Tình quân dân như viên ngọc góp phần tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Sự tin cậy của người dân không chỉ từ trong hành động, cử chỉ việc làm của người lính cách mạng mà ấn tượng từ hình thức, trang phục bên ngoài và đặc biệt là tác phong, phong cách ứng xử giản dị, chân thành, thủy chung, chí nghĩa, chí tình của bộ đội.
1. "Bộ đội Cụ Hồ", tên gọi trìu mến ra đời từ những năm tháng đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã được nhân dân ghi nhận. Theo thời gian, những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng, đi vào đời sống xã hội và kết tinh nâng tầm trở thành văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, trong đó chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc, sự hòa quyện giữa tính truyền thống và tính hiện đại. Đây cũng là nét đẹp tinh thần của con người Việt Nam, của Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh, cống hiến.
Kể từ khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, chỉ có mấy chục người với vũ khí ít ỏi, thô sơ, trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giáo dục, rèn luyện, Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, trở thành lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần làm rạng rỡ, vẻ vang cho Tổ quốc.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản, nội sinh là Quân đội ta được xây dựng trên nền tảng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là một hệ thống chuẩn mực, giá trị nhân cách của người quân nhân cách mạng. Cũng từ đó, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội được nhân dân dành trọn niềm tin yêu đặc biệt cả trong thời chiến và thời bình.
Trong đám đông, nhìn thấy người vận quân phục, đội mũ có gắn ngôi sao vàng 5 cánh, tác phong chững chạc, người dân biết đấy là người mình đáng tin cậy. Thời chiến tranh, trên đường dài trong đêm tối, kẻ đi một mình hay sợ sệt, hãi hùng, bỗng gặp một đoàn bộ đội hành quân đi tới, anh ta cảm giác như có chỗ dựa, niềm tin vững bước đi lên.
Sự tin cậy của người dân không chỉ từ trong hành động, cử chỉ, việc làm của người lính cách mạng mà ấn tượng từ hình thức, trang phục bên ngoài và đặc biệt là tác phong, phong cách ứng xử giản dị, chân thành, thủy chung, chí nghĩa, chí tình của bộ đội.
2. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới có đội quân đánh thuê, họ chiến đấu chủ yếu vì lợi ích của giai cấp thống trị. Quân đội cách mạng Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân mà chiến đấu, hy sinh, cống hiến. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, họ tình nguyện tòng quân ra trận. Trên chiến trường, giữa bom rơi đạn nổ, nhưng phía sau là xóm làng, nơi có những mẹ già, em nhỏ, người thân yêu mong ngóng dõi theo. Những nơi anh bộ đội đi qua luôn nhận được vòng tay ấm áp của người dân che chở, đùm bọc.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết dân-binh, tạo nên sức mạnh vô địch. Nhà Trần 3 lần chống giặc Mông-Nguyên thế kỷ 13 từng có sách lược thân dân. Hội nghị Diên Hồng là biểu tượng sáng ngời về ý chí đoàn kết dân-binh, huy động sức mạnh vô địch của nhân dân để chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sự đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân được nâng lên tầm cao mới là đại đoàn kết dân tộc. Dân hăng hái tăng gia sản xuất lấy thóc gạo nuôi quân, dân tự nguyện chở che bộ đội khi giặc càn quét săn lùng, dân nhiệt tình mở đường cho quân đi... Đó là biểu hiện sinh động của tình quân dân cá nước, là cội nguồn để tạo nên sức mạnh thần kỳ của Quân đội ta.
Tình cảm gắn bó máu thịt quân dân cũng là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời: “Các anh đi/ Ngày ấy đã lâu rồi/ Xóm làng tôi còn nhớ mãi/ Các anh đi/ Bao giờ trở lại/ Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong” (“Bao giờ trở lại”-Hoàng Trung Thông).
Có lẽ hiếm có quân đội nào mà người dân lại dành tình cảm ưu ái lớn lao như nhân dân Việt Nam dành cho Quân đội cách mạng của mình. Tình cảm quân dân bền chặt, thủy chung, no đói cùng nhau, sướng khổ có nhau đã trở thành tình cảm vô tư, trong trẻo, tuyệt đẹp: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/ Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/ Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo/ Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo/ Người mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương” (“Tấm áo mẹ vá năm xưa”-Nguyễn Văn Tý).
3. Cũng chẳng có gì làm lạ khi người lính cách mạng tri ân, kính trọng nhân dân như cha mẹ, người thân yêu của mình, vì vậy, họ đã tự nguyện chiến đấu, hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Không chỉ trong chiến tranh mà trong những lúc đất nước khó khăn, hình ảnh người lính vì dân càng tỏa sáng.
Trong những tháng ngày cả nước chống đại dịch Covid-19, đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ chẳng quản nguy hiểm để sát cánh cùng nhân dân “chống dịch như chống giặc”. Những trận lũ quét, sạt lở ở miền Trung, đã có hàng trăm chiến sĩ dầm mưa, vượt lũ lụt đi tìm người dân, cứu hộ, cứu nạn và có những chiến sĩ đã hy sinh trong lúc cứu giúp nhân dân.
Hầu như tất cả lĩnh vực trong đời sống, từ làm công tác dân vận, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đến xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội ở nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... đều có công góp sức của bộ đội. Tôi từng đến một bản người Dao ở huyện biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, được chứng kiến những câu chuyện cảm động. Các anh bộ đội sống ở đây đã nhiều năm gian khổ mà vẫn tự nguyện bỏ nhiều công sức, tiền của để giúp dân làm đường bê tông, xây trạm xá, trường học, kéo điện lưới về từng bản làng, thắp lên ánh sáng văn minh miền biên viễn. Bộ đội còn hướng dẫn dân cách trồng cây ăn quả ngắn hạn và trồng các loại cây lâu năm như thông, hồi, quế, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ hủ tục bao đời của cư dân bản địa. Nhờ đó, người dân biết kết hợp giữa phát triển kinh tế với nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Vì vậy, có thể nói rằng, tình đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân lung linh như viên ngọc, góp phần làm tỏa sáng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ.
Trong thời bình, cán bộ, chiến sĩ Quân đội càng phải thấm thía bài học “dân làm gốc”, vì đó là chân lý và cũng là đạo lý. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được xây đắp nên từ tinh thần chiến đấu dũng cảm không ngại hy sinh, gian khổ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Bác Hồ rèn luyện và được sự đùm bọc, thương yêu của nhân dân. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ phải luôn trân trọng, giữ gìn, phát huy giá trị đó để nâng tầm trở thành di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nghệ sĩ Ưu tú KHÚC HÀ LINH (nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương)