Tình nguyện viên hiến máu cứu bệnh nhân Anh có nhóm máu hiếm
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một nam bệnh nhân người Anh bị giảm tiểu cầu miễn dịch có nhóm máu hiếm vừa được các tình nguyện viên Việt Nam hiến tặng máu cứu sống kịp thời.
Điều này minh chứng cho tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam trong các tình huống cấp bách, không phân biệt người gặp nạn mang màu da, quốc tịch nào.
Theo đó, ngày 17/3, nam bệnh nhân P.A.B (64 tuổi, quốc tịch Anh) được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng chảy máu răng, máu mũi, bầm da dạng chấm, xuất huyết hai chân. Tại đây, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, bệnh nhân bị giảm tiểu cầu miễn dịch trên nền bệnh tăng huyết áp và có nguy cơ xuất huyết não do thông số xét nghiệm tiểu cầu của bệnh nhân rất thấp, chỉ đạt 1.0 G/L. Bệnh nhân cần được truyền khẩn cấp chế phẩm tiểu cầu. Tuy nhiên, bệnh nhân này có nhóm máu O Rh(-) trong khi Trung tâm Truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy thời điểm đó vừa hết chế phẩm tiểu cầu O Rh(-).
Trước tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy đã khởi động quy trình khẩn cấp, nhanh chóng liên lạc với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ máu hiếm Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố) và Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Nam để huy động nguồn hiến tiểu cầu. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, 6 thành viên trong 2 câu lạc bộ đã gấp rút đến Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng hiến máu tình nguyện. Điều đáng quý là trong số 6 tình nguyện viên đến Bệnh viện Chợ Rẫy hiến máu cứu người có người ở các địa bàn xa như huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), tỉnh Đồng Nai… nhưng đã không ngại đường xa, sẵn sàng bỏ dở công việc để tham gia hiến máu cứu người. Kết thúc quá trình sàng lọc, có 3 người phù hợp để hiến tiểu cầu là anh Nguyễn Văn Bảo, chị Lê Thị Mít và chị Nguyễn Thị Thúy (đều ngụ Thành phố Hồ Chí Minh). Ba chế phẩm tiểu cầu nhóm O Rh(-) đạt tiêu chuẩn đã được sản xuất khẩn cấp và truyền an toàn cho bệnh nhân P.A.B ngay sau đó.
Sau khi bệnh nhân được truyền chế phẩm tiểu cầu, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã lựa chọn phương án điều trị phù hợp cho người bệnh. Bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe ổn định và được xuất viện vào ngày 23/3.
"Cảm ơn những người hiến tiểu cầu cũng như đội ngũ nhân viên y tế đã kịp thời cứu giúp tôi có được sự khỏe mạnh như ngày hôm nay", ông P.A.B chia sẻ.
Theo các bác sĩ, chỉ khoảng 0,1% dân số Việt Nam máu có nhóm máu O Rh(-). Do đó, đây là nhóm máu được coi là siêu hiếm. Người có nhóm máu O Rh(-) thường chỉ nhận được của chính nó. Nghĩa là O Rh(-) chỉ nhận được nhóm máu có kháng nguyên O Rh(-). Trong trường hợp truyền nhóm máu O Rh(+), người được truyền máu sẽ gặp tai biến, gây ngừng kết hồng cầu rất nguy hiểm. Cũng vì hiếm, nên O Rh(-) vốn không được ngân hàng máu của các bệnh viện lưu trữ nhiều, thậm chí không có để lưu trữ. Do đó, khi gặp những sự cố liên quan đến truyền máu, người mang nhóm máu này thường rất khó tìm được lượng máu bổ sung.