Tính kỹ việc 'nắn' đường sắt TP HCM - Cần Thơ

Chuyên gia đề xuất nắn tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ để tránh nơi đông dân, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, tạo tiềm năng phát triển các khu đô thị mới

Ngày 12-4, Viện Nghiên cứu vùng và đô thị thuộc Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật TP HCM tổ chức hội thảo "Ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ (đoạn qua địa bàn TP HCM và Bình Dương).

Đường sắt vòng cung

Trước đó, theo Quyết định 2563/2013 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tuyến đường sắt này đi qua 6 địa phương gồm: Bình Dương - TP HCM - Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ với tổng chiều dài 174 km, điểm đầu là ga An Bình (tỉnh Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng (TP Cần Thơ). Tại TP HCM, đường sắt sẽ song song đường Vành đai 2, qua địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện: 12, Hóc Môn, Bình Chánh...

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Văn Trình - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thành phố - đưa ra ý tưởng hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ đối với đoạn đi qua TP HCM và Bình Dương. Ông cho rằng thay vì đi song song đường Vành đai 2, tuyến này nên đi chung với hành lang của đường Vành đai 3 - TP HCM.

PGS-TS Nguyễn Văn Trình phát biểu tại hội thảo

PGS-TS Nguyễn Văn Trình phát biểu tại hội thảo

Theo ông Trình, dọc tuyến Vành đai 2 hiện nay đã đô thị hóa nhanh, giá nhà trong khu vực tăng rất cao. Điều này gây bất lợi lớn cho quá trình triển khai tuyến đường sắt, dù làm theo phương thức PPP cũng rất khó do chi phí lớn. Trong khi đó, khi quy hoạch đường Vành đai 3 đã có quỹ dự trữ để giải phóng mặt bằng, nếu kết hợp với làm đường sắt sẽ tiết giảm rất nhiều. "Tuyến đường sắt sẽ đi ra bên ngoài, tác động phát triển khu vực mới. Đây cũng là khởi đầu làm tuyến đường sắt vòng cung cho TP HCM, hình thành mạng lưới vận tải hàng hóa khối lượng lớn về các cảng, giảm chi phí vận tải và giảm ách tắc giao thông" - ông Trình nói.

TS Trịnh Văn Chính - chuyên gia giao thông, thuộc nhóm nghiên cứu - cho biết phương án trên kết hợp gần như hoàn toàn đường sắt TP HCM - Cần Thơ vào một phần bên trái của tuyến Vành đai 3. Phương án này tạo tiềm năng phát triển các khu đô thị mới. Đồng thời, tạo được vành đai kết hợp đường sắt - đường bộ cho khu vực TP HCM.

Ông Chính khẳng định việc kết hợp đường sắt TP HCM - Cần Thơ với đường Vành đai 3 sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, tạo nên hành lang giao thông có năng lực cao, góp phần phát triển giao thông công cộng trong khu vực.

Điều chỉnh quy hoạch không phải chuyện nhỏ

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT - Bộ GTVT Phạm Hoài Chung đánh giá cao ý tưởng này. Theo ông, đây là ý tưởng hay nhưng sẽ gặp rất nhiều thách thức vì điều chỉnh quy hoạch không phải là chuyện nhỏ.

Về tính pháp lý, ông Chung cho biết các địa phương có tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ đi qua đang điều chỉnh quy hoạch chung, một số tỉnh đã trình Thủ tướng phê duyệt. Do đó, vấn đề đặt ra là nếu điều chỉnh hướng tuyến dự án thì sẽ tích hợp vào quy hoạch nào. Ông Chung cho rằng nên tích hợp vào quy hoạch vùng. Đồng thời, cần đánh giá tác động quy hoạch lẫn tác động xã hội.

Nhóm nghiên cứu đưa ra ý tưởng kết hợp đường sắt với đường bộ

Nhóm nghiên cứu đưa ra ý tưởng kết hợp đường sắt với đường bộ

Ngoài ra, việc chuyển đường sắt ra xa trung tâm TP HCM sẽ tác động đến cơ cấu vận chuyển. Nếu đường sắt chở hàng thì hướng đi theo đường Vành đai 3 là tốt, song nếu tập trung chở khách thì hướng đi theo đường Vành đai 2 như quy hoạch hiện hữu sẽ hiệu quả hơn. Đại diện Viện Chiến lược và phát triển GTVT cũng cho rằng dự án phải đồng bộ với các hệ thống đường sắt đã có trong quy hoạch. Nhóm nghiên cứu phải báo cáo ngay với lãnh đạo các địa phương để xin ý kiến định hướng về mặt chủ trương. Nếu cần, các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT sẽ cùng nghiên cứu phương án "nắn" đường sắt.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường, cảng thành phố, nhất trí ý tưởng "nắn" chỉnh đường sắt tạo thành đường sắt vành đai vòng cung kết nối cảng là hay. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ gay go bởi hiện nay đường Vành đai 3 - TP HCM sắp khởi công vào cuối tháng 6-2023, triển khai giải phóng mặt bằng chỉ một lần, không có chuyện mở rộng tiếp. Ông Trường đề nghị nhóm nghiên cứu báo cáo ngay ý tưởng này lên Chủ tịch UBND TP HCM.

"Dẫn nhiều bài học từ Mỹ, các nước châu Âu, TS Trịnh Văn Chính chỉ rõ việc kết hợp giữa đường sắt với cải tạo, xây dựng, nâng cấp đường bộ giúp giảm diện tích chiếm đất, giảm được chi phí đầu tư xây dựng và đạt hiệu quả tổ chức tốt hơn về các mặt kinh tế, an toàn, thuận tiện.

Địa phương băn khoăn

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật - Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, cho biết dự án đường Vành đai 3 qua thành phố có lộ giới quy hoạch 74 m, đã cắm ranh và sắp hoàn thành thiết kế kỹ thuật. Do đó, sẽ không đủ 20 m cho tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ như ý tưởng.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương Nguyễn Hữu Tuấn bày tỏ ý tưởng này khó khả thi đối với Bình Dương. Bởi hiện nay, quy hoạch tỉnh Bình Dương đã đi đến giai đoạn báo cáo cuối kỳ, cuối tháng 4 sẽ trình Bộ Xây dựng để thẩm định.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tinh-ky-viec-nan-duong-sat-tp-hcm-can-tho-20230412222826095.htm