Tỉnh Ninh Thuận tăng cường giải quyết vướng mắc về đầu tư, giữ chân doanh nghiệp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh sẽ quyết liệt giải quyết các vướng mắc trong đầu tư, nhằm khôi phục nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương…

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
Theo báo cáo từ Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, trong quý I năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt khoảng 6.303 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước đạt 1.880 tỷ đồng, tương đương 34,2% kế hoạch năm, tăng 43,2% so với cùng kỳ. Đồng thời, tỉnh cũng đã tạo việc làm mới cho 5.443 lao động, tăng gần 18% so với năm trước. Các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo đang phục hồi, và các dự án trọng điểm, động lực cũng được đẩy nhanh tiến độ.
Tỉnh cũng ghi nhận có 116 doanh nghiệp mới thành lập, tổng vốn đăng ký là 512,7 tỷ đồng, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể lại có sự gia tăng so với cùng kỳ.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN BẰNG CÁC CHÍNH SÁCH CỤ THỂ, THỰC TẾ
Trong cuộc gặp mặt các doanh nghiệp ngày 1/4/2025, UBND tỉnh Ninh Thuận đã lắng nghe các khó khăn cũng như đề xuất từ các doanh nghiệp địa phương để tập trung đưa ra giải pháp tháo gỡ. Một trong những vấn đề được đưa ra là doanh nghiệp nuôi mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên, lần đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần mực nhảy Biển Đông, mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền vì ngành nuôi biển gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với mô hình nuôi mực bán tự nhiên.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần mực nhảy Biển Đông, tại buổi gặp mặt với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chia sẻ rằng tỉnh sẽ nghiên cứu và điều chỉnh mức giá thuê mặt nước cho phù hợp, đặc biệt đối với ngành nuôi thủy hải sản, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững. Ngoài ra, ông Nam cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần có lộ trình kiểm tra rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc hoàn tất các thủ tục hành chính.
Tại hội nghị, bà Từ Thị Thanh Trúc, đại diện Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tân Sơn Hoa Cương, trình bày vướng mắc liên quan đến hải quan. Theo bà Trúc, công ty gặp khó khăn khi phải cung cấp báo cáo tài chính và chứng từ hàng hóa từ năm 2019-2024 trong thời gian ngắn, gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sau dịch Covid-19.
Giải đáp vướng mắc này, đại diện Chi cục Hải quan khu vực 13 giải thích rằng việc kiểm tra này là một phần quy trình thường xuyên và khuyến nghị công ty có thể yêu cầu gia hạn thời gian báo cáo nếu gặp khó khăn.
Cụ thể, về quy trình phân luồng thông quan đối với hàng hóa, theo đó, các lô hàng sẽ được phân vào ba luồng: Xanh, Đỏ và Vàng. Các doanh nghiệp sẽ tự khai báo và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin. Hải quan không thực hiện kiểm tra đối với các lô hàng đã qua phân luồng Xanh. Tuy nhiên, việc kiểm tra sau thông quan sẽ được thực hiện trong giai đoạn 5 năm đối với doanh nghiệp, nhằm đánh giá sự tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đại diện Hải quan cho biết thêm, theo văn bản của Chi cục Hải quan 13, ngày ký 21/3 và được công ty nhận vào 26/3, công ty chỉ cần cung cấp chứng từ mà không yêu cầu báo cáo tài chính hay tờ khai xuất nhập khẩu, và phải gửi các chứng từ này lại cho hải quan trước ngày 31/3.
Đồng thời, việc kiểm tra trong vòng 5 năm chỉ áp dụng đối với một số doanh nghiệp, không phải tất cả. Để đảm bảo doanh nghiệp không gặp phải khó khăn, đại diện Hải quan khẳng định rằng công tác kiểm tra không nhằm mục đích phát hiện vi phạm mà chủ yếu để hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp trong trường hợp có sai sót. Hải quan cũng nhận thấy rằng doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu kiểm tra với thời gian gấp gáp, nếu cần thêm thời gian, doanh nghiệp có thể gửi văn bản yêu cầu gia hạn.
TĂNG CƯỜNG CẢI CÁCH VÀ KHÔI PHỤC NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ
Cũng tại hội nghị, vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu công nghiệp Phước Nam đã được đề cập. Các nhà máy trong khu công nghiệp, đặc biệt là việc đốt lốp cao su và phơi bã bia, đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác. Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra các đơn vị gây ô nhiễm và yêu cầu ngừng hoạt động nếu không đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, để đảm bảo quá trình phát triển bền vững, tỉnh Ninh Thuận cam kết sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chủ tịch tỉnh Trần Quốc Nam khẳng định sẽ không chần chừ trong việc giải quyết các khó khăn hiện tại và đề nghị các sở, ngành liên quan lắng nghe và xử lý nhanh chóng các vấn đề, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, triển khai Nghị Quyết 41 và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, cùng các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và Nghị định 80 của Chính phủ. Đồng thời, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ DNNVV và hợp tác xã chuyển đổi số trong giai đoạn 2024 – 2028 theo Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh.
Thứ hai, tập trung vào ba khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế:
Khó khăn, cơ chế, chính sách: Ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong các ngành công nghiệp, dịch vụ. Tăng cường phân cấp và rà soát sửa đổi các quy định nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn lực đất đai và vốn đầu tư: Khơi thông các nguồn lực về đất đai và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt trong các dự án trọng điểm, liên vùng.
Tinh thần trách nhiệm: Nâng cao trách nhiệm và quyết tâm trong công tác thực hiện nhiệm vụ, nhất là ở cấp lãnh đạo.
Thứ ba, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững. Theo đó, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tập trung phát triển năm ngành trọng tâm: năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản và kinh tế đô thị.
Thứ tư, đổi mới xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư. Chính quyền tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các cơ chế, chính sách ưu đãi. Đồng thời, duy trì các cuộc gặp gỡ, đối thoại định kỳ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và vướng mắc, đặc biệt về đất đai, thuế, quy hoạch, lao động và tín dụng. Tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Thứ năm, cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan. Các giải pháp đột phá tiếp tục được triển khai nhằm nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính (PAR INDEX), tham gia của người dân (PAPI), sự hài lòng của người dân (SIPAS) và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới.