Tỉnh Quảng Ninh: Phát huy hiệu quả Chương trình OCOP nhờ chu trình thường niên
Để triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã luôn chú trọng đến việc thực hiện chu trình OCOP thường niên.
Bám sát chu trình OCOP thường niên
Chu trình OCOP được tỉnh Quảng Ninh xác định gồm 6 bước: Thông tin tuyên truyền- Đề xuất ý tưởng sản phẩm- Lập kế hoạch sản xuất kinh doanh- Triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh- Thi đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp huyện và cấp tỉnh- Hoạt động xúc tiến thương mại...
Trước hết, để có thể tuyên truyền đến người dân thì đội ngũ cán bộ các cấp phải có nhận thức đúng về chương trình, do đó ngay khi đề án mỗi xã, phường một sản phẩm được phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai đến các phòng, ban, tổ chức kinh tế trên địa bàn cấp huyện.
Đồng thời, tuyên truyền thông qua các hội thảo, tập huấn sâu cho cán bộ, doanh nghiệp và người dân về chu trình OCOP. Hay thông qua các mô hình, điển hình thành công trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chương trình OCOP.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá còn được triển khai thông qua các Hội chợ OCOP thường niên, các lễ hội lớn của các địa phương như: Lễ Hội hoa anh đào- Mai vàng Yên Tử, Lễ hội hoa sở Bình Liêu, Lễ hội Trà hoa vàng, Lễ hội Đền cửa Ông; Lễ hội chè Hải Hà...
Sau khi được tuyên truyền và hiểu về Chương trình OCOP, cộng đồng khởi đầu chu trình bằng việc đăng ký tham gia Chương trình OCOP và thông qua sự khảo sát đánh giá của Ban Xây dựng nông thôn mới, cùng các đơn vị liên quan. Các đơn vị sản xuất có sản phẩm được chọn sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch kinh doanh và huấn luyện với các nội dung thiết thực gắn với quá trình sản xuất.
Điểm mới trong trong các cuộc đánh giá, xếp hạng là từ năm 2021 tỉnh Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm chấm điểm phục vụ Hội đồng đánh giá chấm điểm chính xác, khách quan, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức và tạo thuận lợi cho công tác quản lý hồ sơ, tài liệu khi cần tra cứu...
Theo lãnh đạo Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh, có thể nói hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong giai đoạn vừa qua được xem là bước đột phá mới, là giải pháp có tính quyết định đến sự thành công của Chương trình OCOP. Trong nền kinh tế thị trường, mục đích của các nhà sản xuất là sản xuất ra hàng hóa để bán, để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vì thế mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải gắn với thị trường. Từ nhận thức đó ngay từ năm 2015 tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tổ chức Hội chợ OCOP thường niên để thay thế cho các hội chợ thương mại.
Hội chợ OCOP Quảng Ninh khẳng định là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng có tác dụng quảng bá hình ảnh sản phẩm OCOP ra thị trường; là nơi để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ thường xuyên; đồng thời là một sản phẩm phục vụ du khách đến với Quảng Ninh. Ngoài ra tỉnh còn tổ chức các tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại Trung tâm thương mại BigC Hạ Long, BigC Thăng Long Hà Nội, khu du lịch SunWord Bãi Cháy...
Bên cạnh việc tổ chức thành công các Hội chợ, tỉnh cũng quan tâm phát triển mạng lưới các Trung tâm và điểm bán sản phẩm OCOP tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã hình thành 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Các điểm bán hàng OCOP đã có tác dụng quảng bá giới thiệu và tiêu thụ lượng lớn hàng hóa cho người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Công tác quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên hệ thống thương mại điện tử cũng được được quan tâm. Việc kết nối sản phẩm OCOP vào các chuỗi bán lẻ trong cả nước ngày càng tăng về sản lượng và giá trị. Đã có 38 sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại hệ thống BigC Việt Nam, MM Mega Market, Vinmart+...
Chu trình thường niên giúp phát triển sản phẩm OCOP
Nhờ triển khai có hiệu quả Chu trình OCOP thường niên nên Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cùng với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời cũng phát huy được các tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương; tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn, tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Chương trình cũng có tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân và thương hiệu OCOP từng bước trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.
Cụ thể, đến nay Quảng Ninh đã phát triển 499 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP, trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh; 3 sản phẩm hạng 5 sao Trung ương. Hiện đã có 279 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn được quảng bá, giới thiệu và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh; ngoài ra trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn đã đăng tải 177/267 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên lên sàn. Toàn tỉnh có 189 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP (trong đó có 52 doanh nghiệp, 72 hợp tác xã, 65 hộ sản xuất), tạo giá trị doanh thu từ chương trình OCOP đạt 400-500 tỉ đồng/năm.
Bà Lê Thị Thêm, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Hoàng Anh - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, phát triển thương hiệu, chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chí OCOP cho rằng, hội nhập kinh tế là xu hướng tất yếu trong thời đại hiện nay, các Hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất nhập khẩu ngày càng giảm và có những nước thuế xuất nhập khẩu 0%, tạo cơ hội và cũng tạo sức ép vô cùng lớn đối với hàng hóa trong nước. Vì vậy, muốn hội nhập thành công, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, mỗi doanh nghiệp, chủ thể sản xuất cần tập trung xây dựng cho mình hình ảnh và chiến lược phát triển thương hiệu bền vững.
Với chiến lược hiệu quả, các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh ngày càng đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn được người tiêu dùng đón nhận; cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia OCOP ngày càng có bước trưởng thành và phát triển. Chương trình OCOP thực sự đã trở thành người bạn đồng hành nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.