Tĩnh tâm - một đôi nét
Sống trong gia đình, trong những mối quan hệ với xã hội, với cộng đồng, mỗi người có khi bị chi phối bởi những tình huống khác nhau. Giữa những tình huống bất ngờ, người ta thường có những phản ứng đáp lại một cách tự nhiên. Và trong số những phản ứng ấy, không phải phản ứng nào cũng là sáng suốt.
Tiếp xúc với những người bạn, được nghe bạn chia sẻ, quan sát từ thực tế cuộc sống, lúc lại là sự trải nghiệm, người viết có cảm nhận đôi nét về sự tĩnh tâm. Trạng thái tĩnh tâm thật sự cần đối với mỗi người. Tâm có bình yên, người ta sẽ suy nghĩ thấu đáo hơn. Tâm bình yên, cảm xúc của mỗi người dễ giữ được trạng thái cân bằng, không quá bộc phát, không quá giận dữ.
Ảnh minh họa.
Anh bạn tôi kể: Nhà anh ở, chếch phía bên kia đường, một gia đình mở karaoke hát vang lối xóm. Người ở gần nhà anh, đối chính diện nhà người hát, sang nói để gia đình người hát vặn nhỏ bớt âm thanh. Người trong cuộc hát không nói gì, nhưng khi người nhắc quay về nhà, thì chiếc loa phát nhạc đã được tăng âm thanh lớn hơn. Lúc này, người nhắc nhở rất bực bội, nhưng lại kiềm nén được, không nói nữa. Có lẽ, người nhắc nhở hiểu rằng, nếu lúc ấy họ không bình tâm, thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.
Một đêm mưa. Người khách xuống xe bus, chờ ở trạm, gọi điện cho xe taxi để về nhà. Trạm xe bus, cách nhà người khách không xa lắm, nhưng vì trời mưa, không tiện đi về. Taxi đến đón người khách về nhà. Tiền chuyến taxi được người khách trả theo giá của đồng hồ. Người khách đi xe có việc không vui của gia đình, không còn tâm trí để nghĩ mình phải gởi thêm cho người tài xế taxi. Qua lúc ấy rồi, người khách đi taxi mới bình tâm, cảm thấy trong lòng ray rứt, bởi thời điểm ấy, trời mưa. Rõ ràng, khi có việc phải lo nghĩ, không được tĩnh tâm, người khách không còn thật sự sáng suốt, dẫn đến việc trả tiền đúng theo giá cả kinh doanh nhưng có chút gì đó thiếu tình cảm.
Sáng sớm, chị hàng cá vừa mới dọn ra. Có người khách trờ xe tới, hỏi mớ cá được bày bán. Nghe người bán nói giá, người hỏi cá không trả một tiếng nào, đánh xe chạy đi luôn. Chị hàng cá hết sức bực mình. Bởi chị rất kỵ điều: sáng, mới dọn hàng ra, người hỏi mua không trả một tiếng nào, đã bỏ đi. Chị nén nỗi bực tức xuống, tĩnh tâm để không bật ra những lời lẽ không hay.
Trong một buổi gặp gỡ của những người bạn, khi đã có hơi men, người bạn đã có những lời lẽ xúc phạm người đối ẩm với mình. Điều ấy gây tổn thương trong lòng người đón nhận những lời lẽ ấy. Người đối ẩm đau đớn vô cùng, dù chỉ là những lời nói. Song, tĩnh tâm, người bạn đối ẩm nén lại những cảm xúc giận dữ của bản thân. Nhẫn nhịn trong trường hợp này, phần thiệt thòi, người đối ẩm phải chịu.
Chồng giận vợ vì một vài chuyện, đôi câu nói không vừa ý. Thay vì lời qua tiếng lại, đập đồ đập đạc, ông chỉ lặng lẽ thay quần áo, dắt xe ra khỏi nhà. Ông đi một vòng ra công viên, tìm ly nước mát để uống. Hạ hỏa rồi, ông lại đạp xe về.
Xã hội có biết bao trạng huống, gây những điều bất ngờ cho những người phải đối mặt hàng ngày. Trước những điều bất ngờ ấy, có người đã nén cảm xúc của mình thành những vui buồn nhẹ nhàng hơn. Có tĩnh tâm, người ta sẽ không phản ứng lại quá gay gắt trước những tình huống xảy đến không vui với mình.
Tâm của mọi người rất cần sự an yên. Một làn gió mát để cơ thể con người thư thái, lòng sẽ thấy dễ chịu. Màu nước biếc xanh của biển cả hiền hòa cũng có lúc làm dịu bớt cơn nóng giận của con người. Một chậu hoa với những cánh hoa chỉ vài màu tươi thắm giữa những nhành lá rung rinh cũng giúp lòng người thấy vui hơn, tâm thấy bình yên hơn. Một cử chỉ thân ái, một vài câu chia sẻ chân thành của người bạn, đúng lúc, đúng hoàn cảnh có khi giúp người bạn, lòng đang rối bời, bỗng dịu lại nhanh.
Người ta tìm yên tĩnh trong tâm để bớt những cư xử quá đà. Và có lẽ, tâm bình yên sẽ giúp cho con người có thêm năng lượng tích cực, để giải quyết mọi việc nhẹ nhàng, hiệu quả.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tinh-tam-mot-doi-net-105962.html