Tình người trong cơn lũ dữ
Trận lũ kinh hoàng vừa đi qua Hà Tĩnh để lại nhiều đau thương mất mát. Trong cơn hoạn nạn ấy tình người, tình làng xóm được khơi dậy. Nhiều câu chuyện cảm động nơi tâm lũ thắp thêm ngọn lửa yêu thương thắm đượm tình người.
Nước lũ vừa rút, để lại nhiều bộn bề, khó khăn cho người dân vùng "rốn lũ" Hà Tĩnh. Từng lớp bùn dày, đặc quánh vẫn phủ trên những con đường, những ngôi nhà dân. Những ngày qua lực lượng chức năng nỗ lực giúp đỡ nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, đặc biệt giúp đỡ các trường học vệ sinh sân trường, dụng cụ học tập để sớm đón học sinh trở lại.
Lũ đi để lại nhiều đau thương mất mát
Theo thống kê mới nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có gần 1.000 nhà dân bị ngập và gần 5.000 vườn tược ngập trong nước lũ. Hàng loạt công trình công cộng bị ngập, ảnh hưởng; trong đó có 8 trường học, 16 hội quán thôn, 1 công trình bưu điện. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Ước tính thiệt hại bước đầu là hơn 150 tỷ đồng; ngoài ra có 3 người chết vì nước lũ.
Sau khi nước rút, tại các điểm có thể khắc phục, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cảnh sát cơ động Bộ Công an cùng với các lực lượng đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, phụ huynh, giáo viên và cán bộ công chức các xã đã tập trung lau chùi bàn ghế, nền nhà các lớp học và sân trường.
Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết, mưa lũ những ngày vừa qua khiến 8 trường học ngập sâu. Sau khi nước rút, lượng bùn dồn vào trường học rất lớn, nhà trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành dọn dẹp, để sớm đón học sinh quay lại trường.
Theo thống khê ban đầu của Phòng GD&ĐT huyện, mưa lũ đã khiến một nam sinh lớp 8 tử vong. Sạt lở đất vùi lấp bể tự hoại nhà vệ sinh và hành lang một số trường học; nhiều tường rào của trường học bị đổ sập... Tính đến sáng 2/11, toàn huyện có hơn 3.000 học sinh nghỉ học do mưa lũ.
Ông Phan Quốc Thanh - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, mưa lũ những ngày vừa qua khiến 8 trường học ngập sâu. Sau khi nước rút, lượng bùn dồn vào trường học rất lớn, nhà trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành dọn dẹp, để sớm đón học sinh quay lại trường.
Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang tập trung ra quân giúp đỡ các địa phương vùng lũ khắc phục hậu quả lũ lụt, khơi thông cống rãnh, thông thoát nước phục hồi sản xuất hoa màu bị ngập úng.
Trước mắt, lực lượng chức năng tập trung giúp các hộ dân, trường học, trạm y tế xã, hội quán các thôn, xóm dọn vệ sinh sạch sẽ để ổn định tình hình, cuộc sống nhân dân.
Ngay sau khi lũ rút, ThS BS Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) cùng đoàn công tác đã trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó với lũ lụt và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau lũ.
Tại các điểm giám sát về xử lý nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường sau lũ, lãnh đạo CDC Hà Tĩnh đề nghị Trung tâm Y tế huyện Hương Khê tập trung lực lượng, phối hợp chính quyền địa phương, trạm y tế xã ra quân xử lý môi trường và nước sinh hoạt cho nhân dân ngay sau khi nước rút.
Để chủ động phòng chống các loại dịch bệnh sau mưa lũ, CDC Hà Tĩnh chủ động cấp bổ sung 350kg Cloramin B và 55.000 viên Aquatab khử khuẩn nước sạch sinh hoạt cho huyện Hương Khê.
Trước đó, CDC Hà Tĩnh cấp 689.000 viên Aquatab khử khuẩn cho các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó riêng huyện Hương Khê được cấp 70.000 viên.
Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cùng cán bộ trạm y tế xã, y tế thôn xóm bị ngập hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thứ phát và phát sinh dịch bệnh.
Những câu chuyện cảm động nơi tâm lũ
Mưa lũ trong những ngày qua gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản đối với người dân huyện miền núi Hà Tĩnh. “Trong cơn hoạn nạn mới tận hiểu lòng nhau”, câu nói ấy thật đúng với những gì nơi “rốn lũ” Hương Khê trong những vừa qua.
Câu chuyện em học sinh lao vào dòng nước lũ chảy xiết cứu bạn, các cán bộ công an dùng ca nô vượt lũ hàng chục cây số đưa bệnh nhân đi bệnh viện, những bữa cơm hỗ trợ lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích do lũ cuốn trôi...
Ở nơi “rốn lũ” còn nữa những câu chuyện, những hình ảnh đẹp, thắm tình người mà chúng tôi không thể kể hết được. Trong cơn hoạn nạn, ai cũng vậy, mỗi con người lại hướng về nhau.
Trước đó, vào khoảng 13h ngày 30/10, thời điểm này nước lũ ở Hương Khê dâng cao, dòng nước chảy xiết, ông Phạm Minh Hà (SN 1969, trú thôn 7, Hòa Hải) phát hiện em Nguyễn Văn Dũng (SN 2008, trú cùng thôn) đang bị nước lũ cuốn trôi ra khu vực cánh đồng Đồng Bệ.
Do lúc này nước lũ đang dâng cao, chảy xiết nên ông Hà phải chạy về nhà gọi con trai là em Phạm Đình Thắng (SN 2006) và anh Võ Văn Vĩnh (SN 1984) ra để cứu em Dũng. Rất may, được sự hỗ trợ của lực lượng Công an xã Hòa Hải nên đã ứng cứu, đưa em Nguyễn Văn Dũng lên bờ an toàn.
Được biết, em Nguyễn Văn Dũng là học sinh lớp 10A6, còn em Phạm Đình Thắng là học sinh lớp 12A2, cả hai đều thuộc Trường THPT Hàm Nghi (huyện Hương Khê).
Thầy Đặng Minh Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Nghi cho biết, nhà trường hiện đã có kế hoạch tuyên dương, khen thưởng hành động anh dũng cứu người của em Thắng.
Trong những ngày bão lũ vừa qua, hình ảnh những người chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) không quản ngày đêm, vượt dòng lũ dữ, giúp đỡ, hỗ trợ dân đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và chính quyền sở tại.
Bao nhiêu ngày mưa lũ là bấy nhiêu ngày rất nhiều cán bộ, chiến sĩ công an không về đơn vị, không về nhà, cắm chốt ở các điểm lũ để làm nhiệm vụ. Bất kể ngày hay đêm, nhận được tiếng kêu gọi giúp đỡ từ người dân là các chiến sĩ lập tức có mặt giúp đỡ.
Còn nhớ vụ việc xảy ra vào chiều ngày 31/10, Công an xã Điền Mỹ nhận được tin cầu cứu của người thân ông Nguyễn Văn Thảo (57 tuổi, trú thôn Thượng Sơn, xã Điền Mỹ) về việc ông này đang nguy kịch do mắc bệnh ung thư, cần đưa đi bệnh viện để điều trị.
Nhận tin báo, Công an xã Điền Mỹ xác định toàn bộ khu vực nơi ông Thảo sinh sống đang bị nước lũ bao vây, cô lập nên nhanh chóng dùng ca nô để tiếp cận.
Được biết, nhà ông Thảo ở sâu trong thôn, việc điều khiển ca nô để vào rất khó khăn. Công an xã phải vượt lũ với quãng đường dài khoảng 10km, di chuyển suốt 1 giờ đồng hồ mới đưa được ông Thảo ra khu vực quốc lộ 15A rồi chuyển lên ô tô đưa đến bệnh viện. Hình ảnh này lan tỏa khiến người dân vùng lũ cảm thấy ấm lòng.
Trước đó, sáng 30/10, vì cuộc sống mưu sinh nên ngày mưa lũ chị Nguyễn Thị Hoa (31 tuổi, trú thôn 12, xã Hà Linh) vẫn phải đi làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trên đường về chị cùng chị dâu bị lũ cuốn mất tích. Sau vài giờ đồng hồ tìm kiếm, thi thể người chị dâu được tìm thấy cách hiện trường gặp nạn vài chục mét. Tuy nhiên, thi thể chị Hoa hơn 4 ngày mới được tìm thấy.
Ngay sau đó, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Công an Hà Tĩnh và huyện Hương Khê huy động lực lượng, phượng tiện tổ chức tìm kiếm nạn nhân.
Để tiếp sức cho lực lượng tìm kiếm tung tích chị Hoa, Hội LHPN xã Hà Linh đã tập trung nhân lực, kêu gọi ủng hộ thực phẩm chuẩn bị các bữa ăn phục vụ cho lực lượng chức năng. Dù bữa cơm chi phí không lớn nhưng thể hiện tấm lòng tương thân tương ái, hình ảnh bình dị ấy sau khi được đăng tải đã khiến nhiều bạn đọc xúc động.
Người dân vùng rốn lũ Hà Tĩnh vốn gặp nhiều khó khăn do thiên tai luôn rập rình, đe dọa. Nhưng vượt lên tất cả, lòng người nơi đây vẫn kiên trung, bất định, cố kết chống lại các mối đe dọa bằng thứ “vũ khí mềm” đó chính là sức mạnh nhân tâm, những việc làm đẹp đẽ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tinh-nguoi-trong-con-lu-du-169231103093850607.htm