Tình người 'xóm chạy thận'

Nhiều năm nay, dãy nhà trọ nằm trong ngõ 457 đường Châu Phong, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì trở thành 'xóm chạy thận' của những bệnh nhân nghèo mắc bệnh suy thận đang phải điều trị tại Trung tâm Thận- lọc máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tuy mỗi người một nơi, một hoàn cảnh nhưng cùng mắc chung căn bệnh suy thận, cùng trọ chung trong dãy nhà trọ đã kéo họ lại gần nhau, cùng giúp đỡ nhau chống chọi với căn bệnh .

Giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường THPT Việt Trì, TP Việt Trì tặng quà cho người điều trị suy thận tại “Xóm chạy thận”.

Giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường THPT Việt Trì, TP Việt Trì tặng quà cho người điều trị suy thận tại “Xóm chạy thận”.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt sinh năm 1966 ở xóm Xẻn, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập cho biết: “Tôi ở đây được 7 năm rồi. Vì Trung tâm y tế huyện chưa có máy chạy thận nên tôi phải về Trung tâm Thận- lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, mỗi tuần 3 lần chạy thận nên phải ở trọ. Chúng tôi xác định là chạy thận đến hết đời. Ở xóm trọ, chúng tôi xem nhau như người thân, cùng nương tựa vào nhau để sống...”. Còn chị Hoàng Thị Hương, sinh năm 1988 ở khu Trù Dương, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, chạy thận được 10 năm chia sẻ: “Trước đây con tôi còn nhỏ phải gửi ông bà ngoại, tôi đi về liên tục, nay cháu đã lớn nên tôi không phải về nhiều như trước. Hàng tháng, tiền chạy thận được BHYT chi trả, còn các khoản chi phí khác như tiền mua một số loại thuốc, tiền phòng trọ, điện, nước, sinh hoạt... thì tôi phải trả, tùy theo điều kiện nhưng tiết kiệm nhất cũng khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng”.

Cả “xóm chạy thận” có 2 dãy trọ gồm hơn 10 bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh suy thận, già có, trẻ có và đều là những người nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trường hợp như chị Hà Thị Yêu sinh năm 1973 ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn đã chạy thận được 9 năm, do Trung tâm y tế huyện chưa có máy nên phải về Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị, 2 con chị đã có gia đình riêng nhưng hoàn cảnh rất khó khăn nên chị Yêu ít khi về nhà, thời gian còn lại chủ yếu ăn ở tại khu trọ. Còn cháu Dương Thị Thanh Phương, sinh năm 2002 ở khu 4, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, đã điều trị ở đây 9 năm, người gầy gò ốm yếu, hoàn cảnh rất khó khăn...

Họ cùng nhau quây quần trong xóm trọ với những căn phòng đơn sơ, chia sẻ từng bữa cơm ăn, nước uống, từng gói thuốc, từng lời động viên để cùng nhau chống chọi với căn bệnh. Không có người thân bên cạnh chăm sóc, chính tại nơi đây họ đã tìm thấy một gia đình đặc biệt mà mọi thành viên đều đồng cảm, sẻ chia và yêu thương nhau. Chị Lại Thị Bích Liễu- giáo viên trường THPT Việt Trì, ở tổ 22A khu Hà Liễu, phường Gia Cẩm cho biết: “Thương lắm, do bị suy thận phải điều trị nên họ phải thuê trọ cho tiện điều trị, có người tháng này vẫn gặp, tháng sau không nhìn thấy, hỏi mới biết họ đã qua đời. Vào các dịp lễ, Tết năm nào tôi cũng vận động phụ huynh, đưa các học sinh đến tặng quà cho những người bệnh đang ở trọ tại “xóm chạy thận”. Ngoài ra, hàng ngày, cứ có gì tôi lại mang xuống cho họ, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Khi chạy thận là họ xác định điều trị đến hết đời...”. Bà Nguyễn Thị Thanh Lâm - Tổ trưởng tổ 22A khu Hà Liễu, phường Gia Cẩm cho biết: “Từ khi có “xóm chạy thận” ở trên địa bàn, khu dân cư và người dân nơi đây thường xuyên quan tâm đến họ, thăm hỏi, động viên, tặng quà, hàng năm tổ chức gói bánh chưng, cho họ ăn tết trước khi về quê...”.

Có lẽ những bệnh nhân suy thận trong xóm trọ nghèo sẽ không chờ đợi bất kỳ một phép màu nào xảy ra. Hy vọng rằng, trong hành trình gian khó ấy, với sự cảm thông, chia sẻ, tình yêu thương và chung tay góp sức của cộng đồng, các mạnh thường quân, trở thành điểm tựa, giúp những bệnh nhân nghèo “xóm chạy thận” giảm bớt gánh nặng tài chính, có thêm niềm tin, hy vọng để chiến đấu với nỗi đau và bệnh tật, sáng lên khát vọng sống và bước tiếp. Những sự giúp đỡ ấy không chỉ có giá trị vật chất, mà còn là liều thuốc tinh thần quý giá, giúp xoa dịu nỗi đau và sự cô đơn của những con người kém may mắn.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tinh-nguoi-xom-chay-than-231115.htm