Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc Nghị định 168 - Bài 2: Đập tan thủ đoạn của thế lực thù địch

Sau khi Nghị định 168 được thực thi, ý thức tham gia giao thông của người dân đã có những chuyển biến tích cực, văn hóa tham gia giao thông dần định nét…

Hiệu quả tức thì này cho thấy việc nâng chế tài xử phạt trong lĩnh vực giao thông lên là hoàn toàn đúng đắn; đập tan những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động, thành phần bất mãn, cơ hội chính trị.

Định nét văn hóa tham gia giao thông

Văn hóa giao thông là một hệ thống tổng hòa các quy chuẩn về mặt đạo đức, ý thức tự giác có vai trò chi phối và điều tiết toàn bộ quá trình tham gia giao thông của cá nhân và cộng đồng. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: "Xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông là một quá trình lâu dài, đòi hỏi có sự kết hợp nhiều điều kiện, nhiều yếu tố chủ quan và khách quan với nhau. Khi đã xây dựng và hoàn thiện văn hóa giao thông, nó sẽ trở thành biện pháp hữu hiệu nhất trong việc đảm bảo trật tự và an toàn giao thông”.

Tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,... nhiều năm qua, văn hóa tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân chưa cao, khi tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, lấn làn… diễn ra phổ biến tới nỗi nhiều người xem đó là…. bình thường.

Trong nhiều bài báo hay các chương trình truyền hình, tiểu phẩm hài kịch ngắn, người ta đã châm biếm văn hóa tham gia giao thông của người Việt theo kiểu “điền vào chỗ trống” - tức không theo bất cứ một quy định nào, cứ đâu trống là đi vào, từ vỉa hè, làn đường cấm, làn đường cho xe ưu tiên, hay xe buýt.

Mọi người dân tham gia giao thông tại các tuyến đường Hà Nội đã nâng cao ý thức chấp hành. Ảnh: Nguyễn Đức

Mọi người dân tham gia giao thông tại các tuyến đường Hà Nội đã nâng cao ý thức chấp hành. Ảnh: Nguyễn Đức

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an xác định, việc không chấp hành quy định khi tham gia thao thông là nguyên chính dẫn tới hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Cụ thể, theo Cục Cảnh sát giao thông, chỉ riêng năm 2024 toàn quốc xảy ra 21.532 vụ tai TNGT đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người, trong đó, có 23 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường bộ, làm chết 76 người, bị thương 17 người; năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người…

Không chỉ thiệt hại về người, số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới còn cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam, tai nạn giao thông gây thiệt hại khoảng 2,9% GDP, tương đương mỗi ngày chúng ta mất khoảng 400 tỷ đồng.

Xuất phát từ thực tế trên và để dần định nét văn hóa giao thông, mục tiêu hướng tới giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông, để người dân ra đường an toàn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 168, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm trong giấy phép lái xe (Nghị định 168), chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Sau thời gian ngắn Nghị định 168 có hiệu lực, văn hóa tham gia giao thông tại Việt Nam đã dần định nét, ý thức tham gia giao thông của người dân đã nâng lên đáng kể. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… rất hiếm chúng ta còn thấy người dân điều khiển phương tiện đi lên vỉa hè, hay vượt đèn đỏ.

Ngày 19/1/2025, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (Hà Nội), tình trạng người dân vượt đèn đỏ hiện đã không còn. Trước đó, trong một phóng sự được đăng tải vào đầu tháng 12/2024, Báo Dân trí cho biết, có tới 164 phương tiện vượt đèn đỏ chỉ trong vòng 2 phút.

Tại nhiều tuyến phố khác như Trần Duy Hưng, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Cầu Giấy (Hà Nội); đường Phan Đăng Lưu, Nguyễn Xí, Điện Biên Phủ (TP. Hồ Chí Minh),... ý thức tham gia giao thông của người dân đã có chuyển biến rõ rệt, dù vào giờ cao điểm, tình trạng vượt đèn đỏ, chạy xe lên vỉa hè… đã không còn phổ biến như trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chị Hà Thị Thu (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) đánh giá: Từ khi có Nghị định 168, tôi thấy tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các tuyến đường giao cắt, thường xuyên bị ách tắc.

“Bản thân tôi và mọi người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát. Mỗi người dân đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông”, chị Hà Thị Thu chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Đào Mạnh Hải, xe ôm công nghệ tại (Hà Nội) cho biết: “Thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của khách hàng ngày càng nhiều. Từ khi thực hiện Nghị định 168, tôi và nhiều anh em xe ôm công nghệ khác thấy nhẹ nhõm bởi đã giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm, ý thức người dân cũng thực hiện tốt hơn, xe đi có hàng lối, tiết kiệm được khá nhiều thời gian để giải quyết công việc hiệu quả hơn”.

Những chuyển biến tích cực từ khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành không chỉ được thể hiện, đánh giá từ cảm quan, mà còn từ những con số thực tế. Thống kê của Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho thấy, trong nửa tháng thực hiện Nghị định 168 (từ ngày 1/1/2025 đến ngày 14/1/2025), lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm TTATGT; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 mô tô; 12.691 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm.

“Sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (giảm 34,27%, giảm 47 người chết (giảm 11,41%), giảm 426 người bị thương ( giảm 34,24%)”, Cục Cảnh sát giao thông thông tin.

Vạch trần thủ đoạn của thế lực thù địch

Sau khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành, trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, như việc một số lái xe bất mãn đã cắt bằng lái xe, tuyên bố bỏ nghề vì mức xử phạt vi phạm quá cao.

Chẳng hạn như ngày 4/1/2025, tài khoản TikTok có tên “Nguyễn ven 088 Cà Mau” chia sẻ đoạn video cắt giấy phép lái xe ô tô, cùng dòng trạng thái: “Tài xế cực khổ, lương không đủ mua sữa cho con, tiền phạt thì một năm làm chưa đủ. Thôi bỏ nghề vào công ty làm cho khỏe…”. Sau ít ngày chia sẻ, tới nay đoạn video này đã thu hút hơn 1,7 triệu lượt xem, hơn 32,2 nghìn lượt thích.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ một chút, thì giấy phép lái xe này là giấy phép đã hết hạn, bị cắt góc, thu hồi lại trong quá trình cấp đổi giấy phép lái xe. Cụ thể, giấy phép lái xe này đã hết hạn sử dụng từ ngày 2/10/2023. Do đó, thông tin này là hoàn toàn sai sự thật.

Đường thông thoáng, tạo nét đẹp văn hóa giao thông khi các người tham gia điều khiển phương tiện có ý thức nhường đường, đi đúng làn đường quy định. Ảnh: Nguyễn Đức

Đường thông thoáng, tạo nét đẹp văn hóa giao thông khi các người tham gia điều khiển phương tiện có ý thức nhường đường, đi đúng làn đường quy định. Ảnh: Nguyễn Đức

Trước đó, ngày 16/1/2025, Công an TP. Hà Nội cũng đã xử lý một trường hợp đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc về Nghị định 168. Đó là Đặng Hoàng Hà (sinh năm 1973, ở Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội). Theo Công an TP. Hà Nội, đầu năm 2025, Đặng Hoàng Hà đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải các hình ảnh, video có nội dung thông tin sai lệch liên quan Nghị định 168 nhằm kích động, gây bất ổn xã hội.

“Tại cơ quan công an, bước đầu, Hà thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, gỡ toàn bộ nội dung đăng tải, hứa không tái phạm. Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính đối với Đặng Hoàng Hà”, Công an TP. Hà Nội cho biết.

Đáng chú ý, lợi dụng tình hình trên, các trang mạng của tổ chức phản động như Việt Tân, Nhật ký yêu nước hay trang cá nhân của số chống đối chính trị đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền thông tin sai lệch. Điển hình như ngày 19/1/2025, trên trang Facebook của tổ chức Việt Tân có bài viết rằng “Nghị định 168 là một chuỗi liên hoàn để móc túi dân và rút ruột ngân sách. Tay trái bắt dân nộp phạt đắt tầm nhất thế giới. Tay phải đề xuất chi ngân sách 1.900 tỷ đồng chỉ để thay biển hiệu được rẽ phải”.

Trên một số diễn đàn mạng xã hội, các đối tượng cố tình bóp méo nội dung Nghị định 168, cho rằng việc tăng mức xử phạt giao thông chỉ là công cụ để “tận thu ngân sách” hoặc “làm lợi cho lực lượng công an”...

Một số bình luận chỉ trích, việc tăng mức phạt là “tận thu”, “bóc lột”, xuyên tạc việc các cột đèn giao thông bị lỗi là “cố ý để giăng bẫy thu tiền”, cho rằng Nhà nước đang tạo ra những màn kịch để đẩy người dân vào tình thế vi phạm, buộc phải nộp tiền.

Các đối tượng dựng lên kịch bản thiếu cơ sở để bào chữa cho tình trạng “nhờn luật”, thiếu ý thức trong khi tham gia giao thông như người dân chỉ vô tình vượt đèn đỏ trong tình huống khẩn cấp, tránh đường cho xe cứu thương cũng bị phạt nặng... Nhiều bình luận hướng lái từ việc tăng mức phạt theo Nghị định 168 đến chỉ trích chế độ, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, kích động mâu thuẫn, chống đối trong xã hội.

Thực tế đã chứng minh, Nghị định 168 sau khi đưa vào thực thi đã mang lại những hiệu quả tức thì như dẫn chứng ở trên, đó là tai nạn giao thông đã giảm ở cả 3 tiêu chí, ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao, không còn tình trạng lấn làn, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè…; giảm thiểu thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an khẳng định: “Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông”.

Đối với thông tin Bộ Giao thông vận tải duyệt chi 1.900 tỷ đồng để lắp 10.000 biển báo như tổ chức khủng bố Việt Tân đăng tải, đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Trên các trang báo chính thống không đề có thông tin này, và ngay khi có người dùng mạng xã hội chất vấn, tổ chức khủng bố Việt Tân cũng không dẫn chứng được các tài liệu, văn bản, thông tin về việc Bộ Giao thông vận tải duyệt chi 1.900 tỷ đồng để lắp 10.000 biển báo.

Liên quan vấn đề những cột đèn tín hiệu giao thông bị lỗi, có hiện tượng “đang xanh bỗng dưng chuyển sang đỏ”, nhiều người lo ngại người đi đường có thể bị phạt oan. Giải đáp thắc mắc trên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, lỗi vi phạm do “nhảy đèn” sẽ không bị xử phạt. Theo Cục Cảnh sát giao thông nguyên nhân của tình trạng trên là do một số đèn tín hiệu giao thông thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày.

Để khắc phục tình trạng này, Cục Cục Cảnh sát giao thông đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát sửa chữa đèn tín hiệu, kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ. Người dân sẽ không bị phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này. Khi lập biên bản xử phạt, lực lượng phụ trách đèn tín hiệu sẽ phối hợp với Cảnh sát giao thông tại chốt, trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của người điều khiển xe, cho xem trực tiếp diễn biến hành vi vi phạm và tín hiệu đèn thời điểm đó…

Vì vậy, mọi người dân cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật từ các tổ chức phản động, các phần tử chống đối, bất mãn chính trị. Việc tăng mạnh mức phạt mới đầu có thể còn gây những phân tâm, băn khoăn của một bộ phận người dân, song đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ chính cuộc sống, tính mạng, sức khỏe và tài sản của mỗi người. Không nên để tác động của các luận điệu sai trái làm ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội.

Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-tao-truoc-luan-dieu-xuyen-tac-nghi-dinh-168-bai-2-dap-tan-thu-doan-cua-the-luc-thu-dich-370230.html