Tình người vượt lên định kiến và khoảng cách
Ông Hoàng Văn Thấng (thứ hai, từ phải qua) và Trần Phúc Tân (thứ ba, từ phải qua) cùng gia đình đến Phú Yên tri ân Nguyễn Võ Anh Tuấn. Chị Võ Thị Sương (ngồi cạnh Tân) đã xem Tân là con mình. Ảnh: YÊN LAN
Tròn 49 ngày sau khi thanh niên Nguyễn Võ Anh Tuấn (SN 1998, trú khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa) qua đời, gia đình hai người được ghép giác mạc do Tuấn hiến tặng đã vượt đường xa đến Phú Yên, thắp hương tri ân Tuấn và kết tình anh em với gia đình Tuấn.
Trong căn nhà nhỏ mà chị Võ Thị Sương, mẹ Tuấn, và con gái tá túc, bà Lê Thị Hàn, mẹ thanh niên Trần Phúc Tân, rưng rưng xúc động: “Nhờ cháu Tuấn hiến tặng giác mạc mà mắt con tôi được như hôm nay. Gia đình tôi vẫn mong có một ngày vào Phú Yên. Bác sĩ nói khi nào cháu Tân khỏe lại thì mới đi được. Giờ mắt cháu đã ổn, gia đình tôi vào Phú Yên thắp hương cho cháu Tuấn, thăm mẹ con em Sương và kết tình gia đình. Em Sương cũng đã nhận Tân làm con rồi đó”. Người phụ nữ đến từ xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) lau nước mắt bằng bàn tay lam lũ, mỉm cười. Ngồi bên cạnh vợ, ông Trần Phúc Tung cũng rạng rỡ niềm vui trong ánh mắt.
Trần Phúc Tân (sinh năm 1992), con út của ông Tung bà Hàn học ngành xây dựng, từng làm việc trong ngành này trước khi chuyển sang làm việc trong lĩnh vực du lịch tại Phú Quốc. Tân mắc bệnh về giác mạc đã nhiều năm. Hai năm gần đây, bệnh diễn tiến nặng, Tân nhiều lần nhập viện. Tháng 2 vừa qua, giác mạc bị thủng, Tân nhập viện để điều trị; cảm giác lo lắng, mặc cảm càng tăng lên. Và rồi may mắn có giác mạc do Tuấn hiến tặng, sau khi đánh giá chất lượng giác mạc, mật độ tế bào nội mô, làm xét nghiệm công thức máu để loại trừ các bệnh lý…, ngày 23/5, Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép giác mạc cho Tân. Thanh niên 28 tuổi này cho biết mắt giờ đã ổn, nhìn gần thì thấy rõ. Theo lời bác sĩ, Tân cần khoảng một năm để bình phục hoàn toàn.
Tân chia sẻ: “Vào Phú Yên gặp mẹ, em rất xúc động. Em rất thương mẹ và cảm phục em Tuấn. Em ấy còn trẻ, có nghị lực và biết nghĩ cho người khác, có nghĩa cử cao đẹp cứu giúp người khác một khi em ấy không thể tiếp tục cuộc sống. Rất ít người làm được như em Tuấn”.
Cùng vào Phú Yên với gia đình Tân có vợ chồng ông Hoàng Văn Thấng, người thứ hai được ghép giác mạc của Tuấn, và con trai ông bà. Ông Thấng (SN 1956, trú xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) được chẩn đoán bị sẹo giác mạc/viêm loét giác mạc cũ, đã chờ ghép gần hai năm qua. Ca ghép giác mạc cho ông Thấng được Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành vào sáng 28/5. Ông Thấng nói: “Chúng tôi vào Phú Yên, cảm ơn tấm lòng của cháu Tuấn và dòng họ cháu ở đây. Chúng tôi cũng cảm ơn các bác sĩ đã ghép giác mạc thành công cho chúng tôi. Không có gì quý bằng món quà mà cháu Tuấn trao lại cho tôi và cháu Tân”.
Nguyễn Võ Anh Tuấn bắt đầu có những dấu hiệu mắc bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne từ cuối năm học lớp 2. Đến năm 2009, Tuấn không thể đi lại được nữa. Cha Tuấn bị đột quỵ, qua đời trong năm đó; gánh nặng gia đình oằn vai chị Sương. Người mẹ đành phải bán nhà để chạy chữa cho con, nhưng không có phép màu nào đến với Tuấn.
Với mong muốn “cho đi một phần cơ thể để cứu những người mắc bệnh nan y”, vượt lên định kiến, năm 2018, Tuấn và mẹ đăng ký hiến tặng mô, tạng. Rạng sáng 18/5/2020, Nguyễn Võ Anh Tuấn trút hơi thở cuối cùng tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, sau gần 3 tháng thở máy, đặt ống nội khí quản. Nhận được tin, các bác sĩ từ Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế đã lập tức vượt hơn 500km vào Phú Yên tiếp nhận giác mạc của Tuấn. Đây cũng là ca tiếp nhận giác mạc đầu tiên tại Phú Yên.
Sự có mặt của gia đình Tân và gia đình ông Thấng đúng vào hôm cúng 49 ngày cho Tuấn là nguồn an ủi lớn đối với chị Sương - người mẹ vừa mất đứa con trai ngoan hiền, có nghị lực và giàu lòng nhân ái. Chị thổ lộ: “Tôi thấy rất ấm lòng vì di nguyện của con trai đã được thực hiện thành công. Tôi có cảm giác như con mình vẫn còn sống”.