Tình nguyện viên công nghệ mùa dịch

Để xây dựng ứng dụng Giúp tôi!, hơn 200 tình nguyện viên người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã làm việc không ngừng nghỉ để có thể vận hành một phần mềm sinh động giống như một người bạn, sẵn sàng giúp đỡ người dân.

Khởi xướng cách đây một tháng, dự án cộng đồng Giúp tôi!đã nhận được sự hưởng ứng từ rất nhiều công ty, tổ chức, với hơn 200 tình nguyện viên người Việt trên khắp thế giới.

TS. Trần Việt Hùng, đồng sáng lập ứng dụng Giúp tôi!

TS. Trần Việt Hùng, đồng sáng lập ứng dụng Giúp tôi!

Dự án “thần tốc”

Chia sẻ về sự ra đời của Giúp tôi!, TS. Trần Việt Hùng - nhà sáng lập dự án phi lợi nhuận Got It và STEAM for Vietnam cho biết: Khi nói chuyện về số ca Covid-19 tăng mỗi ngày, y tế quá tải, một số F0 chưa được hỗ trợ kịp thời tại TP. Hồ Chí Minh, một người bạn đã đề xuất với anh về một ứng dụng đơn giản giúp kết nối những F0 không có hỗ trợ y tế với các y, bác sỹ ở xa.

Sau khi đồng thuận với ý tưởng này, anh Hùng huy động thêm bạn bè, người quen tham gia làm tình nguyện viên để xây dựng nền tảng.

Mặc dù trong đợt dịch bệnh căng thẳng ở Việt Nam, trên thị trường cũng có ứng dụng khác, nhưng với suy nghĩ càng có nhiều giải pháp công nghệ được đưa ra thì càng giúp được nhiều người, anh và những người bạn không chút băn khoăn hay do dự mà bắt tay ngay vào công việc.

Mất hai tuần xây dựng các yếu tố cơ bản để nền tảng có thể vận hành, Hùng và cộng sự kết hợp với nhiều tổ chức chuyên môn để huy động mạng lưới tình nguyện viên tư vấn gồm đội ngũ y, bác sỹ, chuyên gia tâm lý…

Có thể nói, hơn 200 tình nguyện viên là hơn 200 sự đồng cảm xuất phát từ ý thức vì cộng đồng để mỗi người tích cực tham gia Giúp tôi!.

Với những gì mà nhóm tình nguyện viên đã thể hiện trong vòng một tháng qua, anh Hùng khẳng định ứng dụng chính là một cái lò luyện startup tốt nhất từ trước tới giờ mà anh biết. Ở đó, tất cả các thành viên phải tập trung cao độ ở tất cả các mảng công việc với tốc độ “tàu lượn”.

Thăng Lê, một kỹ sư công nghệ thông tin tại Texas (Mỹ) cũng đã có những khoảng khắc đáng nhớ trong hai tuần làm việc hết công suất để ứng dụng ra đời. Anh cùng nhiều tình nguyện khác đều vui mừng vì dự án giúp kết nối trực tiếp với đội ngũ y, bác sỹ để có được những tư vấn y tế cần thiết, đặc biệt với những F0 nhẹ, F0 không triệu chứng cũng như người tiếp xúc gần trong vùng dịch.

Đội ngũ y bác sỹ tình nguyện của ứng dụng Giúp tôi! đang tham gia tư vấn cho người cần hỗ trợ.

Đội ngũ y bác sỹ tình nguyện của ứng dụng Giúp tôi! đang tham gia tư vấn cho người cần hỗ trợ.

“Chỉ 15 phút, giúp được một người!”

Đây chính là phương châm hoạt động mà các sáng lập viên công nghệ đặt ra khi thực hiện Giúp tôi! Thiết kế của ứng dụng cũng đặc biệt, chú ý tới trải nghiệm của các y, bác sỹ với sự chủ động hoàn toàn về thời gian để có thể phục vụ được càng nhiều người càng tốt.

Mỗi phiên tư vấn cố định là 15 phút và tự động ngắt kết nối trừ khi bác sỹ quyết định kéo dài thêm nên cứ khi nào y, bác sỹ có một khoảng thời gian rảnh, chỉ 15 phút rảnh thôi là họ có thể tham gia tư vấn để giúp được một người.

Họ cũng không phải bố trí thời gian ngồi trực điện thoại vào các giờ cố định hay phải trả lời các cuộc gọi điện thoại vào bất kỳ thời điểm nào bận.

Về vị trí địa lý, các y, bác sỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể tham gia nền tảng, chỉ cần một click là có thể kết nối và tư vấn giúp đỡ bà con ở cách xa hàng vạn dặm. Đây chính là cách thức sử dụng lợi thế công nghệ nền tảng.

Bởi vậy, khi có mạng lưới y bác sỹ ở khắp mọi nơi thì các F0 hay F khác đều có thể được trợ giúp và đồng thời giảm tải đáng kể cho hệ thống y tế ở các vùng dịch.

Ngoài ra, để đảm bảo sự riêng tư, toàn bộ trao đổi khi các y, bác sỹ tư vấn cho bà con đều nằm trong nền tảng, không có thông tin liên lạc nào được chia sẻ giữa hai bên nên khi phiên tư vấn kết thúc sẽ không có một kết nối nào không mong muốn được tạo ra. Các y, bác sỹ cũng yên tâm không bị các nhân viên kinh doanh đa cấp, hay bán hàng từ xa gọi điện quấy rầy trong khi mình đang bận hỗ trợ người bệnh.

Cần vòng tay rộng lớn

Dù mới ra đời nhưng ứng dụng đã vinh dự có đội ngũ cố vấn chuyên môn như bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa (Bộ Y tế), bác sỹ Quách Hữu Trung (Bệnh viện 199), bác sỹ Đỗ Quốc Huy (Bệnh viện Nhân dân 115)... Các thành viên sáng lập Giúp tôi! mong muốn được chào đón sự tham gia đông đảo của y, bác sỹ vào đội ngũ tình nguyện tư vấn để hỗ trợ miễn phí cho bà con đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Từng là bệnh nhân Covid-19 và may mắn khỏi bệnh, nhiều người như dược sỹ Nguyễn Thế Sơn, bác sỹ Phùng Cao Cường đã trở thành tình nguyện viên giúp đỡ bệnh nhân đang điều trị tại nhà.

Giúp tôi! cũng có kế hoạch mở rộng tính năng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 những nhu cầu khác bên cạnh tư vấn y tế và sức khỏe tâm lý, như chia sẻ các mặt hàng thiết yếu.

Ứng dụng có thể tư vấn trực tiếp lên tới 1 triệu ca mỗi ngày và xử lý khoảng 300.000 yêu cầu (trả lời qua tin nhắn ứng dụng) mỗi ngày cùng với các lĩnh vực tư vấn khác nhau.

Theo anh Trần Việt Hùng, việc được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ và trở thành thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia sẽ giúp dự án quy củ hơn, từ đó có thể phục vụ được nhiều người và đúng mục đích hơn.

Ngoài ra, sự bảo trợ này cũng tạo ra sự tin tưởng hơn cho đội ngũ chuyên gia để tham gia mạng lưới cũng như giúp người dùng yên tâm hơn. Dự án sẽ có thêm nhiều nguồn lực để có thể mở rộng cũng như kết nối với các cơ quan chính phủ để cùng hợp lực dập dịch và giúp đỡ người dân.

Ứng dụng Giúp tôi! có thể tiếp nhận tới 1 triệu ca gọi mỗi ngày và xử lý khoảng 300.000 yêu cầu của người sử dụng mỗi ngày cùng với các lĩnh vực tư vấn y tế khác nhau.

TS. Trần Việt Hùng cũng cho biết, anh và các cộng sự đang tiếp tục xây dựng nền tảng Giúp tôi! theo hướng có khả năng mở rộng nhiều ứng dụng khác nhau vì xác định hiện tại là trợ giúp y tế nhưng sau này dịch được kiểm soát sẽ còn hệ lụy, cần đến nhiều sự hỗ trợ trên các phương diện khác.

Một số tính năng được thiết kế cho ứng dụng, chẳng hạn như kết nối cho - nhận để mọi người có thể chia sẻ hàng thiết yếu, tư vấn tâm lý cho những người bị cách ly, phong tỏa lâu. Ứng dụng cũng có thể là nơi để các F0 đã được chữa khỏi tâm sự, chia sẻ, giúp cho những bệnh nhân đang bị hoặc người tiếp xúc gần vững vàng về tâm lý.

Anh Hùng chia sẻ: “Khi tôi huy động thì anh em tham gia rất nhiệt tình. Với nhiều bạn, việc gì tốt, có ích cho nhiều người, họ sẵn sàng tham gia và làm rất chăm chỉ, nghiêm túc dù công việc cực kỳ vất vả.

Cũng có bạn ở nước ngoài muốn về Việt Nam mà dịch lại không về được, nên làm gì đó cùng nhau mà góp phần giúp cho đại dịch qua đi, mọi thứ trở lại bình thường thì rất hữu ích. Đây chính là động lực để mọi người tham gia và làm việc không mệt mỏi cho dự án này, dù dự án phi lợi nhuận”.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-nguyen-vien-cong-nghe-mua-dich-157912.html