Tính lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 quy định, người lao động (NLĐ) hưởng lương hưu cần đáp ứng 2 điều kiện về tuổi (nam 62, nữ 60) và có thời gian tham gia BHXH ít nhất 15 năm.
Luật BHXH năm 2024 quy định, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của lao động nữ quy định là 45%, tương ứng 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Lao động nam tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45%, tương ứng 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Với đối tượng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên phải có thời gian đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được nhận lương hưu. Đối với lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 1%.
Người lao động (NLĐ) nghỉ hưu trước tuổi quy định mỗi năm giảm 2% lương hưu. Nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu; từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%. Trường hợp NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu, thì được đóng tiếp 1 lần cho số tháng còn thiếu. Mức đóng bằng tổng mức đóng hàng tháng của NLĐ và người sử dụng lao động trước khi nghỉ việc. Như vậy, NLĐ bắt buộc phải có thời gian tham gia BHXH “từ đủ 14 năm 6 tháng”, số tháng còn thiếu có thể đóng một lần để nhận lương hưu. Riêng đối tượng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, phải có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 19 năm 6 tháng, số tháng còn thiếu có thể đóng 1 lần để hưởng lương hưu.
Cách tính lương hưu
Để triển khai về cách tính lương hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Trong đó, đề xuất mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương quy định tại Luật BHXH. Cụ thể, người tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995, thời gian tính đóng BHXH để hưởng lương hưu là 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Người tham gia BHXH trong khoảng từ ngày 1/1/1995 - 31/12/2000, chỉ tính thời gian đóng BHXH 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Người tham gia BHXH trong khoảng từ ngày 1/1/2001 - 31/12/2006, thời gian tính đóng BHXH để hưởng lương hưu là 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Người tham gia BHXH trong khoảng từ ngày 1/1/2007 - 31/12/2015, thời gian tính đóng BHXH để hưởng lương hưu là 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Tương tự, người tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 - 31/12/2019, tính 15 năm đóng BHXH cuối; từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2024 thì tính 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Từ ngày 1/1/2025, người bắt đầu tham gia BHXH sẽ tính toàn bộ quá trình đóng BHXH. Trường hợp NLĐ có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Đối với trường hợp NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian.
Định hướng sửa đổi Luật BHXH, Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH 1 lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH 1 lần”. Được Quốc hội thông qua, Luật BHXH có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH 1 lần.
Cụ thể, điều kiện hưởng lương hưu giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 xuống 15 năm; được hưởng trợ cấp hàng tháng và được ngân sách Nhà nước đóng BHYT trong trường hợp có thời gian đóng BHXH không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH, thì mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định đến thời điểm nghỉ hưu.
Quy định về thời điểm hưởng lương hưu
Thời điểm hưởng lương hưu đối với NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp NLĐ tiếp tục làm việc và đóng BHXH bắt buộc sau khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt làm việc. Thí dụ: Ông A sinh ngày 10/10/1964, làm việc trong điều kiện lao động bình thường và có thời gian đóng BHXH bắt buộc là 25 năm. Luật quy định thời điểm hưởng lương hưu của ông A được tính từ tháng 5/2026.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tinh-luong-huu-theo-luat-bao-hiem-xa-hoi-a411442.html