Tính mạng con người là trên hết!
Chỉ trong khoảng một năm trở lại đây, hàng loạt vụ chó nuôi tấn công người xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có những trường hợp bị chó cắn dẫn đến tử vong.
Điều đáng lo ngại hơn là khi những vụ việc nuôi chó dữ cắn người đã được dư luận lên tiếng phản đối, cảnh báo ngay từ đầu nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp thật sự cứng rắn để rồi mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, hậu quả ngày càng nặng nề hơn.
Chó vốn được xem là loài vật trung thành đối với con người. Tuy nhiên, việc nuôi chó nếu không tuân thủ đúng các quy định như tiêm phòng, rọ mõm... thì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trên thực tế đã có nhiều người bị chó cắn rồi sau đó chết vì bệnh dại. Khi nuôi chó trở thành thú chơi thể hiện đẳng cấp thì chó nuôi không còn là những loài chó thông thường nữa mà là những loài chó dữ như Pitpull, Ngao Tây Tạng, Becgie. Nguy cơ cho sự an toàn của con người vì thế càng tăng lên gấp nhiều lần.
Một câu chuyện đau lòng liên quan đến việc nuôi chó dữ mới xảy ra giữa tháng 5 vừa qua tại phường Bình Thắng (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Hai vợ chồng chị Th. và anh T. nuôi một con chó Pitbull trong nhà làm “thú cưng”. Tối 17/5, chị Th. dẫn con chó Pitbull ra ngoài cho ăn. Lúc này bà V., mẹ ruột của chị đang nằm trên võng cách vị trí con chó khoảng 15 m có nói vọng ra. Nghe âm thanh, con chó này vùng khỏi tay chị Th. chạy vào cắn xé bà V. Pitbull là giống chó có nguồn gốc từ châu Mỹ, thể hình to lớn và rất hung dữ nên khi bị tấn công, bà V. không thể bỏ chạy. Chị Th. đã lao vào can ngăn nhưng vì con chó nặng đến 40 kg nên chị Th. không thể cứu được mẹ mình thoát khỏi hàm răng của nó. Thật đau xót khi bà V. bị chính chú chó nuôi của con mình cắn chết ngay tại nhà.
Tháng 5/2022, một vụ việc đau lòng khác cũng liên quan đến chó Pitpull xảy ra tại xã Nhị Thanh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Anh H. dắt 2 con chó Pitpull mình nuôi đi uống cà phê với bạn tại địa phương này. Khi đến quán cà phê, vô tình người bạn của anh H. khi nói chuyện đã có hành động “khua tay múa chân” nên con chó Pitpull của anh H. lao đến cắn người này đến chết. Anh H. can ngăn cũng bị cắn nhiều chỗ trên cơ thể phải nhập viện.
Chỉ sau đó 2 tháng, một đứa trẻ 8 tuổi tên T., trú tại ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cũng đã phải mất đi tính mạng vì loài chó này. T. sang nhà bà nội ở cùng ấp chơi đúng lúc bà nội có giúp người hàng xóm chăm sóc một con chó Pitpull nặng 30 kg. Trong lúc chơi, T. bị con chó vồ tới cắn liên tiếp vào tay và cổ khiến T. chết trên đường tới bệnh viện. Đến tháng 8/2022, một phụ nữ tên D. (64 tuổi), trú tại thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, cũng bị con chó Pitpull do chính mình nuôi cắn chết.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy một năm, 4 mạng người đã mất vì chó Pitpull. Đây là một con số không lớn so với nhiều nguy cơ khác mà con người phải đối mặt hằng ngày nhưng khi nguyên nhân đến từ chính một con vật nuôi trong gia đình thì lại là một vấn đề lớn. Khi các loài chó dữ đang ngày càng được nhiều gia đình chọn là thú nuôi thì không ai đảm bảo rằng đó đã là những nạn nhân cuối cùng.
Những loài chó này có thể cũng có tình cảm và lòng trung thành nhưng bản tính hung dữ hơn rất nhiều so với các giống chó bình thường. Từ các nạn nhân của loài chó này trong gần một năm qua cho thấy khi bản năng hung dữ trỗi dậy thì chút tình cảm với con người sẽ chỉ như “sợi chỉ treo mành”. Tính mạng của không chỉ những người hàng xóm, người thân mà ngay chính người nuôi loài chó này cũng luôn bị đe dọa. Vì thế, nuôi chó không gói gọn trong quyền cá nhân nữa mà còn gắn liền với trách nhiệm đối với cộng đồng xung quanh.
Việc nuôi chó cần được thực hiện một cách có ý thức, tuân thủ các quy định của pháp luật và tôn trọng quyền lợi của người khác.Nhiều nước trên thế giới có quy định rất rõ ràng về việc nuôi chó để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng và giảm thiểu rủi ro do các con vật nguy hiểm gây ra.
Tại Đức, người nuôi chó phải có giấy phép và trả thuế nuôi chó hằng năm. Người nuôi chó cũng phải tuân thủ các quy tắc về việc rọ mõm cho chó khi ra công cộng; có bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho trường hợp chó gây hại cho người hoặc tài sản của người khác.
Tại Anh, người nuôi chó có thể bị phạt tiền không giới hạn hoặc phạt tù tới 6 tháng (hoặc cả hai) nếu để chó nuôi mất kiểm soát, gây ảnh hưởng tới người khác.
Nếu để chó của mình làm bị thương người khác, chủ nuôi có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc bị phạt tiền (hoặc cả hai). Trường hợp nếu để chó của mình hại chết người, chủ nuôi có thể bị phạt tù tới 14 năm hoặc phạt tiền không giới hạn (hoặc cả hai).
Nuôi chó là việc khó có thể cấm. Nhưng ở nước ta hiện chưa có quy định cụ thể về nuôi chó dữ hay quy định nuôi chó cảnh, chỉ có quy định nuôi chó nói chung. An toàn của cộng đồng đang phụ thuộc vào ý thức của người nuôi chó. Những vụ việc đáng tiếc vừa qua chính là hình ảnh phản chiếu rõ nhất cái gọi là ý thức này. Vì vậy, đã đến lúc các quan quản lý nhà nước về chăn nuôi thú y phải đưa ra những quy định cụ thể để kiểm tra, kiểm duyệt, giám sát và ràng buộc trách nhiệm cho người nuôi chó dữ. Khi chó dữ đã gây ra liên tiếp những vụ chết người thì việc đưa ra những quy định này càng cần thiết hơn.
Nhiều người cứ lấy tình cảm và sự trung thành của vài con chó để “hợp lý hóa” việc nuôi chó dữ và bao che cho sự hung hãn của chúng. Tuy nhiên, một con vật nuôi dù có trung thành đến mấy cũng không quan trọng bằng tính mạng con người. Những vụ việc nêu trên là bài học kinh nghiệm không thể xem nhẹ. Vì thế, muốn nuôi thì trước hết người nuôi phải đảm bảo an toàn cho chính mình và gia đình, sau đó hướng đến sự an toàn cho những người xung quanh.