Tình người Thanh - Nghệ - Tĩnh
Tôi không thể nào quên được những vùng quê mà tôi đã đi qua. Ở đó có những con người thật hiền lành, thật chất phát, thật tình cảm và thật đáng yêu.
Ảnh do tác giả cung cấp
Ở vùng quê này lạ lắm, nhà ở của mình mà cứ như nhà của Quân đội ấy. Bộ đội trong Nam ra, bộ đội ngoài Bắc vào hết lớp này, tới lớp khác liên tục không có lúc nào là không có bộ đội ở trong nhà. Gường đấy, chiếu đấy bao nhiêu chú cũng được cứ tự nhiên như ở nhà mình vậy.
Tôi nhớ ngày chiến thắng đường 9 nam Lào 1971 Sư đoàn 308 của tôi được lệnh hành quân ra miền Bắc. Giữa tháng 5 mùa hè nóng như đổ lửa thì đơn vị tôi đã hành quân ra tới Thanh hóa, tiểu đội tôi ở nhà ông bà Lê Sỹ Cầu thôn Nam Thắng, xã Vạn Thắng huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Ông bà rất tốt, quý mến chúng tôi như con đẻ. Cô con gái út Lê Thị Quý chừng 16 tuổi rất xinh đep. Có lẽ cái tuổi má hồng hay thẹn thùng nấp sau cánh cửa ấy, mà quyến rũ trong con mắt tôi một thứ tình yêu thật lạ lùng... Tôi rất thích những lần em rủ tôi đi hái ổi trong vườn. Nhiều cây lắm, nhiều trái lắm thao hồ hái, thao hồ ăn. Em cầm vốc muối trắng tinh không gói gém trong lá cây hay tờ giấy, để nguyên trong lòng bàn tay búp mang thon thả ngọc ngà. Em vô tình làm tôi thấy yêu cái tự nhiên vô tình ấy. Mộc mạc, chân thật như quê mùa hạt lúa, cộng rơm. Tôi ở trên cây, em ở dưới gốc cứ ngước mắt nhìn nhau, nhìn trái ổi: " Quả kia nữa kìa anh ơi! " "Coi chừng ngã đó anh ơi! ". Mà cũng rất hay, cả 2 đứa chúng tôi đều thich ăn ổi ương ương để chấm muối ớt. Hồn nhiên, vô tư chấm muối trong lòng bàn tay trong trắng học trò... Thi thoảng hai đứa lại rúc rích cười vô tư thoải mái sao mà yêu đến thế! Năm ấy tôi vừa tròn 20 tuổi.
Rồi 3 tháng sau sư đoàn tôi lại hành quân ra Hà tây. Đi rồi sao lòng tôi nhớ mãi...! Nhớ lúc chia ly cả nhà đều rớm lệ! Ông bà Cẩu tiễn chúng tôi ra tợn đầu xóm, hành quân đi xa khuất dân sau lũy tre làng.
Em bé Lê Thị Quý ngày nào ko biết bây giờ em còn nhớ tôi không? Đôi má ửng hồng thì vẫn còn mãi trong tôi... Cuối năm 1972 sư đoàn lại tiếp tục hành quân vô chiến trường Quảng Trị. Đúng đêm 30 tết năm 1972 sư đoàn tôi đón Giao thừa trong rừng Hương Khê Hà tĩnh. Mùi lá cơm nếp trong rừng cứ thoang thoảng đâu đây? Nó gợi cho tôi bao nỗi nhớ...
Nhớ nhà! nhớ tết! nhớ quê hương! Đêm ấy Đại đội tôi đốt một đống củi thật to giữa rừng già hưu quạnh. Chính trị viên Đối tới từng chiếc võng kêu anh em dậy tập chung xung quanh đống lửa đón Giao thừa. Thú thật chẳng anh nào muốn đi tập trung. Anh nào cũng muốn nằm tĩnh tâm trên võng một mình, nghĩ về riêng tư của mình... Dường như không khí tết nhất ảm đạm bao chùm hết trên đầu chúng tôi... Tội nghiệp nhất là những anh có vợ, có con cứ sụt sịt trong mền trên võng làm tôi thấy chạnh lòng buồn không thể tả... Cái tết trên đường hành quân đi chiến trận...
Cái tết nhiều anh đi không thấy ngày trở lại!
Sáng sớm tinh sương, khi sương mù còn bao phủ bầu trời. Ngọn cỏ dưới chân còn đọng trắng những giọt nước trong veo. Chúng tôi xuống núi. Lội qua con suối Ngàn sâu lạnh buốt thấu tợn tủy xương. Qua Hương Phúc, tôi nhìn thấy ngôi trường học bên đường. Tôi chợt nhớ năm học cấp 2, nhà trường tổ chức mít tinh, biểu tình hô vang khẩu hiệu: " Đả đảo Đế Quôc Mỹ ném bom giết hại các bạn hoc sinh trường Hương Phúc, Hương Khê, Hà tĩnh ". Có lẽ mái trường đổ vỡ kia làm tôi tỉnh lại, quên đi cái tết đang buồn thê thảm...
Thấy bộ đội qua làng, cả làng quê đổ dồn ra hai bên đường chào đón chúng tôi. Trong tay người nào cũng cầm sẵn ấm nước chè xanh còn bốc hơi nghi ngút: " Mời các chú bộ đội uống nác chè nóng ạ! " Tới xóm nhỏ thuộc xã Hương Mai bên kia bờ sông Ngàn Sâu. O Giao liên chỉ tay đơn vị tôi ở đó. Tôi, anh Bổn, anh Sáng, anh Thịch ở nhà Mẹ Cầu, cô con dâu tên Mão. Mẹ Cầu năm ấy vừa tròn 70 tuổi nhưng còn khỏe mạnh lắm. Thấy bóng dáng chúng tôi ngoài ngõ, cả 2 mẹ con mẹ tươi cười ra tợn ngõ đón chúng tôi. Lát sau O Mão bê mâm cỗ đầy ắp thức ăn để ngay ngắn trên phản giữa nhà mới chúng tôi cùng ăn tết với gia đình. Quê mẹ còn nghèo túng lắm, mà sao mẹ và cô con dâu lại tốt đến thế này... Ôi! Tình người! Tình quân dân ấm cúng đến tợn ngày hôm nay.
Ngày 3/9 /1972 tôi bị thương trong trận chiến ác liệt giữa Thành cổ Quảng Trị. Khoảng tháng sau tôi đã ra tới trạm chuyển thương xã Hương Mai nhưng bên kia dòng sông Ngàn sâu. Tôi lội qua sông tới thăm 2 mẹ con mẹ Cầu. Vừa nhìn thấy tôi cả 2 me con ùa ra mừng mừng, tủi tui. O Mão ko ngại ngần, giang rộng vòng tay ôm chầm xiết chặt lấy thân tôi một hồi lâu mới chịu buông ra. Tôi chưa kịp nói gì thì 2 mẹ con mẹ Cầu đã rối rít hỏi tôi ngay:
- Rứa anh Bổn, anh Sáng, anh Thịch mô?. Tôi chết lặng trong lòng ko sao nói nổi! từ từ tối lấy lại tinh thần bình tâm nhắc tên từng anh một:
Mẹ ơi! O Mão ơi! Các anh ấy hy sinh hết cả rồi! Nói đến đây mọi người không sao cầm được nước mắt. Mẹ Cầu, O Mão và tôi nhìn nhau trong ánh mắt nhợt nhòa bao dòng lệ chẩy. Chiếc phản gỗ kê giữa nhà còn kia, mới hôm nào 4 anh em tôi vẫn ôm nhau nằm ngủ trên chiếc phản này, giờ nhìn chiếc phản gỗ trống trơn, lòng tôi thấy quặn đau!!!. Mẹ Cầu run run bàn tay thắp 3 nén nhang vái vọng vong hồn các anh ở lại chiến trường!!!
Anh Tiểu đội trưởng Nguyễn Trọng Bổn người Hồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Vợ trẻ, hai con thơ dại, bố mẹ già nua... Anh hy sinh trận cầu Lai phước ngày 17/4/1972 tội nghiệp không cơ chứ?
Anh Thịch pháo thủ số 01 người Hà tây mới cưới vợ. Anh Thịch thật thà từng nói riêng với tôi: " Chưa được động phòng " vì đơn vị không giải quyết phép, anh trốn ngày chủ nhật về cưới vợ, tối phải về đơn vị cho kịp sợ đơn vị điểm danh.
Anh Sáng lính tân binh người Thành phố Nam Định, chị gái đi lấy chồng giờ chỉ còn 2 cha mẹ già nua không nơi nương tựa. Anh Sáng đang yêu O Lan cháu mẹ Cầu bên kia dòng sông Ngàn Sâu, bữa qua tôi đã đến báo tin chia buồn! O Lan cháu mẹ Cầu như chết lặng!!!.
Tôi được về điều dưỡng tại đội 17 Đoàn 200 QK 4. Một thôn xóm nhỏ của huyện Hưng nguyên lên lập làng kinh tế mới. Thôn Nông Trang, xã Xuân Sơn nằm giữa thung lũng núi đá vôi huyện Quỳ Hợp Nghệ An. Tôi, anh Lê Nhân Hành, Anh Phạm Bá Liên ở nhà ông bà Hoàng Văn Đằng, ông bà Đằng rất đẹp đôi, chắc thế cho nên sinh ra mấy người con em nào cũng tuấn tú xinh đẹp. Hai người con trai của ông bà còn đang ở chiến trường. Ba thằng con trai nhỏ còn đang bé xíu. Ông bà chỉ sinh được mỗi cô con gái tên gọi Hoàng Thu Hà. Thu Hà năm ấy đang học lớp 7. Tuổi em 16 trăng tròn rất xinh đẹp. Ông bà rất quý mến chúng tôi. Nhưng có lẽ vì hoàn cảnh của ông bà giống hệt hoàn cảnh cha mẹ tôi ngày xưa. Hồi CCRĐ gia đình ông bà cũng bị quy lên thành phần Địa chủ như gia đình bố mẹ tôi. Nên ông bà rất quan tâm và giành riêng cho tôi một tình cảm đặc biệt hơn.
Tôi nhớ lắm, lần anh Liên, anh Hành được ở lại để giải quyết ra quân, còn tôi phải trở lại đi chiến trường. Ông Hoằng xem quẻ bói và phán cho tôi rằng: " Đại hạn ko thể cứu được ". Thực tình tôi cũng rất hoang mang, vì nếu như tôi đi chiến trường lần này nữa là lần thứ 3, quá tam ba bận chết là cái chắc. Cả nhà ông bà Đằng đều rất lo lắng cho tôi. Nhiều lần bà nói với tôi bằng những lời tình thương chân thật như đứa con bà đứt ruột sinh ra: " Con trốn lên rú, tối về nhà ngủ, tới bữa mẹ bảo em Hà mang cơm cho con ăn ". Bà chỉ sợ lần này tôi vô chiến trường tôi sẽ chết, chết thì thiệt thòi cho tôi và gia đình tôi.
Biết tôi sắp đi, em Hà buồn lắm, hễ cứ gặp tôi ở đâu là em lại khóc, cứ như là tôi sắp sửa vĩnh biệt em rồi. Tôi nhớ câu nói cuối cùng của em: " Anh mà đi là em bỏ học ". Có lẽ em hù dọa tôi, nhưng cũng buồn thật, bởi từ nay không còn chong đèn ngồi kèm em học tới canh khuya.
Giờ đây nhiều khi tôi vẫn nhớ... Nhớ nước mắt đầm đìa... Nhớ tiếng nấc nghẹn ngào... Nhớ vòng tay ôm chặt... lúc chia ly của em Thu Hà. Nhớ tình cảm của gia đình ông bà Hoàng Văn Hoằng đã giành cho tôi...
Chiến tranh đã lùi xa. 47 năm trời là cả một thời gian dài đăng đãng. Tưởng chừng quá khứ đã khép lại. Nhưng chưa bao giờ khép lại, những kỷ niệm ngọt ngào... Những vùng quê êm ả... Trong lòng tôi: Thanh - Nghệ - Tĩnh.
Một thứ tình người. Một thứ tình Quân dân cá nước còn mãi trong trái tim tôi.
Tg Lương Hòa - Cuộc đời Quân Ngũ của tôi (10/8/70 - 15/8/75)
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tinh-nguoi-thanh-nghe-tinh-a14307.html