Tình quân dân ở A Vao

Trong những năm qua, Đồn Biên phòng A Vao, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua đó, đơn vị đã xây dựng được mối quan hệ quân dân bền chặt, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN, xây dựng biên giới vững mạnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao phối hợp với Tổ bảo vệ, phòng chống cháy rừng thôn Pa Lin tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn - Ảnh: Đ.V

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao phối hợp với Tổ bảo vệ, phòng chống cháy rừng thôn Pa Lin tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn - Ảnh: Đ.V

Thôn Pa Lin, xã A Vao, huyện Đakrông, có 99% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, đời sống của bà con vô cùng khó khăn do chủ yếu dựa vào nương rẫy với phương thức canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa” lạc hậu, chăn nuôi thả rông. Cái nghèo, cái đói cứ bám riết dân bản, nhất là vào mỗi mùa giáp hạt. Đóng chân trên địa bàn biên giới, vì thế những chuyến đi về với bà con dân bản từ lâu đã trở thành công việc thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao.

Từ ngày có BĐBP về với bản tuyên truyền, vận động thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng, cuộc sống của người dân nơi đây đã từng bước đổi thay. Bà con đã biết khai hoang phục hóa đất đai, xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết như mô hình “Trồng cây chuối lùn”, nuôi “Đàn dê giống”, đồng thời xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung đem lại hiệu quả kinh tế. Nhờ thế, cuộc sống của dân bản ngày càng ổn định và khấm khá hơn.

Bí thư Chi đoàn thôn Pa Lin, xã A Vao, huyện Đakrông Hồ Văn Mão phấn chấn cho biết: “Trước đây, dân bản chưa xây dựng được mô hình phát triển kinh tế nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao nên hiện tại đã triển khai thí điểm mô hình trồng gần 2.000 gốc chuối lùn trên diện tích 1,3 ha tại thôn Pa Lin.

Mô hình có tổng kinh phí 30 triệu đồng, trong đó Đồn Biên phòng A Vao kêu gọi, huy động được 20 triệu đồng và Xã đoàn A Vao vận động, hỗ trợ 10 triệu đồng.

Bước đầu mô hình đạt hiệu quả khả quan và mang đến kỳ vọng tốt đẹp cho người dân nơi đây, góp phần thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã có việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống, đảm bảo sinh kế lâu dài.

Đồng thời mô hình này sẽ được đoàn viên thanh niên thôn Pa Lin phối hợp với Đồn Biên phòng A Vao, chính quyền địa phương nhân rộng ra từng hộ gia đình và các địa phương khác trong thời gian tới”.

Để tăng cường mối quan hệ mật thiết quân dân, kịp thời nắm bắt tình hình địa bàn, Đồn Biên phòng A Vao đã cử cán bộ, chiến sĩ phụ trách theo từng địa bàn thôn, bản nắm bắt tình hình thực tế đời sống của bà con tại cơ sở.

Từ đó cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã tham mưu, kịp thời bố trí, hỗ trợ ngày công, cây con giống, kiến thức khoa học kỹ thuật giúp người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo để vươn lên. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên về tận thôn bản để hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” và động viên bà con tích cực lao động sản xuất để ổn định cuộc sống.

Trên lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa, Đồn Biên phòng A Vao xác định luôn bám cơ sở, lồng ghép tuyên truyền, vận động để đem lại hiệu quả cao. Điển hình là cách phối hợp chặt chẽ với các trường học trên địa bàn xã xây dựng mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng với tiết học biên giới” để lồng ghép tuyên truyền Luật Biên phòng, giáo dục về chủ quyền quốc gia.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Vao, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn công tác, đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; phát huy tốt vai trò của đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt tại thôn, bản và vai trò của cán bộ địa bàn, nhất là nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn để củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

“Bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả từ các mô hình trên địa bàn được chính quyền và Nhân dân đánh giá cao. Đơn vị thường xuyên phân công cán bộ phụ trách từng mô hình, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn trong thực hiện các mô hình, chủ động bổ sung các nội dung, cách làm mới, sáng tạo đưa vào hoạt động; cung cấp nguồn giống cây trồng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô diện tích và tìm đầu ra cho sản phẩm. Những phần việc thiết thực trên cũng đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong tình hình mới”, Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh chia sẻ.

Đối với bà con dân bản xã A Vao, hình ảnh người lính biên phòng ngày càng trở nên thân thiết như người thân quen. Có thể khẳng định, hiệu quả từ công tác dân vận đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng mối đoàn kết quân dân bền chặt.

Có được sự đồng thuận của bà con dân bản, hiệu quả công tác phối hợp giữa đơn vị với chính quyền và Nhân dân ngày càng đạt kết quả cao hơn, từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng xã vùng biên A Vao ngày càng khởi sắc.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/tinh-quan-dan-o-a-vao/182101.htm