Tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh hưởng như nào tới khu vực cảng Sài Gòn
Theo thiết kế trước đây, tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 chỉ cao 10m, cơ quan chức năng đang lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.
Trước thực tế thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4, chiều ngày 18/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân đã tổ chức buổi Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh cho biết, trong những năm qua, để mở rộng không gian phát triển đô thị, giải quyết sự quá tải về hạ tầng giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực, đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, trong đó có nhiều công trình vượt sông Sài Gòn như cầu Thủ Thiêm 1, cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son), cầu Phú Mỹ và hầm Thủ Thiêm.
Hiện nay, phương án thiết kế của cầu Thủ Thiêm 4 đang lấy ý kiến các Sở, ngành, đơn vị liên quan với thiết kế tĩnh không thông thuyền 10m. Do vậy, thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả Thành phố Hồ Chí Minh.
Thương cảng Sài Gòn (khởi thủy từ bến Bạch Đằng đến Khánh Hội – Tân thuận) đã từng nằm trong "Top 10" các cảng hàng đầu thuộc đế chế Pháp. Chính quyền Pháp ở Đông Dương đã có kế hoạch mở rộng Thương cảng Sài Gòn từ Khánh Hội ra Nhà Bè và Cần Giờ, trong đó có cả một cảng thủy phi cơ ở vịnh Gành Rái.
Ngày nay, cảng Sài Gòn đang được chuyển đổi công năng, một trong những định hướng đang nghiên cứu là chuyển thành Cảng du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, Bến cảng Nhà Rồng có một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng.
Song song với việc phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại đẳng cấp tương xứng với công năng mới, chốn xưa của Thương cảng Sài Gòn cần được gìn giữ cảnh quan và kiến tạo phù hợp với mục tiêu bảo tồn và tiến hành kinh tế di sản.
Theo đại diện đơn vị tư vấn thiết kế trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4, theo đó, cầu sẽ bắt đầu từ trước giao lộ cầu Tân Thuận-Nguyễn Văn Linh khoảng 200m rồi đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu, đến ngã tư giao với đường Huỳnh Tấn Phát thì rẽ trái. Sau đó, cầu kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận; vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đơn vị tư vấn thiết kế cũng đưa ra 5 phương án thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4, trong đó 3 phương án hướng tới chiều cao tĩnh không 10m; một phương án chiều cao tĩnh không đạt mức 15m và một phương án chiều cao tĩnh không có thể lên tới 45m.
Nhiều chuyên gia kinh tế, đô thị, kiến trúc sư và sử học… lo ngại, với phương án trên, cảng Sài Gòn sẽ trở thành ốc đảo, không còn tàu ra vào, đánh mất lợi thế của một cảng đang tiếp nhận tàu biển chở khách du lịch, cản trở mục tiêu chuyển đổi công năng, làm mất đi cảnh trên bến dưới thuyền của một thương cảng vốn đã làm nên thương hiệu của Sài Gòn xưa.
TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh từng là thương cảng quốc tế sầm uất. Do đó, thành phố nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới. Làm được như vậy, trong tương lai, thành phố sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế với thế mạnh là du lịch tàu biển.
Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh chính là thành phố cảng xuất hiện sớm nhất của Việt Nam theo những tiêu chí phổ quát của thế giới.
Vị chuyên gia này khẳng định, nếu không quan tâm đến độ tĩnh không của các cây cầu, thì sông Sài Gòn sẽ có khả năng bị đứt đoạn, qua đó “khai tử không gian cốt lõi” cũng như danh vị "Thành phố Cảng".
Lấy dẫn chứng hai thành phố là Busan của Hàn Quốc và Liverpool của nước Anh là hai trường hợp trái ngược trong việc phát huy lợi thế Thành phố Cảng, ông Dương Trung Quốc khẳng định: Thành phố Hồ Chí Minh đang “ít quan tâm và ý thức” lợi thế của mình về cảng.
“Bài học về cây cầu Ba Son và có thể còn liên quan đến những cây cầu Thủ Thiêm 3 và cầu Thủ Thiêm 4 với độ thông thủy rất thấp sẽ chặn đứng những con tàu đi sâu vào thành phố như biểu trưng sống động và đầy nhớ nhung về một thành phố Cảng đang dễ bị phai mờ và có thể mất hẳn cho dù các cơ sở của công nghệ cảng và logistic có mạnh mẽ đến đâu…”, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của TS. Trần Du Lịch.
TS. Trần Đình Thiên khẳng định, chúng ta cần phải định hình chân dung thành phố tương lai, trong đó cầu Thủ Thiêm 4 có một vai trò vô cùng quan trọng. Thành phố cần tận dụng lợi thế mở do sông Sài Gòn mang lại, không thể lãng phí và chặn “độ mở” bằng một cây cầu có độ tĩnh không thấp.
“Chúng ta nên hình dung Thành phố Hồ Chí Minh như một thành phố hội nhập, gắn với sông nước, với các công trình kiến trúc bên sông và ven sông”, ông Thiên bày tỏ và cho rằng, trong phương án thiết kế xây cầu cần phải chứng minh tính hiệu quả một cách cụ thể và rõ ràng.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Đường thủy là một lợi thế, một điểm mạnh của Thành phố cần được khai thác một cách hiệu quả.
Theo bà Hiếu, Thành phố Hồ Chí Minh có 101 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài 913km. Thành phố đã triển khai nhiều tuyến đường thủy tập trung ở trung tâm thành phố, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách kết hợp du lịch đường thủy. Ngoài ra, thành phố có gần 150 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 100 doanh nghiệp. Sản phẩm du lịch đường thủy ngày càng được đa dạng, từ các tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế và đa dạng các loại phương tiện đường thủy.
Phó Cục trưởng Hàng Hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt cho biết về cá nhân, ông hoàn toàn ủng hộ các ý kiến, quan điểm về giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị bảo tồn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm tại khu vực dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.
Cục Hàng Hải cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc tính toán tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 cần tương đồng với quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố; đặc biệt với cầu Phú Mỹ (vốn có tĩnh không thông thuyền lên tới 45m) đã được xây dựng trước đó.
Cho rằng thành phố nên xem xét toàn diện dự án cầu Thủ Thiêm 4, không chỉ về tĩnh không, thiết kế hay vị trí, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đằng sau câu chuyện tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 còn có một câu chuyện lớn hơn về tư duy quy hoạch để phát triển hài hòa trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Cụ thể, KTS Nam Sơn nhận định: Các địa phương đang đứng trước một cơ hội rất lớn cần được tận dụng khi Luật Quy hoạch mới cho phép các tỉnh thành được làm lại quy hoạch theo tư duy tích hợp.
“Nhìn trên hiện trạng của khu vực Thủ Thiêm, chúng ta có thể thấy quy hoạch hiện tại đang là sự ráp nối của các quy hoạch đã có trước đó. Tôi hy vọng, với việc Thành phố Hồ Chí Minh đang làm lại quy hoạch, thành phố nên xem xét toàn diện dự án cầu Thủ Thiêm 4, không chỉ về tĩnh không, thiết kế hay vị trí…”, chuyên gia kiến nghị.
Nhắc lại giá trị của di sản Bến Nhà Rồng, ông Nam Sơn cũng cho rằng, các cây cầu được xây dựng cần có sự liên kết giữa cái mới và cái cũ, đặc biệt với các công trình di sản.
“Chúng ta cần cân nhắc về tỷ lệ của cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4, tránh để Bến Nhà Rồng bị mất đi bản sắc và giá trị lịch sử. Tôi cho rằng, cây cầu Thủ Thiêm 4 có độ tĩnh không như thế nào, thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật ra sao thì thành phố phải tính toán cẩn trọng. Tôi mong muốn thiết kế hai cây cầu này sẽ nằm trong chương trình định hướng lại quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh gắn với quy hoạch sông Sài Gòn trong tương lai”, KTS Ngô Viết Nam Sơn kỳ vọng.