Tỉnh Ninh Thuận trải 'thảm đỏ' mời gọi đầu tư
Các lĩnh vực về năng lượng, công nghệ, môi trường, xử lý rác thải, chế biến thực phẩm,… đã được mời gọi đầu tư vào Ninh Thuận tại hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2024, vừa diễn ra tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vào ngày 18/10/2024.
Chiều ngày 18/10/2024, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phối hợp tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2024 nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai địa phương Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, cùng các tỉnh/thành khác trong khu vực này.
Theo ban tổ chức, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận mong muốn “trải thảm đỏ” mời các hiệp hội cùng trên 100 doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu ở Đồng Nai và khu vực phía Nam đến tìm hiểu “cơ hội vàng” đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, như: Khu công nghiệp Phước Nam, quy mô 370 ha; khu công nghiệp Thành Hải, quy mô 78 ha; khu công nghiệp Du Long, quy mô 407,28 ha và đang trình Chính phủ phê duyệt khu công nghiệp Cà Ná, quy mô 827,2 ha…
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, khẳng định với các nhà đầu tư rằng “sự thành công của doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh”. Vì vậy tỉnh luôn đón nhận các nhà đầu tư mang hết tâm huyết, trách nhiệm đến đầu tư tại tỉnh và tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư thành công, góp phần mang lại sự thịnh vượng cho tỉnh Ninh Thuận.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết đây là dịp để Ninh Thuận giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của địa phương đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở các tỉnh khu vực phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai; qua đó mời gọi các nhà đầu tư tìm đến Ninh Thuận như một địa chỉ tin cậy.
Trong những năm qua, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận có những chuyển biến tích cực, quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,28%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 87,7 triệu đồng/người, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung và bằng 81,2% bình quân cả nước. Năng lực cạnh tranh của tỉnh cải thiện đáng kể; cụ thể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/14 tỉnh, thành phố duyên hải Miền Trung và nằm trong “Top” 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2023.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 xác định đến năm 2030 Ninh Thuận trở thành địa phương có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao trong cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh té đô thị là động lực tăng trưởng. Đồng thời phát triển trọng tâm tại khu vực phía nam của tỉnh, tạo tiền đề cơ sở hình thành khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, 05 biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đã được ký kết giữa các đơn vị, nhà đầu tư của Đồng Nai và Ninh Thuận. Bao gồm:
- MoU hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Đồng Nai khảo sát, nghiên cứu đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giữa Hội Doanh nhân Trẻ Đồng Nai và Ban quản lý các Khu công nghiệp Ninh Thuận (BQLNT);
- MoU nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án nhà máy chế biến thực phẩm tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giữa Công ty cổ phẩn thực phẩm GC Food với BQLNT;
- MoU nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án nhà máy chế biến thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp xanh trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giữa Công ty cổ phần đầu tư thương mại 939 với BQLNT;
- MoU hợp tác, nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất hydrogen, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), điện gió, xử lý rác thải thu hồi năng lượng tái tạo nhiên liệu sinh học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giữa Công ty TNHH Đầu tư xử lý môi trường và công nghệ Travavina với Sở Công Thương Ninh Thuận;
- MoU hợp tác khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất hydrogen, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), thủy điện tích năng, điện gió - mặt trời, điện rác sản xuất nhiên liệu sinh học và cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giữa Tập đoàn năng lượng WPP Energy (Thụy Sĩ) và Tập đoàn tài chính HyFi (Hoa Kỳ) với Sở Công Thương Ninh Thuận.
Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, giáp với tỉnh Khánh Hòa về phía bắc, Bình Thuận về phía nam và Lâm Đồng về phía tây, có vị trí chiến lược nằm trên giao điểm nối liền 3 vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ninh Thuận có diện tích tự nhiên 3.358 km2, có 7 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố và 6 huyện. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là thành phố loại II thuộc tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh và cách TP.HCM 350 km, cách sân bay Cam Ranh 60 km, cách thành phố Nha Trang 105 km và cách thành phố Đà Lạt 110 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và liên vùng.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tinh-ninh-thuan-trai-tham-do-moi-goi-dau-tu.htm