Tính kỷ luật của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được thế giới công nhận
Theo Đại tá Mạc Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, với những dấu mốc đáng tự hào trong hành trình 10 năm tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (2014-2024), Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện bước phát triển mới về trình độ hội nhập quốc tế.
Triển khai hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
Nói về những kết quả nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ), Đại tá Mạc Đức Trọng cho biết, có hơn 800 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có 114 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân.
Theo Đại tá Mạc Đức Trọng, đối với các vị trí cá nhân, tỷ lệ các cán bộ hoàn thành đặc biệt xuất sắc - tiêu chí cao nhất (theo 5 cấp của LHQ) đạt trên 30%. Đây là tỷ lệ rất cao so với mặt bằng chung của các quốc gia tham gia hoạt động này. Điều này đã tạo nên hình ảnh các sĩ quan Việt Nam với tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao, nhiệt tình công tác. Đồng thời, tính kỷ luật của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được bạn bè quốc tế và thế giới công nhận.
Về loại hình đơn vị, Việt Nam đã triển khai thành công Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 ở địa bàn rất khó khăn, hoạt động ở môi trường phức tạp, thiếu thốn về hạ tầng. Mặc dù yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật đòi hỏi đạt chuẩn quốc tế, song Việt Nam đã đáp ứng được.
“Đối với BVDC, không phải quốc gia nào cũng triển khai được trọn vẹn, hoàn thành tốt nhiệm vụ LHQ giao, nhưng chúng ta có lợi thế là tự đào tạo được nguồn lực quân y, đây là điều nhiều quốc gia không thể đáp ứng”, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ.
Đại tá Mạc Đức Trọng cho biết, tại Nam Sudan, BVDC cấp 2 trước đó chỉ có 200-300 bệnh nhân. Từ khi BVDC cấp 2 của Việt Nam triển khai đến phái bộ, trong một năm đã tiếp nhận từ 1.200-2.000 bệnh nhân. Điều này cho thấy năng lực và tinh thần phục vụ rất tốt của đội ngũ y bác sĩ quân y Việt Nam. Ngoài bệnh nhân là cán bộ, nhân viên LHQ, bệnh viện còn đón nhiều bệnh nhân là người dân sở tại với tinh thần nhân đạo.
“Chúng ta có ba mốc chính trong 10 năm qua. Đó là triển khai hai sĩ quan cá nhân đầu tiên vào năm 2014, triển khai đơn vị đầu tiên là BVDC cấp 2 vào năm 2018 và triển khai Đội Công binh số 1 vào năm 2022. Những mốc thời gian cho thấy, cứ 4 năm chúng ta nâng lên một bước”
Đại tá Mạc Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam
Cũng theo Đại tá Mạc Đức Trọng, sau 4 năm triển khai BVDC, Việt Nam có bước nhảy vọt là triển khai Đội Công binh với quân số 184 cán bộ, nhân viên, cùng trang thiết bị rất lớn với gần 150 loại xe, máy... Tổng số hàng hóa mang theo lên tới hơn 2.200 tấn. Việc triển khai số lượng quân nhân, xe, máy như vậy rất khó. Ở phái bộ Abyei, nhiều quốc gia sau hai năm vẫn chưa triển khai xong một đơn vị, trang thiết bị vẫn chưa sang được đến nơi, còn Việt Nam triển khai hoàn thành toàn bộ trong một tháng.
“Không chỉ hoàn thành rất tốt, rất nhanh, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ của LHQ trong những tình huống, điều kiện khó khăn, chúng ta còn làm công tác nhân đạo, làm cống thoát nước, xây trường học, hỗ trợ người dân... Đó là những điều vượt ngoài mong đợi của LHQ, giúp Đội Công binh để lại tiếng vang lớn, được đánh giá là đã làm thay đổi bộ mặt của phái bộ với nhân dân địa phương”, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ thêm.
Chủ động tạo nguồn và huấn luyện
Đối với việc tạo nguồn cán bộ trong lực lượng GGHB Việt Nam trước yêu cầu mở rộng về số lượng cũng như lĩnh vực khi tham gia hoạt động GGHB LHQ, Đại tá Mạc Đức Trọng cho biết, hiện Cục GGHB được Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị cho phép đơn vị tuyển các cán bộ trong toàn quân. Do đó, có nguồn cán bộ rất lớn từ các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các học viện, nhà trường...
“Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là ngoại ngữ. Có cán bộ chuyên môn cao nhưng ngoại ngữ hạn chế, ngược lại cán bộ có ngoại ngữ thì chuyên môn có hạn chế. Vì vậy chúng ta phải làm sao để tuyển cán bộ vừa có chuyên môn vừa có ngoại ngữ song hành. Chúng ta luôn phải nỗ lực để tìm ra những cán bộ có năng lực nhất, phù hợp nhất với từng nhiệm vụ, đáp ứng các vị trí cụ thể”, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nói.
Theo Đại tá Mạc Đức Trọng, về kế hoạch mở rộng các vị trí cá nhân, Việt Nam tiếp tục tìm kiếm các phái bộ mới, tuy nhiên đặt mục tiêu triển khai ít nhất 3 cán bộ tại một thời điểm ở một phái bộ, để tạo ra một tập thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đồng thời thành lập chi bộ để các quân nhân có điều kiện sinh hoạt đảng.
Về mở rộng loại hình đơn vị, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu những loại hình phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Quân đội, như kiểm sát quân sự, bảo vệ sở chỉ huy... Tuy nhiên việc triển khai rất khó khăn vì tính cạnh tranh giữa các quốc gia rất cao. Hiện nay trong hệ thống đăng ký của LHQ cho các vị trí cấp đơn vị luôn có hàng chục quốc gia, do đó để được chọn lựa và triển khai được, Việt Nam phải có bước chuẩn bị rất lâu dài, kỹ lưỡng.
Nói về mục tiêu đưa Cục GGHB Việt Nam phát triển thành một trong những trung tâm huấn luyện GGHB hàng đầu khu vực, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, khi hai cán bộ đầu tiên được triển khai năm 2014, chúng ta phải mời một số tùy viên quân sự nước ngoài là đối tác của Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm. Sau đó, Việt Nam đã tự đào tạo được các khóa cá nhân từ nguồn các cán bộ hoàn thành nhiệm kỳ công tác trở về, tùy theo vị trí đã làm nhiệm vụ để huấn luyện lại cho những người tiếp theo.
“Chúng ta đã áp dụng huấn luyện tiền triển khai cấp đơn vị, điều này rất khó vì phải theo hệ thống chương trình, đào tạo, giáo trình của LHQ với rất nhiều nội dung. Không thể nào đưa cả một đơn vị ra nước ngoài huấn luyện được. Với việc này, chúng ta đã làm rất thành công, từ các đồng chí đi cá nhân, có kinh nghiệm trở về, cùng với sự hỗ trợ của các nước khác ở vài bộ môn, bài giảng... chúng ta đã chủ động hoàn toàn được huấn luyện tiền triển khai ở cấp đơn vị. Hiện nay chúng ta cũng đang tổ chức các khóa huấn luyện có cả học viên Việt Nam và quốc tế”, Đại tác Mạc Đức Trọng chia sẻ.