UAV cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất đã được Quân đội Nga sử dụng một cách tích cực để tấn công vào các thành phố của Ukraine, đặc biệt là Odesa và Dnipro, trong khi phòng không Ukraine chưa có giải pháp hiệu quả để chống lại nó.
Đặc biệt, các nhà phân tích của ấn phẩm The Drive tuyên bố rằng máy bay không người lái loại Shahed-136 có thể tấn công cả mục tiêu quân sự thông dụng lẫn những đài radar bằng cách dò tìm nguồn phát bức xạ.
Dường như vẫn chưa thể xác nhận hoặc phủ nhận tuyên bố này của ấn phẩm The Drive. Theo dữ liệu hiện tại, không có một nguyên mẫu UAV Shahed-136 nào rơi vào tay các chuyên gia quân sự Ukraine, tương tự như chiếc Mojaher-6 bị bắt giữ cách đây ít lâu.
Trang Defense Express lưu ý rằng các nhà phân tích của tờ The Drive có thể đã nhầm lẫn một số đặc điểm của UAV cảm tử Shaheh-136 do Iran chế tạo.
Khả năng xác định mục tiêu có bức xạ radar cần được cung cấp bởi đầu nhắm mục tiêu thụ động, nhưng khả năng Iran tạo ra một cảm biến như vậy với kích thước cần thiết và đảm bảo được hiệu suất của nó là điều còn nhiều tranh cãi.
Nhưng nếu nhận định của cổng thông tin The Drive là đúng thì ghi chú của họ có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt khi quan sát bên ngoài, UAV cảm tử Shahed-136 của Iran rất giống chiếc Harpy do Israel chế tạo.
Điều này có nghĩa là khi chống lại Shahed-136, hệ thống phòng không Ukraine sẽ đối diện nguy hiểm, bởi các tổ hợp tên lửa đất đối không sẽ bị chiếc UAV cảm tử này nhận biết thông qua bức xạ sóng radar để tìm tới tiêu diệt.
Ở đây chúng ta không chỉ nói về hệ thống phòng không kiểu S-300 hoặc Buk-M1 hoạt động dưới sự dẫn đường của radar, mà còn cả "xe tăng phòng không" kiểu Gepard của Đức, khi hệ thống này được trang bị hai radar để tìm kiếm và dẫn bắn.
Trang Defense Express sau đó đã liệt kê các loại thiết bị phòng không có thể bảo vệ những thành phố thuộc hậu phương của Ukraine trước máy bay không người lái cảm tử do Iran sản xuất.
Nếu thực sự chiếc Shahed-136 được tích hợp cảm biến radar thụ động, không nên sử dụng những hệ thống S-300, Buk-M1 hay Gepard để chống lại nó. Thay vào đó, tốt hơn là đặt niềm tin vào tên lửa phòng không vác vai hay pháo cao xạ có hệ thống nhắm quang học.
Ngoài ra hệ thống tên lửa APKWS dẫn đường bằng laser - mặc dù được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, nhưng cũng hoàn toàn có thể điều chỉnh để bắn vào đối tượng trên không. Phương pháp này còn được cung cấp bởi tên lửa STARStreak của Anh.
Ukraine cũng có thể dựa vào những hệ thống tác chiến điện tử để chống lại chiếc UAV cảm tử nói trên, mới đây có thông tin cho biết đã có một số bộ khí tài chuyên dụng được Israel gửi sang Ba Lan để từ đó bàn giao cho Ukraine.
Nếu thu được một chiếc UAV cảm tử Shahed-136 còn nguyên vẹn, các kỹ sư quân sự Ukraine sẽ khám phá được phương tiện này có thực sự mang cảm biến radar thụ động hay không.
Ngoài ra từ những mảnh xác bị bắn rơi, Ukraine vẫn có thể tìm ra bí mật của máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 nếu những thành phần quan trọng chưa bị phá hủy hoàn toàn.
Bạch Dương