Tình người ở quán chay 5K

Ra đời năm 2021, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, nhiều người nghĩ quán cơm chay 5K (5.000 đồng) của thầy giáo Dương Chí Công (sinh năm 1972, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn) sẽ không trụ được lâu. Nhưng quán cơm ấy vẫn là địa chỉ quen thuộc cho nhiều lao động nông thôn, khi dịch bệnh đã lùi xa.

Mỗi vị khách chỉ cần để lại 5.000 đồng

Mỗi vị khách chỉ cần để lại 5.000 đồng

Với trái tim yêu thương, thầy Dương Chí Công, giáo viên Trường Tiểu học “A” Vĩnh Trạch, xã Vĩnh Trạch) luôn trăn trở trước khó khăn của người lao động thu nhập thấp. Thấy họ phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống, thầy quyết định mở quán cơm chay với mong muốn mang đến cho họ bữa ăn ngon, bổ dưỡng và giá cả phải chăng.

Mỗi ngày, quán cơm chay đón tiếp hàng trăm lượt khách: Người lao động, người già neo đơn, trẻ em nghèo khó. Với họ, quán cơm không chỉ là nơi để no bụng, mà còn để tìm thấy sự ấm áp, sẻ chia. Nhiều người chia sẻ rằng, quán cơm chay 5.000 đồng vừa nuôi sống cơ thể, vừa nuôi dưỡng cả tâm hồn họ.

Sau 4 năm, giá cả thị trường, vật giá ngày càng “leo thang”, số tiền 5.000 đồng phải trả cho mỗi bữa ăn chay “bao no” ở quán thật sự quá rẻ. Còn nhớ, lần đầu tiên phỏng vấn thầy giáo ấy, tôi đặt vấn đề: “Liệu rằng chỉ thu 5.000 đồng/người, quán sẽ “trụ” vững không?”. Lúc ấy, thầy Công cười hiền, khẳng định sẽ cố gắng làm hết sức, hết lòng để duy trì quán chay này. Bởi lẽ, bớt được phần nào khó khăn cho người lao động nghèo, thầy sẽ không từ bỏ. Sự phát triển của quán hôm nay là minh chứng chắc nịch cho lời hứa khi ấy.

Quả thật, quán cơm của thầy giáo Dương Chí Công đã nhanh chóng trở thành điểm hẹn của nhiều người lao động. Là một trong những “bếp trưởng” của quán, bà Út Tiền (63 tuổi, ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Để chuẩn bị bữa ăn ngon cho khách, mọi người phải dậy từ 5 giờ sáng. Mỗi người một việc, cố gắng hoàn thành thật sớm, tầm 9 giờ bày thức ăn nóng hổi lên. Ở quê, người dân ăn trưa khá sớm, khoảng 10 giờ là “cao điểm” của quán. Vì thế, chúng tôi phải chuẩn bị thức ăn sẵn sàng. Đứng suốt trên bếp, vừa xoay món này lại đến món kia, mệt là điều chắc chắn. Song, nghĩ đến việc mình được góp chút sức nhỏ, làm việc có ích cho nhiều người, tôi thấy rất vui. Tôi càng vui hơn khi khách đến quán, khen thức ăn chay rất ngon!”.

Mỗi ngày, hơn 10 cô chú tình nguyện đến quán cơm chay phục vụ, từ dọn dẹp quán, đi chợ, đến sơ chế, chế biến thức ăn và rửa chén dĩa. Có mặt vào giờ mọi người đang tất bật chuẩn bị bữa ăn, mới thấy sự vất vả của họ. Ở đây, không phân chia công việc cụ thể, ai phụ được gì thì xắn tay áo tiếp, hết việc nọ lại đến việc kia, vậy mà tiếng cười nói không lúc nào vơi. Lấy lao động làm niềm vui, xem việc giúp đỡ người khác là động lực chính là tôn chỉ hoạt động của quán.

“Tôi góp sức cùng mọi người ở quán chay này lâu rồi. Chính vì cảm phục tấm lòng thầy Công mà chúng tôi có mặt ở đây. Dù không ai được trả công, nhưng chưa bao giờ thấy sự nặng nhẹ, tranh giành gì ở quán. Ai cũng tâm huyết với việc mình làm. Có người hoàn cảnh gia đình eo hẹp, nhưng cũng đến đây hàng ngày để phụ giúp. Chúng tôi tâm niệm rằng, việc mình làm hôm nay đang tích góp cho ngày sau” - cô Nguyễn Kim Duyên (sinh năm 1975, ngụ xã Định Thành) bày tỏ.

Mỗi người đến quán ăn chỉ cần để lại 5.000 đồng vào thùng “tùy duyên” trước cửa. Song, nhiều trường hợp quá khó khăn, quán sẵn sàng đón tiếp miễn phí. “Menu” của quán rất đa dạng, phong phú, từ chiên xào, kho đơn giản đến cầu kỳ như lẩu mắm, mắm chưng, canh chua, bì, chả… Tất cả được thay đổi thường xuyên để khách dùng không bị ngán. Với hình thức buffet chay, mỗi ngày, hơn 10 món ăn bổ dưỡng sẽ được dọn lên. Khách đến chỉ việc lấy cơm, thức ăn mình thích và dùng đến khi no bụng.

Quán cơm chay “5K” của thầy Dương Chí Công là một địa chỉ ăn uống bình dân, là biểu tượng đẹp về tình người, là câu chuyện về sự sẻ chia, về lòng tốt và niềm tin vào cuộc sống. Chắc chắn, quán cơm chay “5K” sẽ còn tiếp tục mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người hơn nữa.

Quán cơm chay “5K” mở cửa hầu như suốt tuần, nên lúc nào quán cũng nhộn nhịp. “Từ ngày có quán cơm này, tôi đỡ chi phí rất nhiều. Mọi người ở quán rất nhiệt tình, không hề phân biệt đối xử với “khách”. Ăn cơm ở đây, tôi thấy rất ấm lòng!” - cô Thanh (ngụ xã Định Thành, khách quen của quán) chia sẻ.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tinh-nguoi-o-quan-chay-5k-a409880.html