'Tình lỡ' giữa dòng đời nghiệt ngã của nhạc sĩ Thanh Bình
Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Bình, có thể sẽ ít người nhớ đến tên tuổi của ông tuy nhiên nhắc đến bài hát 'Tình lỡ' thì từ Nam ra Bắc, nhiều người vốn không lạ gì. Nổi tiếng là thế nhưng bài hát không mang lại nhiều danh tiếng, tiền bạc cho nam nhạc sĩ mà mang lại cho ông đường tình duyên buồn như tên gọi 'Tình lỡ'.
Cuộc đời sóng gió, truân chuyên
Khi nghe những câu hát “Thôi rồi còn chi đâu em ơi!/ Có còn lại chăng dư âm thôi/ Trong cơn thương đau men đắng môi”, có lẽ không người yêu nhạc vàng nào mà không biết đến hoặc từng văng vẳng trong đầu những câu hát trên. Đó chính là những câu hát quen thuộc của ca khúc “Tình lỡ” do nhạc sĩ Thanh Bình sáng tác vào năm 1956. Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Bình, có thể sẽ ít người nhớ đến tên tuổi của ông, nhưng nhắc đến bài hát “Tình lỡ” thì từ Nam ra Bắc, nhiều người vốn không lạ gì.
Bài hát không chỉ nổi tiếng với người nghe trong nước mà còn lan cả ra nước ngoài, được hầu hết ca sĩ Việt nổi tiếng trình diễn trong các đại nhạc hội. Sức ảnh hưởng của bài hát càng gia tăng khi được chọn để sử dụng trong bộ phim “Nàng” của đạo diễn Lê Mộng Hoàng với sự tham gia diễn xuất của hai tài tử điện ảnh lừng danh là Thẩm Thúy Hằng và Trần Quang. Bài hát khi đó được biểu diễn qua tiếng hát của nghệ sĩ Khánh Ly, đây cũng là một trong những bài hát để lại dấu ấn trong sự nghiệp của nữ ca sĩ.
Đến năm 2013, ca khúc “Tình lỡ” lại một lần nữa gây chao đảo giới âm nhạc, nằm trong bảng xếp hạng những bài nhạc vàng được nghe nhiều nhất ngày đó. Hàng loạt ca sĩ trẻ nổi danh thể hiện lại bài hát trong các bản thu âm mới, đâu đâu cũng vang lên âm thanh của khúc nhạc buồn mà da diết. Vào thời điểm đó, bài hát đã có tuổi đời gần 60 năm nhưng sức hút mạnh mẽ vẫn nguyên như ngày đầu, chiếm trọn hào cảm của cả người nghe nhạc thời hiện đại.
Ngoài ra, nhạc sĩ Thanh Bình còn có nhiều ca khúc nói về tình yêu lứa đôi, tình cảm quê hương, chứa chất nhiều thương nhớ của người con xa nơi chôn nhau cắt rốn như: “Còn nhớ hay quên”, “Gặp gỡ duyên nhau”, “Đừng đến rồi đi”, “Những nẻo đường Việt Nam”, “Lá thư về làng”, “Chiều vàng trên sông”, “Mưa qua sông”, “Bông súng đồng quê”, “Thương nhau hát lý qua cầu”…
Được nhiều người trong nghề nhận xét là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã” chuyên viết nên những ca khúc có âm điệu sâu lắng, truyền cảm thế nhưng cuộc đời của ông lại đầy những sóng gió, truân chuyên. Ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc cuối đời, ông vẫn không thoát ra khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của số phận. Trải qua một quãng đời dài, ông đã phải đối mặt với không ít nỗi buồn và tiếc nuối, khi cuộc sống không mang lại cho ông sự đủ đầy và hạnh phúc trọn vẹn mà ông ao ước.
Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932 ở Bắc Ninh. Ngay khi lên 10 tuổi, nhạc sĩ đã trải qua mất mẹ. Vài năm sau đó, cả cha ông cũng ra đi, để lại ông đối mặt với cuộc sống khó khăn, phải phiêu dạt qua nhiều nơi, từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định đến Thái Bình, Hưng Yên… phải làm đủ loại công việc để kiếm sống.
Đến năm 20 tuổi, ông bắt đầu kiếm tiền bằng nghề viết văn, viết báo, đưa tin về văn hóa văn nghệ với bút danh là Thanh Bình. Nhưng vì nhuận bút không đủ sống, ông phải đi bán phở dạo qua ngày. Năm 1954, nam nhạc sĩ di cư vào Nam, sau đó sáng tác ca khúc đầu tay “Những nẻo đường Việt Nam”. Được biết trước khi bước vào con đường âm nhạc, nhạc sĩ Thanh Bình theo học nhạc với giáo sư âm nhạc Phạm Sửu tại Thanh Hóa, dù có cậu ruột là nhạc sĩ nổi tiếng Phó Quốc Thăng nhưng ông không theo học.
Lúc này, ông vẫn lấy bút danh nhạc sĩ là Thanh Bình như hồi đi viết báo. Và cũng từ đây cuộc đời của nhạc sĩ Thanh Bình tiếp tục trải qua nhiều sóng gió và không được “thanh bình” như bút danh của ông.
“Tình lỡ” - cái tên vận vào số phận?
Tên tuổi gắn liền với bài hát “Tình lỡ”, nhưng bài hát không mang lại cho nhạc sĩ Thanh Bình nhiều danh tiếng, tiền bạc mà dường như vận vào chính con đường tình duyên của ông, khi cuộc tình nào cũng chất chứa đầy nỗi buồn. Đời ông chứng kiến không ít lần thăng trầm và không ít lần tưởng đã có cơ hội hạnh phúc nhưng dường như luôn vuột mất khỏi tầm với.
Vào thuở đôi mươi, lúc còn ở Hà Nội, nhạc sĩ Thanh Bình quen với mối tình đầu tên Hằng nhưng bị gia đình cô tẩy chay, cấm cản. Cô cũng chính là hình mẫu cho ca khúc “Tình lỡ” đình đám của ông. Sau khi đau khổ “dứt áo” vào TP HCM sinh sống, đầu năm 1956 nghe tin cô Hằng đã được bố mẹ gả vào một gia đình môn đăng hộ đối, nghẹn ngào không nói nên lời, ông viết ca khúc “Tình lỡ” với những lời lẽ khổ đau, đầy tiếc nuối tình xưa.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Bình đã từng chia sẻ về ca khúc cùng chuyện tình với mối tình đầu quá ngắn ngủi như sau: “Ca khúc Tình lỡ tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 22 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào Nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào”.
Khi sáng tác ca khúc, Thanh Bình chỉ mới 24 tuổi, nhưng những lời ca da diết, sầu muộn đã phản ánh tình cảm sâu sắc, vượt qua cả khoảng cách địa lý, từ tận sâu đáy lòng ông dành cho người phụ nữ trong lòng. Đó chính là những cảm xúc chân thành nhất, sâu lắng nhất mà ông đã trải qua và thấm vào từng nốt nhạc, từng câu chữ của ca khúc. Đây cũng chính là châm ngôn sáng tác của ông, âm nhạc phải được phôi thai từ cảm xúc và hoàn cảnh thật, chứ không hề vay mượn.
Đến tận năm 1973, khi đã 41 tuổi, ông mới lấy vợ, người phụ nữ nên duyên vợ chồng với ông rất xinh đẹp. Hai người cùng mở một quán cơm bình dân ở Quận 1 để kiếm sống. Đớn đau thay, sau khi sinh cho ông một đứa con gái tên Mộng Ngọc, người phụ nữ đã bỏ đi theo tiếng gọi của kẻ giàu có khác lúc con gái mới lên 3 tuổi. Thế là ông trở thành gà trống nuôi con trong muôn vàn khó nhọc.
Vậy nhưng, những đau khổ kia tưởng chừng là điều tồi tệ nhất, nhưng cuộc sống của nhạc sĩ Thanh Bình vốn không ngừng đối mặt với sóng gió. Cô con gái của ông, Mộng Ngọc, có hai đời chồng nhưng hôn nhân không trọn vẹn. Người chồng đầu thì không bền, sớm ly hôn, người sau chưa được bao lâu Mộng Ngọc đã vướng vào vòng lao lý.
Sau khi con gái vào tù 1 năm, người con rể nhẫn tâm bỏ rơi ông bơ vơ ở bến xe Miền Đông khi ông đã 80 tuổi, mắc nhiều chứng bệnh, cùng thùng quần áo cũ cùng và chỉ 200 ngàn đồng trong túi. Ông sống vất vưởng 18 ngày chỉ có bánh mì cầm hơi hoặc cháo trắng, chỗ ngả lưng cũng chỉ là manh chiếu đi thuê với giá 500 đồng/ngày. May sao nhờ đứa cháu gái gọi ông bằng cậu tìm được, đưa ông về và cưu mang đến cuối đời.
Trong khoảng thời gian cuối đời của mình, cuộc sống của nhạc sĩ Thanh Bình trải qua cả những niềm vui đáng nhớ lẫn những tiếc nuối không thể nào quên. Nói về niềm vui, không thể không kể đến mối nhân duyên tốt đẹp giữa ông và ca sĩ Ánh Tuyết. Nữ ca sĩ luôn là người gần gũi, động viên an ủi và mỗi khi có dịp là lại giúp đỡ ông về vật chất.
Lần đáng nhớ nhất phải kể đến đêm nhạc toàn những ca khúc của ông do ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức. Số tiền thu được cộng thêm với khoản quyên góp của nhiều người khác được 230 triệu đồng, chị làm sổ tiết kiệm tặng ông. Trong đêm nhạc đầu tiên cũng là cuối cùng của đời người nhạc sĩ vào đầu tháng 1/2014, ông xúc động nói với Ánh Tuyết: “Cả đời tôi chưa bao giờ được ngồi xem đêm nhạc của mình như thế. Bây giờ có chết tôi cũng mãn nguyện”.
Nói là vậy nhưng mọi người đều biết, trong lòng người cha già niềm mong mỏi lớn nhất vẫn là được gặp lại cô con gái đang phải chịu án tù. Cả cháu gái và ca sĩ Ánh Tuyết không ít lần hứa sẽ dẫn ông đi thăm con gái nhưng vì công việc, vì sức khỏe của ông nên đều lỗi hẹn. Để đến cuối cùng, nhạc sĩ Thanh Bình đã không đợi được khoảnh khắc gặp lại con gái, ông ra đi vào ngày 23/5/2014 với nỗi niềm mong nhớ con gái không thể nào quên.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chính những lời ca đầy đau thương thể hiện nỗi buồn, nỗi tuyệt vọng đến tận cùng của ca khúc “Tình lỡ” dường như đã định hình cuộc đời đầy thăng trầm của nhạc sĩ Thanh Bình. Cũng như nhiều người nói, cuộc đời ông không hề “thanh bình” như tên gọi thế nhưng không thể phủ nhận ông là một nhạc sĩ tài hoa đã để lại dấu ấn “Tình lỡ” sống mãi trong lòng nhiều thế hệ công chúng.