Tinh thần dám nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương sáng ngời về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà Người còn là tấm gương sáng ngời về tinh thần dám nói, dám đấu tranh cho công bằng, bình đẳng, lẽ phải của không chỉ Nhân dân Việt Nam mà cả Nhân dân lao động bị áp bức trên thế giới.

Trong những năm vừa kiếm sống, vừa hoạt động trên địa bàn một số nước châu Âu, ở ngay trong lòng chủ nghĩa thực dân nhưng Nguyễn Ái Quốc không ngần ngại tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân nói chung, đế quốc Pháp nói riêng với Nhân dân Việt Nam và Nhân dân lao động bị áp bức trên thế giới. Ngoài các bài báo, bài viết, bài diễn thuyết ở một số diễn đàn, phải kể đến 3 tác phẩm điển hình là vở kịch “Con rồng tre”, tờ báo “Người cùng khổ” và tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”.

Theo các tài liệu đã được công bố, để tuyên truyền cái gọi là “công cuộc khai hóa thuộc địa”, thực dân Pháp đưa ông vua bù nhìn Khải Định sang dự Hội chợ thuộc địa tổ chức tại Mácxây (Pháp) năm 1922. Nhân dịp này, Nguyễn Ái Quốc viết vở kịch “Con rồng tre” để vạch trần bộ mặt bán nước, hại dân của bọn vua quan phong kiến phản động làm tay sai cho đế quốc Pháp. Vở kịch có đại ý: Có những cây tre thân hình quằn quẹo. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một đồ chơi. Là con rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre nhưng lại hãnh diện có tên và hình dáng con rồng. Tuy vậy, nó chỉ là một quái vật vô dụng. Sau khi được đọc bản thảo vở kịch, ông Lêô Pônđét, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phôbua đã đánh giá: “Tôi đã đọc tập bản thảo. Thật là hay, thật là đẹp, lời văn vừa chải chuốt vừa gọn gàng, với những cái châm biếm dí dỏm của Arítxtôphan (Aristophane). Vở kịch này có đầy đủ ưu điểm để mang lên sân khấu”. Sau đó, vở kịch đã được biểu diễn ở Pháp.

Để tố cáo tội ác của thực dân đối với các dân tộc thuộc địa, đầu tháng 2/1922, Nguyễn Ái Quốc và những người cách mạng Algeria, Tunisia, Maroc, Madagascar ở Paris họp bàn và cùng nhau lập ra “Hội Hợp tác người cùng khổ”, đóng cổ phần để ra một ấn phẩm báo chí thật sự của các thuộc địa bằng tiếng Pháp. Người cùng khổ (tiếng Pháp: Le Paria) là tờ báo được xuất bản tại Paris, nước Pháp, cơ quan chủ quản là “Hội Hợp tác người cùng khổ”, trực thuộc Hội Liên hiệp thuộc địa, người sáng lập tờ báo là Nguyễn Ái Quốc, đồng thời cũng là người có ảnh hưởng rất lớn đến tờ báo này (chủ nhiệm kiêm chủ bút). Việc cho ra đời tờ báo này Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Ðây là “một luồng gió mới thổi đến Nhân dân các nước bị áp bức”.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” là tác phẩm dựa trên cơ sở một số bài viết của Nguyễn Ái Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1921 đến năm 1924. Tác phẩm này được một số đồng chí của Người xuất bản lần đầu tiên tại Thư quán lao động (Libraire du travail) ở Pari vào năm 1925.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” gồm 12 chương, trong đó có một số bài đã đăng trên báo Le Paria. Nội dung tác phẩm không chỉ tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam cũng như với các thuộc địa khác trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà điều quan trọng là đã nêu lên những luận điểm cơ bản về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Thông qua những tác phẩm nêu trên, cùng những bài nói, bài viết, Nguyễn Ái Quốc đã từng bước giác ngộ cách mạng cho những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động ở trong và ngoài nước, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước căm thù giặc của người Việt Nam, từ đó dẫn đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thôi thúc các tầng lớp Nhân dân vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Sau khi giành được độc lập dân tộc, Bác tiếp tục trực tiếp rèn luyện Đảng ta, đội ngũ cán bộ của ta. Người có những lời dạy quý giá với tinh thần dám nói, dám nói thẳng vào những vấn đề của cách mạng, đặc biệt những thói hư, tật xấu, nguy cơ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, như: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”; “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”; “Cán bộ ta nhiều người cúc cung tận tụy, hết lòng trung thành với nhiệm vụ, với chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có nhiều người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là vì công vinh tư. Thậm chí dùng phép công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể. Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay…”.

Bác đã nêu nhiều khuyết điểm của không ít cán bộ, đảng viên và chỉ dẫn cách thức chữa từng căn bệnh cụ thể. Những khuyết điểm đó, theo Người, có thể xếp vào 3 loại: “Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng và ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa. 3 “chứng bệnh nguy hiểm” này nếu không chữa ngay để nó lây ra thì có hại vô cùng…”.

Học và làm theo Bác về tinh thần dám nói, dám nói thẳng cần phải có quyết tâm cao, có bản lĩnh, thật thà, không thêm bớt ngay trong sinh hoạt hằng ngày, ngay với đồng chí, đồng nghiệp, nhất là trong tự phê bình và phê bình phải tránh tình trạng “dĩ hòa vi quý”. Đồng thời, tránh tâm lý sợ “phê bình cấp trên sẽ bị trù dập, phê bình đồng nghiệp sẽ bị mất lòng, phê bình cấp dưới sẽ bị mất phiếu” - đó là kiểu phê bình chiếu lệ, một chiều, mang tính hình thức, thực chất là nói cho qua chuyện hoặc nói để lấy lòng nhau.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tinh-than-dam-noi-cua-chu-tich-ho-chi-minh-post385035.html