Tình người nở hoa nơi phố thị
Tôi vô cùng ấn tượng một câu nói so sánh 'đại dịch Covid-19' khiến cuộc sống đảo lộn, như một cái áo bỗng dưng bị lộn trái. Nhưng cũng vì thế mà thấy phía trái của chiếc áo cũng có nhiều nút secour rất đẹp. Đó là tình người trong hoạn nạn. Và trong hoàn cảnh mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người 'trắng tay' trong kinh doanh, người lao động tự do bị mất việc làm thì hành động 'lá lành đùm lá rách' của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện Thủ đô đã làm ấm lòng những phận đời nghèo khó.
Một nhân vật tôi đã từng phỏng vấn cách đây 5 năm, anh Đặng Như Quỳnh, một người kinh doanh showroom ô tô đã có hành động đẹp “giải cứu dưa hấu” giúp người dân tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hàng tấn dưa hấu của bà con đến mùa thu hoạch bị thương lái ép giá, phải để cho trâu bò ăn đã khiến “thủ lĩnh dưa hấu” quyết định đánh xe tải vào vận chuyển cho bà con. Bằng slogan: “Mỗi quả dưa, một tấm lòng” được căng phủ ở một số địa điểm nội thành Hà Nội đã tạo sức lan tỏa cho biết bao những mạnh thường quân khắp nơi vào cuộc. Họ cùng chung tay “giải cứu” dưa hấu giúp bà con nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, giúp người dân có đồng vốn tái tạo sản xuất.”. Đó cũng là thời điểm đánh dấu một hành trình thiện nguyện của anh. Bằng uy tín cá nhân và lời khẳng định “không hứa mà hãy làm”, anh đã làm được nhiều việc ý nghĩa hơn thế.
Đó là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đầu tiên tại Vĩnh Phúc, nhóm thiện nguyện của anh đã ngay lập tức chung tay trao tặng quà, phát khẩu trang miễn phí đến các hộ dân bị cách ly vùng dịch. Đó là những suất quà nhỏ là mì gói, cân gạo, quả trứng được gói ghém cẩn thận trao tặng cho người dân khó khăn đang sinh sống ở Hà Nội trong thời điểm “giãn cách xã hội”. Với thông điệp “Ai cần đến lấy”, hàng nghìn suất ăn mỗi ngày được trao tặng là hành động thiết thực đối với những phận đời nghèo khó tại 9 điểm trao quà ở một số địa chỉ tại Hà Nội.
Ngoài những điểm trao tặng hàng ngày tại nội thành Hà Nội như: Trước cửa cà phê 2F (đầu ngõ 54 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân); Gara Auto 568; số nhà 420 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ; số nhà 74, liền kề 6A, phố Nguyễn Văn Lộc, quận Hà Đông; số nhà 6, phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình; số nhà 31 Lương Khánh Thiện, Tượng đài Hoàng Văn Thụ, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai; số nhà 1 Xa La, phường Xa La, quận Hà Đông; Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, 162 A Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân thì nhóm thiện nguyện của anh Đặng Như Quỳnh còn tổ chức phát quà tại một số BV ở Hà Nội. Đó là 300 suất ăn sáng mỗi ngày tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, hàng trăm suất ăn đến các em bé tại BV Nhi T.Ư. Anh Đặng Như Quỳnh chia sẻ: “Trong số 9 điểm trao quà đầy yêu thương đó, điểm trao quà tại BV Nhi T.Ư là điểm mà các anh chị em tình nguyện viên vừa phát vừa gạt nước mắt. Giữa cao điểm mùa dịch, các em không chỉ chống chọi với bệnh tật, khi hàng quán đóng cửa, cơn đói, cơn khát mới thấy sự vất vả của các em đến nhường nào”.
Giữa cao điểm mùa dịch, cửa hàng, quán kinh doanh đóng cửa, các tuyến xe liên tỉnh tạm dừng lưu thông nhiều người lao động bị kẹt lại giữa Thủ đô thì những điểm phát quà thực sự có ý nghĩa với họ để vượt qua những khó khăn này. 5g sáng của một ngày Hà Nội chuyển mưa và rét, anh Quỳnh nhận được cuộc gọi từ vị khách lạ hỏi anh tên là “Đặng Thị Như Quỳnh” phải không. Dù đã quá quen với sự nhầm lẫn đó nhưng anh vẫn hài hước : “Em Quỳnh đây nhưng chị chuyển giới giúp em à”… Qua đầu dây, anh Quỳnh tiếp nhận câu chuyện của vị khách lạ. “Chị thấy tụi em tổ chức “Ai cần đến lấy”, hay quá, mà nhìn mì tôm tặng ăn sáng sợ nhiều người ăn không hợp nên nhà chị làm ít bánh cuốn rồi gửi em chia sẻ cho bà con nhé”, không quên kèm lời nhắn đảm bảo an toàn thực phẩm. 6g sáng, những suất bánh cuốn nóng hổi được chở đến điểm trao quà. 6g20, một cuộc điện thoại lại reo lên. Anh nhận được 2 bao gạo đã để sẵn ở cửa tự lúc nào với lời nhắn của bác trai đã xế tuổi. “Tôi gửi 2 bao gạo cho bà con, hôm nào hết dịch tôi mời anh cà phê nhé!”. Không chỉ bận rộn chia quà, nhận đồ từ các mạnh thường quân, nhóm thiện nguyện còn chạy đua với thời gian. 7g sáng, cô phụ trách điểm tặng quà bên Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư gọi điện giục luộc trứng sớm: “Sáng nay phải phát sớm cho bà con. Hôm qua mỳ với trứng luộc bà con thích lắm! Bảo mấy ngày nay mới có đồ ăn tươi tỉnh chút nên có sức còn chăm người bệnh. Vẫn luộc 1.000 quả cho 5.000 suất”. Và kết quả, phụ trách bếp phải luộc 1.000 quả trứng cấp tốc với mỗi nồi từ 300- 400 quả.
Khi yêu thương trao đi nụ cười ở lại, anh Quỳnh thực sự cảm động trước tin nhắn của cô phụ trách điểm tặng quà: “Thương lắm Quỳnh ơi, người chăm bệnh và người bệnh nói chỉ giúp chúng tôi có mì là được rồi, trứng sang trọng quá. 300 phần quà hết vèo chưa đầy tiếng” hay bức thư viết tay của một người dân cảm ơn nhóm thiện nguyện đã tổ chức điểm tặng quà thiết thực cho bà con. Hình ảnh còn lan tỏa đến nhiều mạnh thường quân khác chung tay đẩy lùi những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 như Đoàn thanh niên PC01 CATP Hà Nội, các nhà kinh doanh…
Ít ai biết rằng, “thủ lĩnh dưa hấu” Đặng Như Quỳnh SN 1980 từng tốt nghiệp hai trường ĐH danh tiếng là ĐH Bách Khoa và ĐH Ngoại thương. Ra trường, anh đầu quân cho Cty nhập khẩu về ô tô và công việc kinh doanh phát triển, song những chương trình thiện nguyện đưa áo ấm tới trường vẫn được anh đều đặn tham gia. Anh chia sẻ rằng, từ ngày tham gia thiện nguyện, cuộc sống của anh có thêm nhiều ý nghĩa. Sự chung tay của mỗi người, mỗi mạnh thường quân là động lực để anh nỗ lực, trách nhiệm hơn với nhiệt huyết, đam mê của mình. Hơn hết là tấm lòng của con người Thủ đô – con người Việt Nam luôn hướng tới kiều bào của mọi miền đất nước, mỗi gói quà là tình cảm chúng ta dành cho đồng bào, là nghĩa tình, là đùm bọc, là chở che.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tinh-nguoi-no-hoa-noi-pho-thi-189002.html