Tỉnh Tây Ninh mới sau sáp nhập: Phát huy ưu điểm, lợi thế
Sau khi sáp nhập tỉnh Tây Ninh sẽ phát huy ưu điểm, mở rộng không gian phát triển, phát huy các lợi thế thu hút đầu tư kinh tế, xã hội…
Ngày 28-4, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề) với sự tham dự của 44/48 đại biểu HĐND tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì kỳ họp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc và tân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Đoàn Trung Kiên tham dự kỳ họp
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Tây Ninh đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh Tây Ninh (trên cơ sở hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An), các đại biểu thống nhất phương án sắp xếp.
Sau sắp xếp, tỉnh Tây Ninh (mới) có diện tích tự nhiên 8.536,5km2 (đạt 170% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 3.288.307 người (đạt 234,9%), dự kiến có 96 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Tây Ninh (mới) đặt tại TP Tân An, tỉnh Long An hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng bỏ phiếu bầu cử
Việc hợp nhất 2 tỉnh nhằm đảm bảo quy mô diện tích, dân số, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng dịch vụ công và đời sống của người dân. Sau khi sáp nhập tỉnh Tây Ninh sẽ phát huy ưu điểm, mở rộng không gian phát triển, phát huy các lợi thế thu hút đầu tư kinh tế, xã hội…
Sau khi thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tây Ninh, các đại biểu thống nhất phương án sắp xếp, tổ chức lại 94 xã, phường, thị trấn hiện nay thành 36 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó có 26 xã và 10 phường (trong đó có 11 xã biên giới), với tỉ lệ giảm 61,70%.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc tặng hoa chúc mừng tân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Đoàn Trung Kiên
Ngoài ra, HĐND tỉnh Tây Ninh cũng thông qua Nghị quyết liên quan đến việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025; thông qua Nghị quyết về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP Tây Ninh…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương. Ông cũng yêu cầu các cấp, ngành, cán bộ và người dân phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, góp phần xây dựng tỉnh Tây Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cũng tại kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Tây Ninh thống nhất bầu ông Đoàn Trung Kiên giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Đoàn Trung Kiên, sinh năm 1979 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông Kiên là Tiến sĩ Luật học (bảo vệ luận án TS Luật học, chuyên ngành Luật Kinh tế tại Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2010); cử nhân Anh văn; Cao cấp Lý luận chính trị. Ông có gần 10 năm công tác tại Trường Đại học Luật Hà Nội: giảng viên, Phó Bí thư Đoàn trường.
Năm 2012, ông chuyển công tác về Văn phòng Chính phủ làm chuyên viên Vụ Pháp luật, chuyên viên chính, Hàm Vụ phó, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Chính phủ.
Từ tháng 9-2016, ông là Phó Bí thư Đảng ủy, Quyền Giám đốc Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp. Tháng 4-2017, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Học viện Tư pháp.
Tháng 8-2020 đến nay, ông được Bộ trưởng Bộ Tư pháp điều động, bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.