Mỹ sở hữu 'quân bài' mạnh gây áp lực lên Nga, hậu quả không chỉ đến với xứ bạch dương

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine bằng cách tấn công các quốc gia mua dầu của Nga. Đứng đầu danh sách đó là Trung Quốc và Ấn Độ - hai nền kinh tế quan trọng của thế giới.

Chính quyền Mỹ cho biết sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với những đối tác thương mại của Nga, trừ khi nước này đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày. Ảnh minh họa. (Nguồn: Financial Times)

Chính quyền Mỹ cho biết sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với những đối tác thương mại của Nga, trừ khi nước này đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày. Ảnh minh họa. (Nguồn: Financial Times)

Ngày 14/7, ông Donald Trump tuyên bố, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với những đối tác thương mại của Nga, trừ khi nước này đồng ý ký một thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời đe dọa sẽ áp các lệnh trừng phạt thứ cấp lên Moscow.

Điều đó có thể gây xáo trộn không chỉ hai thị trường lớn nhất châu Á mà còn toàn thế giới. Nếu lời đe dọa đó thành hiện thực, Ấn Độ và Trung Quốc phải tranh giành nguồn cung và tìm kiếm các nguồn dầu khác để tránh mức thuế quan cao của Mỹ hoặc các lệnh trừng phạt khác.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Nga đã thu về khoảng 192 tỷ USD từ việc bán dầu mỏ vào năm 2024. Việc cắt giảm nguồn thu này có thể hiệu quả nhưng cũng tốn kém và không chỉ tác động lên một mình Moscow. Giá dầu thế giới sẽ tăng vọt nếu hơn 7 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Nga đột ngột biến mất trên thị trường

Thị trường dầu mỏ vẫn chưa phản ứng nhiều với lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump, chủ yếu là do sự không chắc chắn về việc liệu ông chủ Nhà Trắng có thực hiện hay không và nếu có thì thực hiện như thế nào.

Quân bài mạnh

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu và áp đặt giá trần đối với dầu mỏ Nga.

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu của xứ bạch dương đã nhanh chóng thích nghi, chuyển hướng nguồn cung khổng lồ của đất nước từ Tây sang Đông.

Ba năm rưỡi sau, chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp diễn. Tổng thống Donald Trump muốn kết thúc chiến dịch này.

Một dự luật lưỡng đảng nhận được sự ủng hộ tại Thượng viện Mỹ cho phép ông chủ Nhà Trắng áp thuế 500% lên các nước mua năng lượng hoặc uranium của Nga. Các nhà lập pháp ủng hộ gọi dự luật này là "búa tạ" mà ông Donald Trump cần để chấm dứt tình trạng xung đột giữa Moscow và Kiev.

Về mức thuế quan thứ cấp mà nhà lãnh đạo Mỹ đe dọa mới đây, ông Matt Whitaker, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhận định, lệnh trừng phạt này dù không trực tiếp áp lên Nga nhưng sẽ tác động đến kinh tế nước này.

Thuế quan thứ cấp đồng nghĩa với việc áp thuế rộng rãi lên hàng xuất khẩu của một quốc gia sang Mỹ. Đây là công cụ tương đối mới, có thể tạo động lực tài chính mạnh mẽ cho Ấn Độ và Trung Quốc để ngừng mua dầu của xứ bạch dương.

Ông Ben McWilliams, nghiên cứu viên về Chính sách năng lượng và khí hậu tại Viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels đánh giá: “Ít nhất đó cũng là 'quân bài' mạnh nhất mà các đồng minh của Ukraine có thể sử dụng. Nhưng nếu lệnh trừng phạt được thực thi, Mỹ sẽ nghiêm khắc tới mức nào?".

Một nhà máy lọc dầu của Nga ở vùng Amu. (Nguồn: TASS)

Một nhà máy lọc dầu của Nga ở vùng Amu. (Nguồn: TASS)

Mối đe dọa mang tính biểu tượng?

Các nhà phân tích cho rằng, việc sử dụng "quân bài" mạnh đi kèm với những hậu quả mà ông Donald Trump có thể không sẵn sàng chấp nhận.

Thứ nhất, khối lượng dầu mỏ toàn cầu đang bị đe dọa. Theo ông Muyu Xu, nhà phân tích dầu mỏ cấp cao tại công ty tình báo thương mại Kpler, dầu thô của Nga chiếm 36% lượng nhập khẩu của Ấn Độ và gần 1/5 lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Điều này khiến Moscow trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho cả hai nước.

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua các sản phẩm dầu mỏ chủ chốt của xứ bạch dương. Dầu thô của Nga cũng được vận chuyển đến Hungary và Slovakia qua đường ống theo một quy định miễn trừ của EU.

"Nếu không ai mua dầu của Nga, thì chúng ta lấy đâu ra nguồn cung bổ sung? Việc bù đắp thị phần thay thế rất khó khăn. Vì vậy, nếu lệnh trừng phạt được áp dụng, chắc chắn giá dầu sẽ tăng lên đáng kể", ông Muyu Xu nhận định.

Thứ hai, lệnh trừng phạt không chỉ gây áp lực cho Nga mà còn cho cả Mỹ.

Nhà phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo tại UBS ở Zurich cho hay: "Chúng ta đều biết, Tổng thống Donald Trump không thích giá dầu cao và đây chính là lý do khiến mọi chuyện trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, thế giới cũng không có nhiều cách để bù đắp nếu xảy ra gián đoạn lớn trên thị trường dầu".

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể chưa vội áp lệnh trừng phạt. Vì thế, thị trường có thêm thời gian để chuẩn bị cho những gián đoạn.

Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước tới nay với ngành dầu mỏ Nga, đưa hai tập đoàn lớn và gần 200 tàu chở dầu vào danh sách đen.

Theo các chuyên gia, thay vì thuế quan dễ gây xáo trộn, các biện pháp trừng phạt chặt chẽ có thể khả thi và hiệu quả hơn trong việc làm giảm doanh thu dầu mỏ của Nga. Ông Richard Bronze, Giám đốc bộ phận địa chính trị tại Energy Aspects (Anh), nhận định: “Khả năng cao ông Donald Trump sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp – công cụ có mục tiêu rõ ràng và dễ kiểm soát hơn”.

Một số ý kiến cho rằng, những lời đe dọa thuế quan từ phía Mỹ mang thông điệp kép: vừa cảnh báo Nga về nguy cơ mất nguồn thu, vừa gây sức ép lên các đối tác thương mại của Moscow. Giáo sư Gregory Shaffer (Đại học Georgetown) đánh giá, mối đe dọa thuế quan thậm chí có thể chỉ mang tính biểu tượng.

Dù vậy, việc Tổng thống Donald Trump sử dụng mức thuế quan cao để ngăn các quốc gia mua dầu của xứ bạch dương sẽ gây thiệt hại cho phần còn lại của thế giới. Giờ là thời điểm thích hợp để các nước có liên quan như Trung Quốc và Ấn Độ chuẩn bị sẵn các biện pháp đối phó với lời đe đọa này.

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-so-huu-quan-bai-manh-gay-ap-luc-len-nga-hau-qua-khong-chi-den-voi-xu-bach-duong-321769.html