Tỉnh Thái Nguyên tạm thời bố trí nơi ở cho các hộ dân thuộc xã Ngân Sơn bị ảnh hưởng bởi thiên tai

Xã Ngân Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn bố trí cho các hộ dân mượn nhà bạt để tạm thời ổn định sinh hoạt, hỗ trợ các hộ dân di chuyển tài sản, đồ đạc và thường xuyên theo dõi nắm tình hình khu vực có nguy cơ sạt lở.

Theo báo cáo của UBND xã Ngân Sơn, từ giữa tháng 6/2025 đến ngày 02/7/2025 trên địa bàn xã đã có mưa nhiều, thời gian kéo dài, lượng mưa lớn khiến cho khu vực Tiểu khu Đèo Gió xuất hiện sạt lở ta luy dương, ảnh hưởng đến 05 hộ dân sinh sống trên địa bàn xã.

Đất bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến tường nhà ở của người dân tại Tiểu khu Đèo Gió, xã Ngân Sơn (Thái Nguyên).

Đất bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến tường nhà ở của người dân tại Tiểu khu Đèo Gió, xã Ngân Sơn (Thái Nguyên).

Cụ thể, tại khu vực đất sau nhà của 04 hộ dân ở Tiểu khu Đèo Gió, thuộc UBND thị trấn Vân Tùng cũ, xuất hiện vết nứt lưng đồi dài hơn 100 m, vết nứt rộng 30 cm, khu đất cao khoảng trên 10 m, vết nứt sạt xuống khoảng 2 m, toàn bộ khu đất bị nứt có kết cấu rời rạc, có mạch nước ngầm chảy ra, đẩy bùn đất ra chân đồi dẫn đến hiện tượng sạt lở, gây ảnh hưởng đến tường nhà, bếp, chuồng trại, nhà ở của người dân. Khối lượng đất sạt lở ước khoảng hơn 40.000 m3 đất. Sau nhiều ngày mưa lớn, khối lượng sạt lở đất của các hộ này tiếp tục tăng, ước tính tổng số mét khối đất có nguy cơ sạt lở cao trên khoảng 73.000 m3 đất. Ngoài ra, 1 hộ dân cũng sinh sống tại Tiểu khu Đèo Gió có tình trạng sạt lở taluy sau nhà khiến sập 01 chuồng lợn và có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà, khối lượng đất bị sạt ước khoảng 5.000 m3 đất.

Trước tình hình trên, UBND xã Ngân Sơn đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, đánh giá sơ bộ khu vực có nguy cơ sạt lở, đồng thời, hướng dẫn các hộ dân thực hiện di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn theo quy định. UBND xã cũng yêu cầu các hộ cam kết tạm thời không được ở lại nhà vào ban đêm. Trước mắt, xã đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn bố trí cho các hộ dân mượn nhà bạt để tạm thời ổn định sinh hoạt, hỗ trợ các hộ dân di chuyển tài sản, đồ đạc và thường xuyên theo dõi nắm tình hình khu vực có nguy cơ sạt lở trên để kịp thời báo cáo khi có tình huống mới.

Đoàn công tác kiểm tra ở một số vị trí trên địa bàn.

Đoàn công tác kiểm tra ở một số vị trí trên địa bàn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, khu vực sạt lở trên địa chất đất rời rạc, vết nứt ngang đồi tiếp tục sụt lún, có mạch nước ngầm, khu vực trên tiếp tục có nguy tiếp tục sạt lở cao, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản khu vực sạt lở, UBND xã Ngân Sơn kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan sớm có phương án trên cơ sở kết quả thực địa tại khu vực trên để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Trong ngày 10/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thành lập Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực địa tại khu vực sạt lở tại Tiểu khu Đèo Gió, xã Ngân Sơn. Tại đây, các đơn vị đã đánh giá thực tế và nghiên cứu đưa ra phương án xử lý trong thời gian sớm nhất.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp hoạt động mạnh kết hợp với hội tụ gió ở độ cao khoảng 5.000 m, từ đêm 9/7 đến hết ngày 11/7/2025, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Trong cơn dông có thể kèm theo lốc, sét và gió giật mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sạt lở đất đá, ngập lụt cục bộ, lũ ống và lũ quét tại các khu vực miền núi.

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra tại thực tế.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra tại thực tế.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường không lơ là, chủ quan và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 29/6/2025 về chủ động ứng phó với mưa lớn. Đồng thời, triển khai các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi, hồ chứa, đê điều và khu vực hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết các hồ chứa và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND các xã, phường chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mưa, lũ theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương, chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, trong đó tập trung một số nội dung: Tổ chức tốt công tác truyền thông, cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và dự báo thiên tai để Nhân dân chủ động ứng phó, không để xảy ra tình trạng người dân không nắm được thông tin. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở, sụt lún đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho người dân để chủ động phòng tránh; thực hiện chế độ báo cáo tình hình diễn biến thiên tai theo quy định.

Nguyên Mạnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tinh-thai-nguyen-tam-thoi-bo-tri-noi-o-cho-cac-ho-dan-thuoc-xa-ngan-son-bi-anh-huong-boi-thien-tai-100260.html