Tỉnh táo đọc quảng cáo: Bí quyết làm quảng cáo 'sạch' tránh phân biệt giới tính
Theo Oxfam, tại Việt Nam, những thông điệp quảng cáo mang tính phân biệt giới tính (sexist advertising) ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam, bà Nguyễn Vân Anh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình- phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) từng cho rằng, để cải thiện tình hình bình đẳng giới thì không thể không cải thiện nhạy cảm giới trong quảng cáo. Sự nhạy cảm giới trong truyền thông và trong lĩnh vực quảng cáo hiện nay là vấn đề bị bỏ qua. Và quảng cáo đang góp phần khẳng định định kiến phân biệt giới tính đã trở lên lỗi thời.
Bản thân mỗi sản phẩm quảng cáo vốn truyền đi những thông điệp khá mạnh ra cộng đồng. Theo Oxfam thì tại Việt Nam, những thông điệp quảng cáo mang tính phân biệt giới tính (sexist advertising) ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Chỉ cần dành ra ít phút để tìm kiếm trên Google thì sẽ dễ dàng thấy những đoạn TVC nhấn mạnh vai trò giới, mô tả người phụ nữ tất tả vừa đi làm về là lao vào bếp, lau lau dọn dọn, trong khi chồng về nhà thì nhà cửa đã sạch sẽ, cơm canh dọn sẵn.
Hay là những chiến dịch truyền thông gián tiếp thúc đẩy thông điệp về vật thể hóa cơ thể, đưa hình ảnh gợi cảm của phụ nữ lên chỉ để thu hút sự quan tâm của công chúng tới sản phẩm cần bán.
Thậm chí là những quảng cáo bình thường hóa những hành động quấy rối tình dục chỉ để gây sốc và tạo ấn tượng với người xem.
Nhận thấy những ảnh hưởng khôn lường của quảng cáo, đặc biệt là những sản phẩm mang thông điệp phân biệt giới tính, Wequal, dưới sự tài trợ của Oxfam và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã thực hiện dự án Tỉnh táo đọc quảng cáo.
Mục tiêu nhắm tới của dự án là nâng cao nhận thức cộng đồng về sự hiện diện của các thông điệp mang khuôn mẫu, định kiến giới đang tồn tại trong xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau.
Một Thế Giới đăng lại ‘’bí kíp” làm quảng cáo “sạch bóng" phân biệt giới tính mà dự án nói trên đã thực hiện, nhằm truyền những thông điệp đẹp này đến cộng đồng:
Chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020 là “rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống hai lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020”. Trong khi đó, Luật Bình đẳng giới có nêu rõ nghiêm cấm các hành vi: “Sáng tác, lưu hành, cho phép xuất bản các tác phẩm dưới bất kỳ thể loại và hình thức nào để cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới”. Thế nhưng nhiều quảng cáo hiện nay đang đi ngược lại với quan điểm bình đẳng giới của Chính phủ, góp phần củng cố định kiến giới và kéo lùi sự tiến bộ của xã hội.
A.T.T theo Oxfam, Wequal