Tình người, tình quê nơi phiên chợ

Trong sâu dài ký ức, tết là sự tưởng thưởng vô tiền khoáng hậu mà đất trời khoản đãi cho mỗi người. Chừng mấy mươi ngày đó, người ta nhâm nhi tết bằng một chén trà nhạt trước thềm nhà cũ, chờ một đóa mai đẫm trong nắng vàng bừng tươi tỉnh, đợi một liếp tranh thơm lên mùa mới trong nhoang nhoáng sương mờ...

Minh họa: HOÀNG HÀ THẾ

Minh họa: HOÀNG HÀ THẾ

Bạn hỏi tôi chừng nào thấy tết. Thật khó mà cụ thể câu trả lời. Bởi tết không đến chủ động như một cuộc hẹn, càng không chỉ là một khắc ngắn ngủi có thể dò chừng. Từ hun hút thời gian, khi ta còn rướn mình chạy cho kịp ngày, từng chút tết lấp ló hiện ra rồi trốn mất như đứa trẻ tinh nghịch. Trước thay đổi của mùa, một khắc lơ đễnh đủ khiến ta ngỡ ngàng khi nhận ra trăng đã lặn, sao đã mờ, hương xuân đã ngập tràn trong huyết quản.

Tôi bước xuống chợ. Ấy là một sáng rất thường. Xe cá của bác Bốn Long từ phía biển lên đã dựng ngay đó. Miệng bác đon đả chào mời. Xa xa là hàng trái cây, hàng bún lẫn với tiếng máy may cọc cạch của chị sửa đồ. Hầu như chợ sáng nào cũng vậy.

Các mợ, các dì trưng ra món tươi nhất, tiếng gọi, câu trả giá, lời than thở của người bán kẻ mua xôn xao một vùng. Ngồi xổm trước thau cá, ngoại Năm Hữu vừa trở con bạc má vừa hỏi bông lông: “Cỡ hăm lăm cá mắc không bây?”, “Gì đâu mắc, nắng rồi, biển êm, tới đó mua trữ chớ giờ còn sớm lắm!”, “Mùng năm bán chưa?”, “Mùng ba bán rầu (rồi), chi mùng năm dữ”.

Lúc tôi bước qua hàng rau thì chị Hai Thao gọi với theo: “Gì không bé ơi?”. Tôi quay lại, kịp lúc chị quăng cái rổ nhựa ra: “Nay có cải con mua về cuốn bánh tráng”. Từ chối không đặng, tôi nhón lấy một ít, đưa chị cân bỏ bịch. Quét mắt một lượt qua hàng của chị, vẫn mấy trái cà tím, hành tây nằm lẫn với dưa bí, rau sống, rau chua, khoai tím... nhưng nay có thêm mấy bịch hạt giống được đóng gói hẳn hoi, có hiệu, đủ loại rau củ. Đoán được ý tôi, chị vui vẻ: “Nay gieo, qua rằm là có rau ăn rồi đó”.

Tôi không nhớ sớm chợ đó diễn ra vào ngày cụ thể nào, song tết sẽ từ đó mà hiện ra. Cô Út Dũng - người có thâm niên hơn 30 năm bán tạp hóa - vừa bày giấy cúng ra chỗ dễ thấy hơn mọi ngày vừa giải thích: “Giỗ tổ nghề may vào ngày 12 tháng Chạp, nghề mộc, nghề hồ giỗ ngày 20”, khi tôi thắc mắc: “Mới nay Út dọn ra chi sớm dữ”.

Bao lần tôi tự hỏi, những sớm nào đó mà tôi vừa kể có thể được gọi là chợ tết hay không? Có lẽ với nhiều người, chợ tết đúng nghĩa là lúc bánh trái xanh đỏ được vun thành ngọn, người như mắc cửi chen nhau miếng thịt tươi, buồng chuối già hay bó lay ơn chưa kịp bung màu. Người ta đi chợ tết vào 29 hay 30 tết, chỉ kịp chọn lựa và trả giá chút đỉnh. Hàng hóa không ngừng được thêm rồi không ngừng vơi đi. Mọi thứ gấp gãy cho kịp.

Song, chợ tết của tôi là những sáng tinh sương thường thường như vậy. Bên trên tủ chả lụa, người bán chưng hũ me ngâm, củ kiệu ngâm. Quầy đồ nhựa hằng ngày bán khay, tô, rổ, ly nay bổ sung nhiều loại bông nhựa quê kiểng mà đáng yêu cực kỳ! Rồi người ta bắt đầu bày hỏa lò, bán than củi, cát lư hương, quần áo trẻ con đủ sắc trong gió bay phấp phới thích mắt vô cùng. Mọi thứ thuộc về tết từ tốn có mặt cho nhau, có mặt cho tôi và cho mọi người.

Chợ tết hình như đã vượt khỏi bán mua thuần túy. Ở đó, nếu tinh ý, ta sẽ thấy dấu mùa rõ rệt, nghe được tiếng lòng của nhiều người, hiểu thêm chút đỉnh văn hóa cổ truyền và quan sát được bức tranh kinh tế một năm qua.

Mỗi năm, thêm trải nghiệm, tôi càng thấy chợ tết chính là nơi lấp lánh tình làng nghĩa xóm. Nơi tôi lớn lên, một vùng kinh tế non trẻ, bà con đối xử với nhau rất đạo đức và trọng tình người. Còn nhớ buổi thiếu niên, mẹ thường dắt tôi đi chợ để chọn mua vạn thọ về trồng trên mảnh sân nhỏ trước nhà. Tôi nhớ rõ, thậm chí rất thương những bó vạn thọ con con, bọc bên ngoài là lá chuối, đã héo mặt nằm đợi người qua người lại lật tới lật lui.

Ở chợ có vài người bán nhưng mẹ tôi hay ghé chỗ cô Ngà, cô hỏi chị Ba mua chi nhiều dữ, sao trồng cho hết (cô Ngà còn biết rõ nhà tôi có bao nhiêu đất trống để trồng hoa). Mẹ tôi cười, nói trồng thêm cho bà Hai Bắc. Bà Hai là bậc lớn tuổi trong làng, chồng bà đã vãng, tuy có con cái chăm sóc chuyện ăn uống nhưng chòm xóm rất để ý tâm tư của bà.

Bà Hai rất khoái trồng hoa. Có một dạo cuối năm, bà chống gậy đi quanh xóm để... ngắm hoa của các nhà. Bà thích vạn thọ. Bông nào bông nấy to khỏe, mập mạp, đơn sắc, rực rỡ đầy sức sống. Từ buổi ấy năm nào mẹ tôi cũng trồng thêm vạn thọ biếu bà ăn tết. Có lẽ mãi đến sau này, tôi cũng không thể nào quên gương mặt nhăn nheo mà rạng rỡ của bà khi tôi ào qua cổng với hai chậu vạn thọ trên tay...

Lúc tôi còn nhỏ, vì ba mẹ đi làm xa, về nhà thì tết đã đuổi sau lưng nên gia đình luôn đón tết trong vội vã. Cô Út Dũng - chủ sạp hàng khô to nhất chợ - luôn là người soạn bánh trái, nhang giấy cho nhà tôi.

Mẹ tôi không đủ thì giờ để cẩn thận lựa từng món một. Mỗi năm chỉ một lần nhưng cô Út luôn nhớ được nhà tôi cúng mấy chỗ, mấy lượt, mẹ tôi thích gì và không ưa thứ gì. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ phàn nàn là thiếu sót món nào.

Điều này với tôi thật diệu kỳ, vì tôi biết không chỉ mỗi ba mẹ mình phải tha hương. Rất nhiều trường hợp giống gia đình tôi, phải để con cái ở lại rồi xa xứ làm ăn. Đến mức chuyện cúng kiếng, bánh trái cho tết cũng khó lòng chu toàn. Vậy mà cô Út lại nhớ được từng món cho từng nhà trong ngần ấy năm.

Với tôi, cô không đơn thuần là người bán nữa. Những người “hàng tôm hàng cá” như cô không hề đanh đá, thô lỗ mà ngược lại rất tinh tế, dịu dàng...

Chợ tết miền quê là nơi bạn sẽ thấy được muôn vàn sắc thái đời sống. Người ta có thể chen lấn, giành giật thứ ngon cho mình nhưng cũng sẵn lòng “đưa đây, mua giùm cho” khi thấy một bà lão hom hem bán mớ rau cắt ca cắt củm, sẵn sàng ủng hộ tờ vé số hay cho đứa ngây ngây ở chợ lâu năm vài đồng. Từ chợ tết có thể nhìn xa hơn, thấy rằng tết không chỉ để tận hưởng đoàn viên mà còn là cơ hội để ta hòa vào đời sống giản dị mà lấp lánh.

PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325380/tinh-nguoi-tinh-que-noi-phien-cho.html