiến ngày 29/10 xét xử sơ thẩm 13 bị cáo vụ án cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến và đồng phạm bị truy tố trong vụ Công ty AIC.
Trong các bị cáo, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bị Bộ Công an truy nã do liên quan đến những sai phạm về đấu thầu ở nhiều đơn vị, địa phương. Mới đây nhất, ngày 4/10, bà Nhàn bị truy nã trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và các đơn vị có liên quan.
Bà Nhàn được xác định ở tại phòng 1709-1710 tòa nhà Pacific Place, số 83B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội trước khi bỏ trốn. Cơ quan công an khẳng định, nếu bị can này tiếp tục bỏ trốn không ra đầu thú, cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa của bị can và tiến hành điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật.
Trước khi bị xét xử ở Bắc Ninh, hôm 12/7 vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án 24 năm tù về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học.
Bà Nhàn còn nhận bản án 10 năm tù của TAND tỉnh Quảng Ninh, 30 năm tù của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Tổng hợp các bản án đến nay, bị cáo Nhàn phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).
Nói về việc tổng hợp mức án này, theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Điều 55 và Điều 56 Bộ luật Hình sự quy định khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà thực hiện hành vi phạm tội mới, tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung.
Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn thì hình phạt chung không vượt quá 30 năm. Luật sư Hùng cho rằng, ngoài mục đích răn đe thì hình phạt tù còn hướng đến giáo dục đối với người phạm tội, tạo cơ hội cho họ được sửa chữa sai lầm.
Trên thực tế, nhiều người phạm nhiều tội danh phần lớn ở tuổi trưởng thành, nếu chấp hành xong bản án 30 năm tù thì họ đã già yếu, không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Do đó, Bộ luật Hình sự quy định tổng hình phạt tù có thời hạn tối đa là 30 năm, cao hơn mức án này là chung thân hoặc tử hình.
Với trường hợp của bị can Nhàn, luật sư khẳng định, trong vụ án tiếp theo nếu người này vẫn bị tuyên mức án tù có thời hạn, thì tổng mức án đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn là 30 năm tù.
Còn về trách nhiệm dân sự, nếu phát sinh nghĩa vụ bồi thường theo bản án đã có hiệu lực thì bà Nhàn vẫn phải thực hiện.
Đối với tình huống xét xử vắng mặt cựu Chủ tịch AIC trong phiên tòa sắp tới tại Bắc Ninh như các vụ án trước đó mà bị cáo này không có mặt, một nguyên thẩm phán TAND TP Hà Nội cho hay, sau khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục truy bắt bà Nhàn.
Đến khi nào bị án bị bắt hoặc ra đầu thú, người đó phải chấp hành ngay bản án đã tuyên tính từ thời điểm bị bắt.