Tỉnh táo nhận diện thông tin lừa đảo, sai sự thật về mưa lũ

Mấy ngày qua, thống kê cho thấy có hàng chục nghìn thông tin báo chí, mạng xã hội phản ánh diễn biến tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh thông tin tích cực, vẫn có hàng nghìn thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu chính xác, sai sự thật gây hoang mang dự luận. Do đó, người dân cần tỉnh táo nhận diện, không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng về mưa lũ, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội.

Lực lượng chức năng đưa người dân đến nơi an toàn.

Lực lượng chức năng đưa người dân đến nơi an toàn.

Hiện nay, mực nước sông Cầu đoạn khu vực Gia Bẩy đã xuống thấp, trên địa bàn TP. Thái Nguyên cơ bản nước đã rút hết. Để kịp thời khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử này, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo tất cả các lực lượng từ tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đồng loạt ra quân. Đến chiều 12-9, nhiều địa điểm bị ngập úng mấy ngày qua đã được dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp từng bước trở lại bình thường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày xảy ra mưa lũ, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tích cực, chủ động và kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng cứu, khắc phục với phương châm “tính mạng con người là trên hết”, đồng thời giảm thiểu triệt để thiệt hại tài sản của nhân dân cũng như của Nhà nước.

Nhiều tấm gương trong lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên, người dân… đã đắm mình trong nước lũ để đưa nhân dân, cũng như tài sản đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, các tầng lớp nhân dân cũng đã thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai của các cấp chính quyền; đồng thuận, nghiêm túc chấp hành những chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác ứng cứu, khắc phục thiên tai.

Lực lượng chức năng sử dụng xuồng cứu hộ người dân ra khỏi khu vực ngập nước.

Lực lượng chức năng sử dụng xuồng cứu hộ người dân ra khỏi khu vực ngập nước.

Công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đoàn thể, trong đó có các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh cũng như của Trung ương. Việc đưa tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác về diễn biến mưa lũ, những chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương đã góp phần quan trọng để nhân dân tiếp cận được những luồng tin chính thống, ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.

Theo thống kê, trong những ngày xảy ra mưa lũ đến nay, có khoảng 28.000 thông tin của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, thông tin trên mạng xã hội đưa về diễn biến và tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực thì có khoảng 3.000 thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin chưa chính xác, sai sự thật gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh rất cảm ơn sự đồng thuận, sẻ chia những khó khăn trong công tác ứng phó thiên tai của các tầng lớp nhân dân, đồng thời khuyến cáo người dân không chủ quan, cần chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, tuân thủ hướng dẫn, chỉ đạo của các lực lượng chức năng. Chính quyền các cấp của tỉnh đã lập “đường dây nóng” phòng, chống thiên tai, tiếp nhận kịp thời thông tin cần hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn của người dân.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động nắm bắt, nhận diện rõ các chiêu trò lợi dụng tình hình mưa bão để lừa đảo trên không gian mạng. Đồng thời đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật liên quan đến lụt bão.

Các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, gây hoang mang dư luận xã hội sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt nghiêm theo quy định.

P.V

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/theo-dong-thoi-su/202409/tinh-tao-nhan-dien-thong-tin-lua-dao-sai-su-that-ve-mua-lu-dad1316/