Tình nguyện nơi tuyến đầu
Trong cuộc chiến chống Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh có sự góp sức không nhỏ của lực lượng tình nguyện từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Họ là những bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… hay những sinh viên còn rất trẻ luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết, không ngại khó, xung phong lên tuyến đầu cống hiến sức mình để thành phố sớm vượt qua đại dịch.
Được lệnh là đi ngay
Đoàn công tác Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ công tác xét nghiệm đã hơn ba tuần. Từ khi tình nguyện theo đoàn vào thành phố dập dịch, hầu như ngày nào bác sĩ CK II Dương Văn Nghĩa cũng kết thúc công việc của mình vào lúc 2 - 3 giờ sáng. Bác sĩ Dương Văn Nghĩa chia sẻ: “Đoàn vào thành phố lần này có 3 thành viên là nữ nên ưu tiên các đồng chí ấy trực ca ngày. Tôi và các thành viên nam còn lại đảm nhận ca tối. Hôm nào mẫu nhiều, chúng tôi làm việc đến 4 giờ sáng”.
Trước đó không lâu, anh cùng đoàn công tác Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tham gia dập dịch tại Bắc Giang.
Bác sĩ CK II Hoàng Đức Hậu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cho biết: “Trung tâm đã tham gia chống dịch tại các địa phương: Đà Nẵng, Quảng Bình, Bắc Giang và một số tỉnh thành phố khác. Với nhiều kinh nghiệm đã tích lũy được, lần này đoàn tiếp tục vào tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, với 7 đồng chí. Chúng tôi kết hợp với tổ công tác đơn vị tại TP Hồ Chí Minh hình thành một đội gồm 16 đồng chí trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Đơn vị được phân công xét nghiệm các mẫu trên địa bàn quận 10 và quận Phú Nhuận. Do lượng mẫu chuyển về liên tục nên việc thức trắng cả đêm để xét nghiệm trở thành việc “thường ngày” của các thành viên trong đoàn. Tính đến ngày 24/7, sau 20 ngày vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, đơn vị đã nhận 13.632 mẫu tương đương hơn 118 lượt người và phát hiện ra 923 mẫu dương tính”.
Sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương
lấy mẫu tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Xung phong tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19 còn có lực lượng không nhỏ là các bạn sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là một trong những trường có lực lượng hùng hậu chi viện cho công tác chống dịch, và cũng là một trong những đơn vị đến thành phố sớm nhất với hơn 300 sinh viên.
Thành phố vui, cả nước vui
Tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh lần này, bác sĩ Trần Đức Lý, trưởng đoàn y tế của tỉnh Hà Nam hỗ trợ TP Hồ Chí Minh đã xác định đây là “cuộc chiến” lâu dài. Đoàn gồm 40 người, trong đó có 8 bác sĩ, 27 điều dưỡng và 5 kỹ thuật viên được phân công làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 9, nằm trên địa bàn huyện Hóc Môn. Bác sĩ Lý cho biết, đây là lực lượng đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch, nhiều bác sĩ từng tham gia công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang và ngay tại tỉnh Hà Nam.
Ngay ngày đầu tiên đến đảm nhận công việc tại Bệnh viện dã chiến số 9, đoàn đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân, tất cả bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc đến 2 giờ sáng hôm sau thì mọi việc mới ổn định. “Với số bệnh nhân ngày nào cũng xấp xỉ 700 người, chúng tôi luôn xác định làm hết việc chứ không hết giờ”- bác sĩ Lý chia sẻ thêm.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Phương (Hà Nam) cho biết, chị được sự ủng hộ, động viên rất lớn từ gia đình. Với hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị Phương được giao nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân có triệu chứng nặng. Những ngày đầu, công việc khó khăn hơn khi nhiều người chưa hiểu và chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Chị phải thường xuyên giải thích cũng như động viên tinh thần các bệnh nhân để mọi người an tâm hơn. Là phụ nữ, nên chị Phương cũng hay nhớ nhà, nhất là những ngày thành phố bất chợt đổ mưa. Tranh thủ những phút nghỉ ngơi ít ỏi, chị giải tỏa nỗi nhớ ấy bằng cách điện về hỏi thăm gia đình, dặn dò con phải vâng lời ông bà.
May mắn hơn nhiều thành viên trong đoàn tỉnh Hà Nam, bác sĩ Nguyễn Văn Tuân có bạn gái là điều dưỡng cũng tình nguyện vào thành phố tăng cường chống dịch. Nỗi nhớ nhà, vất vả vì thế ít nhiều vơi đi. Bác sĩ Tuân cho biết, ngày nào nhân viên y tế ở Bệnh viện dã chiến số 9 cũng làm việc hết sức để chăm sóc tốt cho các bệnh nhân, nhất là những trường hợp đặc biệt.
Như trường hợp một phụ nữ nhiễm Covid-19 khi đang mang thai tuần thứ 30, các bác sĩ phải cân nhắc để điều trị cho bệnh nhân mà không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Đến nay, bệnh nhân và thai nhi đều khỏe mạnh, hai lần xét nghiệm âm tính…, nếu kết quả xét nghiệm lần ba tiếp tục âm tính thì chị sẽ được xuất viện. Cả bệnh viện ai cũng vui mừng với tin ấy.
Đến ngày 24/7, Bệnh viện dã chiến số 9 đã có 86 bệnh nhân ra viện. Nếu không có gì thay đổi, hàng chục bệnh nhân sẽ được ra viện trong các ngày tới. Đây không chỉ là niềm vui của thành phố mà của cả nước, và sẽ là nguồn động lực rất lớn để họ tiếp tục chung tay với TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến đầy khó khăn này.
Tấm lòng lương y
Bệnh viện dã chiến Hòa Phú thành lập vào ngày 7/7 trên không gian Bệnh viện đa khoa khu vực Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), khu vực có nhà máy sản xuất giày da thuộc Công ty TNHH Tỷ Xuân đang có chuỗi lây nhiễm Covid-19 nhiều nhất trong cộng đồng ở Vĩnh Long.
Ngày 8/7, anh Nguyễn Lê Quốc Bình, điều dưỡng Bệnh viện chuyên khoa mắt Vĩnh Long đã xung phong vào Bệnh viện dã chiến Hòa Phú. Hiện anh làm điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhân F0, lo thuốc men, sinh hoạt hằng ngày cho họ. “Thường xuyên tiếp xúc bệnh nhân, tôi cảm nhận họ rất lo lắng cho bệnh trạng của mình, vì vậy chúng tôi vừa phải động viên, khích lệ bệnh nhân, đồng thời tuân thủ tuyệt đối quy trình, phác đồ điều trị…” - anh Bình nói.
Bệnh viện có 50 giường bệnh. Nhân sự tại đây bao gồm lực lượng tại chỗ của bệnh viện và lực lượng điều động hỗ trợ từ các nơi. Cũng như anh Bình, họ đều là những người tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch, làm việc, sinh hoạt trong khuôn viên bệnh viện dã chiến 24/24 giờ, tự cách ly hoàn toàn với bên ngoài.
Nơi đây vừa là tuyến đầu căng thẳng chống dịch, vừa như một đại gia đình đoàn kết, sẻ chia với nhau qua từng bữa ăn vội giữa ca, hay những đêm chia giấc. Bác sĩ Nguyễn Bá Khánh Linh tâm sự: “Những ngày đầu đến đây mọi thứ đều rất mới mẻ, từ cơ sở làm việc đến bạn bè đồng nghiệp, tôi lo lắng rất nhiều. Tuy nhiên, chỉ khoảng một tuần tất cả mọi thứ đều ổn. Với những thầy thuốc, bệnh nhân là người thân, vì vậy chúng tôi nỗ lực điều trị mong cho họ sớm bình phục”.
Ngày cũng như đêm, khu vực trực của Bệnh viện dã chiến Hòa Phú luôn tất bật, vừa công việc chuyên môn, vừa thu nhận, phân phối quà của các nhà hảo tâm gửi bệnh nhân. Những bữa ăn “dã chiến” thường xuyên lúc nửa đêm, vội vã trên hành lang bệnh viện, nhưng không thiếu tiếng cười và những hành động, cử chỉ sẻ chia yêu thương của những người cùng cảnh…
Khi mà Đồng Tháp đang liên tiếp xảy ra những ca bệnh nặng tử vong, thì những chiếc áo blouse từ nhiều địa phương trên cả nước đã đến với mảnh đất sen hồng. Các y, bác sĩ của nhóm chuyên gia Bộ Y tế, Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế, Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ, đoàn y, bác sĩ Bắc Giang… đã dốc sức mình với những cố gắng không mệt mỏi để ngày đêm cứu chữa các bệnh nhân nặng nhiễm Covid-19 đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, Bệnh viện Phổi Đồng Tháp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Đoàn Tấn Bửu nhận xét: Đội ngũ y, bác sĩ đến hỗ trợ Đồng Tháp là những thầy thuốc giỏi về chuyên môn, có kinh nghiệm trong điều trị hồi sức đối với bệnh nhân Covid-19. Đội hình hồi sức cấp cứu từ Bệnh viện T.Ư Huế vào hỗ trợ Đồng Tháp cũng là những y, bác sĩ giàu kinh nghiệm với những điều dưỡng, kỹ thuật viên lập thành những ê-kíp hỗ trợ tích cực, bất kể ngày đêm.
Ở trong bệnh viện cả tháng trời, đối mặt với những nguy hiểm lây nhiễm, chứng kiến cảnh người bệnh không vượt qua được, nhiều y, bác sĩ Đồng Tháp có lúc tinh thần nao núng, thậm chí khủng hoảng. Tuy nhiên, sự kịp thời trợ giúp của các thầy thuốc phương xa đã là một nguồn lực hỗ trợ trong điều trị, và là liều thuốc bổ trợ tinh thần, giúp đội ngũ y tế tỉnh Đồng Tháp bình tĩnh, tự tin trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Họ, những chuyên gia y tế, đội ngũ y, bác sĩ đến từ nhiều vùng miền trên cả nước
. Dù phải xa nhà nhiều ngày, làm việc trong điều kiện vất vả, nguy cơ cao, nhưng với tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”, các chuyên gia, tình nguyện viên ấy đã xả thân ngày đêm tham gia công tác xét nghiệm, cứu chữa bệnh nhân, giúp nhiều người bệnh vượt qua những thời điểm nguy kịch để trở về với cuộc sống bình thường. Những hình ảnh đẹp của họ đã làm sáng đẹp thêm truyền thống “lương y phải như từ mẫu”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tinh-nguyen-noi-tuyen-dau-656756/