Tinh thần chiến sỹ Điện Biên

Những ngày tháng 5 lịch sử, nhân kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi về xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tìm gặp những người lính Điện Biên năm xưa. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong ký ức của các cựu chiến binh không bao giờ quên những tháng năm cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt, giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Cựu chiến binh Nguyễn Viết Năng kể cho phóng viên nghe về ký ức tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Nguyễn Viết Năng kể cho phóng viên nghe về ký ức tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là cựu chiến binh Hoàng Văn Thư, sinh năm 1933, ở bản Xi Măng. Cho chúng tôi xem các Huân chương, Huy hiệu, các kỷ vật xưa, ông Thư kể: Năm 21 tuổi, tôi bắt đầu tham gia chiến dịch Điện Biên phủ, làm đơn vị trợ chiến ở Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Vào ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 được Bộ Chỉ huy mặt trận chọn giao nhiệm vụ tấn công vào cứ điểm Him Lam. Vinh dự lớn lao, nhưng cũng khó khăn, thử thách, bởi thời điểm ấy, quân Pháp xây dựng cứ điểm Him Lam thành vị trí kiên cố của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, cùng hệ thống ụ súng, lô cốt kiên cố. Để tiến công cứ điểm này, chúng tôi được cấp trên quán triệt, đây là trận đánh khó khăn, phải nêu cao quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trận đầu.

Khi pháo ta tập trung bắn vào Him Lam, ngay loạt đầu đã trúng vị trí cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm, anh em hết sức phấn khởi. Phát hiện ra vị trí của ta, pháo binh của địch ở Hồng Cúm, Mường Thanh nã pháo điên cuồng vào trận địa. Sau khoảng một giờ chiến đấu, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên mỏm 3, cứ điểm Him Lam. Lần lượt, mỏm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. Sau hơn 5 giờ chiến đấu, Đại đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng Him Lam của quân Pháp, tạo niềm tin, sức lan tỏa mãnh liệt đối với bộ đội ta trên tất cả các mặt trận.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Thư kể cho con cháu nghe những chiến công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Thư kể cho con cháu nghe những chiến công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhấp ngụm trà nóng, ông Thư say sưa kể tiếp: Trận thắng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại đoàn 312 đã cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Sau đó, khẩu đội của tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ mới, cùng với các đơn vị khác đánh chiếm đồi Độc Lập, đánh đồn 105, đồn 206, rồi đánh phản kích ngã tư Đầm Hà với những trận đánh giằng co ác liệt giữa ta và địch; nhất là trong trận đánh phản kích sân bay Mường Thanh. Trận này tôi bị sức ép của đạn địch gây chảy máu tai, đến nay, còn để lại di chứng điếc.

Chúng tôi tiếp tục tìm gặp cựu chiến binh Nguyễn Văn Bể, sinh năm 1930, ở bản Máy Đường, xã Chiềng Pấc. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi 21 tuổi, ông Bể được phân công làm bộ đội thông tin thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (đơn vị chủ lực đánh chiếm cứ điểm Đồi A1). Bồi hồi nhớ lại ký ức hào hùng, ông Bể xúc động kể: Với nhiệm vụ của người lính thông tin, tôi được trang bị 1 máy bộ đàm, thường xuyên đi theo Tiểu đoàn trưởng, tất cả các lệnh và chỉ thị của chỉ huy đều được truyền đi nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm bí mật để các đại đội triển khai chiến thuật, phương án tác chiến.

Theo ông Bể, trận đánh Đồi A1 là trận khó khăn, ác liệt nhất. Khi quân ta phản pháo dồn dập, áp đảo pháo Hồng Cúm của địch, thì Tiểu đoàn tiến lên chiếm được Đồi A1, nhiều binh lính địch kéo cờ trắng lên hàng. Ông đã thông tin hướng dẫn chúng làm theo mệnh lệnh của quân ta, lần lượt ra hàng. Giây phút chiến thắng, anh em trong đơn vị rất phấn khởi, nhảy lên hò reo ăn mừng. Thời khắc đó, không bao giờ quên với ông và những người lính từng tham gia trận đánh này...

Còn trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Viết Năng, sinh năm 1930, ở bản Xi Măng, vẫn in sâu hình ảnh về những trận đánh tấn công cứ điểm đồi Yên Ngựa, đồi Mâm Xôi, đồi C1 và C2. Khoác trên mình trong bộ quân phục cũ với nhiều Huân chương, Huy hiệu được Đảng, Nhà nước trao tặng, ở tuổi 92, nhưng giọng ông vẫn sang sảng mỗi khi nhắc lại thời khắc lịch sử giải phóng Điện Biên Phủ.

Ông Năng kể: Tròn 20 tuổi, tôi nhận nhiệm vụ xạ thủ súng cối tại Tiểu đội pháo binh, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Khi tổng công kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi dùng súng cối bắn đổ hàng rào địch, mở đường thành công cho bộ đội ta tiến đánh căn cứ của địch. Trong trận đánh, ta và địch giành giật từng mét chiến hào, từng lô cốt. Đơn vị tôi được phân công chiếm 4 quả đồi có 4 cứ điểm đồi Yên Ngựa, Mâm Xôi, C1 và C2. Các trận kéo dài 56 ngày đêm, cứ khi ta nhích lên một chút, thì địch lại bắn pháo đánh bật mình xuống. Kể đến đây, giọng ông Năng trùng xuống: Tôi nhớ như in hình ảnh Tiểu đoàn trưởng xung phong đi đầu và bị địch bắn trọng thương; tôi vội chạy đến lấy khăn của mình bịt vào vết thương cho anh. Cầm chặt tay tôi, Tiểu đoàn trưởng giục “Đồng chí tiến công đi, đừng để lỡ”. Đó cũng là lần cuối cùng, tôi được thấy anh!

Sau phút lắng lại vì xúc động khi nhớ đến đồng đội cũ, ông Năng kể tiếp: Hôm đánh chiếm đồi C1 ngày 7/5/1954, trong khi quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch, thì chiến hào của tôi bị một loạt pháo kích dữ dội. Do bị sức ép lớn, đất đá lấp hết vào người, tôi tưởng mình sẽ chết. Đồng đội bới đất kéo tôi dậy, một lúc sau tỉnh dậy, thấy người vẫn khỏe, tôi lại tiếp tục cầm súng xông lên. Sau khi chiến dịch toàn thắng, các đơn vị về xuôi nhận nhiệm vụ mới, riêng Trung đoàn tôi ở lại thu dọn chiến trường.

Trên địa bàn huyện Thuận Châu, ngoài ông Thư, ông Bể, ông Năng, còn nhiều nhân chứng sống khác đã từng đi qua khói bom lửa đạn chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ không tiếc máu xương, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Sau khi hòa bình lập lại, trở về với cuộc sống đời thường, các ông vẫn luôn phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần của người “Chiến sỹ Điện Biên”, tiếp tục công tác, lao động sản xuất, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Mỗi khi có dịp, các ông vẫn tham gia các buổi gặp gỡ, giao lưu, kể chuyện lịch sử về những ký ức về những năm tháng không thể nào quên, để khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, viết thêm những trang sử hào hùng của dân tộc.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tinh-than-chien-sy-dien-bien-49887