Tính khả thi của cái gọi là 'Lực lượng gìn giữ hòa bình EU'
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ 2 với những tuyên bố và việc làm mang tính đột phá, tác động rõ rệt tới kết cục chiến trường Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng đưa ra những phản ứng cụ thể. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về Ukraine lại diễn ra ở nơi khác - Saudi Arabia.
Chính quyền Mỹ, trên thực tế, đã gạt EU ra bên lề, khi cho rằng châu Âu xưa nay chỉ là “kẻ quá giang” trên chuyến xe của “chú Sam” rộng lượng. Ông Trump cho rằng Mỹ đã gánh vác phần lớn chi phí cho nền quốc phòng châu Âu quá lâu. Và, kỷ nguyên đó đã kết thúc: Không những Mỹ sẽ hạn chế hỗ trợ cho Ukraine, mà còn có thể xem xét lại vai trò của mình trong Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thậm chí là đang cả một cuộc chiến thương mại chống EU.

Một lực lượng gồm 200.000 quân để bảo vệ không chỉ mặt trận mà toàn bộ biên giới với Nga và Belarus là yêu cầu hoàn toàn vượt ngoài khả năng của quân đội châu Âu hiện tại.
Tuyên bố từ phía châu Âu liên tục được đưa ra, các hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp đủ loại diễn ra với nhịp độ chóng mặt. Tuy nhiên, thông điệp về sự đồng lòng tuyệt đối trong hỗ trợ Ukraine, các chương trình huy động cho nền công nghiệp quốc phòng châu Âu, cũng như những cam kết chi hàng trăm tỷ euro để tái vũ trang lục địa này không thể làm lu mờ những căng thẳng ngay trong lòng EU, từ một Hungary, một Slovakia thân Nga và thân Mỹ, một nước Đức đang loay hoay trong việc hình thành một liên minh cầm quyền vững chắc, và một Italy vẫn kiên định lập trường Đại Tây Dương.
Đặc biệt, sự chia rẽ được thể hiện rõ trong vấn đề triển khai một lực lượng châu Âu nhằm bảo đảm cho thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng giữa các bên tham chiến - đề xuất được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer ủng hộ, nhưng không nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ các quốc gia châu Âu, dù đã có nhiều cuộc họp được tổ chức. Italy và Đức chỉ cam kết theo dõi diễn biến của kế hoạch; Hà Lan và Thụy Điển thì mong muốn có một mạng lưới bảo đảm từ phía Mỹ trong trường hợp xảy ra đụng độ với các lực lượng Nga, một sự đảm bảo ngày càng bất khả thi hơn.
Sự bế tắc hiện tại chủ yếu mang tính chính trị, song cũng có thể xuất hiện ở cấp độ quân sự, bởi vì việc triển khai lực lượng như đang được cân nhắc sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía các quốc gia tham gia, trong đó danh sách các bên tham gia thực chất mỏng hơn nhiều so với ấn tượng mà những tuyên bố về “liên minh các quốc gia tình nguyện” từng tạo ra.
Nhiệm vụ là gì?
Điều kiện tiên quyết để triển khai một lực lượng dưới lá cờ châu Âu là việc các quốc gia thành viên cần đạt được đồng thuận chính trị - lý tưởng là cùng ủng hộ sáng kiến này, còn tối thiểu là không phản đối công khai. Nếu ngay cả giải pháp tối thiểu này cũng không khả thi thì giải pháp thay thế là hình thành một liên minh tự nguyện giữa một số nước sẵn sàng tham gia, nhưng sẽ không thể tiếp cận các nguồn tài chính từ ngân sách chung của EU.
Để hình dung mức độ, trong năm 2023, cam kết của Pháp tại sườn phía Đông - bao gồm sứ mệnh LYNX (tăng cường an ninh và bảo vệ các quốc gia thành viên trước các mối đe dọa) tại các quốc gia vùng Baltic, nhiệm vụ kiểm soát không phận và sứ mệnh AIGLE tại Romania (tăng cường thế trận răn đe và phòng thủ của NATO ở sườn Đông) - đã tiêu tốn khoảng 560 triệu euro, chỉ để triển khai một lực lượng vỏn vẹn 2.000 binh sĩ.

Sứ mệnh phòng thủ bảo vệ châu Âu luôn phải là lý do cốt lõi cho sự tồn tại của NATO.
Tuy nhiên, tạm giả định rằng EU có thể đạt được sự đồng thuận tối thiểu cho một sứ mệnh chung, như Tổng thống Macron từng tuyên bố, việc triển khai lực lượng châu Âu chỉ diễn ra sau khi một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine được ký kết, tức đồng nghĩa với việc phải có sự chấp thuận ngầm, nếu không phải là chính thức, từ Nga. Thế nhưng, Tổng thống Nga Vladimir Putin không có vẻ gì sẽ chấp nhận điều này, bất chấp các tuyên bố ngược lại từ ông Donald Trump. Nhiều khả năng, ông Putin sẽ hài lòng hơn nếu có một lực lượng do Liên hợp quốc ủy nhiệm, trong đó có thể bao gồm một số đồng minh của Nga, trước hết là Trung Quốc.
Giả sử các nước châu Âu đạt được thỏa thuận và quyết định bỏ qua những lo ngại từ phía Nga, thì sứ mệnh khả dĩ của một lực lượng “gìn giữ hòa bình” như vậy sẽ là gì? Đây sẽ không phải là một phái bộ gìn giữ hòa bình theo mô hình “Mũ nồi xanh” truyền thống, bởi vì điều đó sẽ khiến lực lượng trở thành con tin của tình hình xung đột, dễ bị lợi dụng - từ phía Nga nhằm khai thác ưu thế, hoặc từ phía Ukraine nhằm lôi kéo sâu hơn sự can dự của châu Âu. Do đó, việc triển khai dưới khuôn khổ Liên hợp quốc là khó xảy ra.
Thay vào đó, lực lượng này cần được tổ chức như một đơn vị phản ứng linh hoạt, đủ quy mô về quân số và trang bị, đóng vai trò tuyến 2, với mục tiêu răn đe, không để tái phát xung đột. Thành phần lực lượng chiến đấu có thể được bổ sung thêm nhiệm vụ huấn luyện, nhưng sẽ hoạt động phía sau tuyến tiếp xúc. Trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên vẫn tỏ ra dè dặt, một phái bộ EU với quyền thực thi, tức có quyền sử dụng vũ lực, dường như cũng khó được thông qua. Khả năng còn lại là một liên minh các quốc gia tự nguyện, trong đó chính các nước tham gia sẽ phải xác định khung pháp lý cho lực lượng, đặc biệt là các quy tắc can thiệp, thậm chí có thể dẫn tới đối đầu trực tiếp với lực lượng Nga trong trường hợp xảy ra vi phạm lệnh ngừng bắn.
Ai sẽ tham gia?
Hiện tại không tồn tại một lực lượng châu Âu đúng nghĩa, tức một tổ chức quân sự có sẵn và chỉ chờ lệnh điều động. Các quốc gia thành viên vẫn giữ quyền kiểm soát hoàn toàn lực lượng vũ trang của mình, giống như trong khuôn khổ NATO. Thực tế, năm 1999, tại Hội nghị Thượng đỉnh Helsinki, các quốc gia thành viên từng cam kết xây dựng một lực lượng 60.000 quân có thể triển khai trong vòng 60 ngày, nhưng cam kết này vẫn chỉ là cam kết. Từ mục tiêu 60.000 quân, đến năm 2007, EU chỉ còn duy trì 2 nhóm tác chiến chiến thuật với quy mô 1.500 binh sĩ mỗi nhóm, hoạt động luân phiên theo chu kỳ 6 tháng.
Tất nhiên, có những giai đoạn không có nước nào đăng ký đảm nhiệm vai trò này, và các nhóm tác chiến này cũng chưa từng được sử dụng, ngay cả trong các hoạt động tăng cường như sứ mệnh quân sự trên bộ chính của EU tại Bosnia - Herzegovina (ALTHEA). Chiến lược “la bàn chiến lược” được EU thông qua vào tháng 3/2022 dự kiến thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 quân. Thế nhưng, cuộc chiến Ukraine đã khiến kế hoạch này trở nên lỗi thời ngay trước khi EU có thể triển khai các bước đi thực tế, nhất là khi lực lượng này vốn được thiết kế cho các nhiệm vụ ngoài khu vực châu Âu, trong khi nhiệm vụ bảo vệ châu Âu vẫn được giao cho NATO.
Như vậy, các lực lượng duy nhất hiện có của EU là quân đội quốc gia của các nước thành viên, cũng là lực lượng được dùng cho các sứ mệnh của NATO, chẳng hạn như các tiểu đoàn đang triển khai tại sườn phía Đông. Xét về tổng thể, quy mô lực lượng của EU và Vương quốc Anh cộng lại gần 1,5 triệu quân. Trong đó, các lực lượng lớn nhất thuộc về Ba Lan (202.000), Pháp (200.000), Đức (181.000) và Italy (165.000), tiếp theo là Tây Ban Nha và Hy Lạp với khoảng 140.000 quân mỗi nước. Phần lớn các quốc gia còn lại đều có lực lượng dưới 50.000 quân. Vương quốc Anh hiện có 180.000 quân, nhưng các lực lượng này đang đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng khi mà năng lực tác chiến, nhất là lực lượng lục quân, đã suy giảm đáng kể trong nhiều thập kỷ qua.

Một lực lượng lớn được triển khai phải đi kèm nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu hệ thống hậu cần, logistic vững chắc.
Quả thực, quy mô lực lượng không phải là chỉ số đủ để đánh giá khả năng triển khai. Cần xét thêm mức độ sẵn sàng, tức là khoảng thời gian cần thiết để các đơn vị có thể được triển khai với trang bị sẵn sàng chiến đấu và hệ thống hậu cần phù hợp. Pháp, với hệ thống cảnh báo mới mang tên Gúepard (một cơ chế triển khai quân sự nhanh mới của quân đội Pháp), có thể triển khai 3 tiểu đoàn trong vòng 5 ngày và một lữ đoàn trong vòng 10 ngày (tức từ 6.000 đến 7.000) quân). Nhưng, thời gian triển khai khác biệt rất lớn giữa các quốc gia thành viên.
Ở Pháp, quyết định can thiệp thuộc về tổng thống, với sự giám sát của Quốc hội sau đó, trong khi đó, quân đội Đức chỉ có thể được điều động sau khi nhận được sự phê chuẩn của Bundestag, và việc triển khai này bị Hiến pháp giới hạn trong khuôn khổ EU, NATO hoặc Liên hợp quốc. Tại một số quốc gia thành viên, lực lượng vũ trang không thể sẵn sàng trong thời gian ngắn mà cần phải được huy động từng phần, với thời gian chuẩn bị có thể kéo dài đến 6 tháng.
Cuối cùng, lập trường chính trị của các quốc gia thành viên, cùng với cách nhìn nhận về mối đe dọa và phương thức ứng phó với nó, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng tham gia của họ. Tuy nhiên, việc một số quốc gia có năng lực hạn chế không tham gia sẽ không tạo ra tác động đáng kể đến tổng thể lực lượng. Trái lại, nếu Italy, Ba Lan, Đức hoặc Phần Lan từ chối tham gia thì tính khả thi của dự án sẽ bị đặt dấu hỏi lớn, bởi Pháp và Vương quốc Anh không thể gánh vác toàn bộ trọng trách.
Lực lượng sẽ cần gì?
Nếu mục tiêu thực sự là răn đe Nga, thì lực lượng này phải chủ yếu là lục quân, với các đơn vị thiết giáp và cơ giới, được hỗ trợ bởi không quân ở quy mô đáng kể và có thể cả hải quân ở Biển Đen. Tổng thống Ukraine đã đề nghị một lực lượng gồm 200.000 quân để bảo vệ không chỉ tuyến mặt trận mà cả toàn bộ biên giới với Nga và Belarus, một yêu cầu hoàn toàn vượt ngoài khả năng của các quân đội châu Âu.
Một quy mô khả thi hơn là cấp quân đoàn, đóng quân phía sau tuyến đầu, đồng thời tham gia bảo vệ các cơ sở chiến lược của Ukraine. Một quân đoàn thường bao gồm 2 đến 3 sư đoàn, mỗi sư đoàn có từ 2 đến 3 lữ đoàn, tức khoảng 40 tiểu đoàn (để so sánh, NATO hiện chỉ triển khai 8 tiểu đoàn ở sườn Đông). Như vậy, tổng quân số có thể dao động từ 40.000 đến 50.000 binh sĩ, chưa kể lực lượng không quân, hải quân hoặc các đơn vị huấn luyện hỗ trợ quân đội Ukraine. Trong mọi hoạt động triển khai, thực tiễn quân sự đòi hỏi phải có một lực lượng tương đương ở hậu phương để sẵn sàng thay thế khi cần thiết. Và, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng đó còn phải được tái tổ chức, huấn luyện lại để chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo. Vì vậy, tổng quân số cần huy động lâu dài có thể lên tới 150.000 binh sĩ, tức khoảng 10% tổng quân số của toàn bộ lực lượng quân sự châu Âu.
Trên thực tế, một quân đoàn còn cần đến các yếu tố gia tăng sức mạnh như thông tin tình báo, trực thăng tấn công và hỏa lực tầm xa... Để chỉ huy hiệu quả toàn bộ các đơn vị, quân đoàn còn cần có một hệ thống thông tin liên lạc tin cậy và có khả năng tương tác cao, vì nó sẽ bao gồm các đơn vị đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó là cần hệ thống hậu cần, logistic vững chắc... Cuối cùng, lực lượng này phải được tích hợp vào một hệ thống chỉ huy và kiểm soát riêng biệt, không thể đặt dưới NATO, vì Mỹ phản đối và Nga sẽ coi đó là một hành động khiêu khích...
Tóm lại, một sự triển khai như vậy có thể tạo cảm giác rằng NATO đã đánh mất lý do tồn tại cốt lõi của mình, vượt qua khỏi ranh giới của sứ mệnh phòng thủ bảo vệ châu Âu. Đây lại còn có thể là cái cớ để Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi cấu phần quân sự của NATO, điều đã được ông đề cập, thậm chí là rút hoàn toàn khỏi tổ chức này. Cơ hội dành cho châu Âu là có, nhưng đi kèm với một mức độ rủi ro mà nhiều quốc gia thành viên dường như vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận.