Tinh thần làm việc của mẹ là bài học lớn nhất cho các con
Nhắc đến cô Bùi Thị Minh Nga, nguyên Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài và hiện là Phó trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội, hẳn không ít các thế hệ học sinh và giáo viên (GV) môn tiếng Anh quen thuộc. Dù là GV bộ môn hay nhà quản lý, cô Minh Nga luôn mang đến 'làn gió mới', những phương pháp giảng dạy mới cho GV, những chương trình mới cho học sinh.
Niềm say mê được làm cô giáo
Sinh ra trong gia đình có truyền thống dạy hoc, cô luôn được “tắm mình trong nỗi niềm của người cầm phấn”, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ năm 1987, là 1 trong 4 sinh viên đỗ tốt nghiệp loại giỏi, cô chọn con đường cầm phấn, là giáo viên dạy tiếng Anh đầu tiên tại trường PTTH Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
Nhớ lại ngày đầu vào nghề, khi đó tiếng Anh còn khá xa lại với học sinh ngoại thành, việc giảng dạy gặp không ít khó khăn, thách thức. “Có một lần tôi đọc được ánh mắt của các em khi không hiểu bài và rất nản. Chỉ vì ánh mắt ấy, tôi suy nghĩ lại và điều chỉnh cách dạy, mỗi lớp áp dụng một mức dạy phù hợp, cách ra đề thi phù hợp, thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Niềm say mê đầu tiên của tôi là được làm cô giáo! Người tôi muốn truyền cảm hứng là học sinh, đó là động lực giúp tôi phải thay đổi, làm mới mình mỗi ngày, cũng là cách để tôi tự học và hoàn thiện bản thân” - cô Minh Nga bộc bạch về những ngày đầu đứng lớp của mình.
Với môn tiếng Anh những năm đó, khi học sinh học tiếng Anh bằng cách tiếp cận truyền thống, cô Minh Nga chọn lối đi khác. Cô tiên phong áp dụng phương pháp dạy học hiện đại, tức là thay vì cô giảng trò nghe thì học sinh được đắm mình hoàn toàn vào môi trường giao tiếp tiếng Anh, được làm “team work” “pair work”, được đứng trước lớp thuyết trình, cô giáo chỉ đóng vai trò người hướng dẫn. “Bây giờ thì phương pháp này đã được lan tỏa, nhưng với thời điểm 20 năm về trước thì quả là gây “tò mò” cho nhiều đồng nghiệp. Tôi thường xuyên bị Hiệu trưởng phê bình để lớp mất trật tự quá khi cô và trò chỉ trao đổi với nhau bằng tiếng Anh trên lớp, hoàn toàn không sử dụng tiếng Việt. Nhưng bù lại, các em được luyện tập kỹ năng nói và nghe rất tốt từ những ngày đầu học tiếng Anh!” - cô nhớ lại.
“Truyền lửa” cho giáo viên tiếng Anh
Vẫn mang tâm thế ấy, luôn tìm tòi sự đổi mới, nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết với nghề, năm 2007, khi được bổ nhiệm vị trí là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, những năm công tác tại trường và suốt quá trình làm việc với tổ chuyên môn tại trường, sau đó lên Sở GD&ĐT vào năm 2013, cô Bùi Thị Minh Nga luôn tích cực truyền ngọn lửa ấy sang đồng nghiệp của mình. Cô đã tham mưu và tham gia xây dựng các đề án: Giảng dạy bổ trợ tiếng Anh với người bản ngữ nâng cao kỹ năng Nghe - Nói cho học sinh Thủ đô, đáp ứng chuẩn Quốc gia và Quốc tế. Bước đột phá là Đề án Thí điểm đào tạo song bằng THPT Quốc gia Việt Nam và chứng chỉ Alevel của Anh quốc, tại THPT Chu Văn An. Thí điểm mở rộng tại THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam và chứng chỉ IGCSE của Anh quốc tại các trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo cô, nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên (GV) song bằng là mấu chốt quyết định thành bại của chương trình. “Hiện 100% GV dạy song bằng là người nước ngoài, GV của ta dù chuyên môn các bộ môn rất tốt nhưng tiếng Anh vẫn là rào cản. Hiện có một lớp GV trẻ hệ song bằng đã chủ động đi học và tiếp cận chương trình, họ đang là GV trợ giảng cho thầy cô nước ngoài, từ đó có thể trực tiếp giảng dạy song bằng”- cô nói.
Một công việc quan trọng nữa mà cô Minh Nga cùng đồng nghiệp đang tâm huyết thực hiện nhằm nâng chuẩn tiếng Anh cho GV là triển khai kiểm tra toàn bộ GV bằng bài thi chuẩn IELTS quốc tế. Bên cạnh đó, cô phối hợp tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo quốc tế để giúp giáo viên có thêm phương pháp, cảm hứng với nghề. Cô Quang Thị Hoàn - GV tiếng Anh THCS Đống Đa (Hà Nội) - một trong những GV được tiếp xúc và đồng hành cùng nhiều chương trình đào tạo do cô Minh Nga tổ chức, chia sẻ: “Cô Minh Nga luôn mang lại sự khác biệt cho chúng tôi, từ cách giảng dạy, đến cách ra đề thi cũng rất mới mẻ, giúp lựa chọn học sinh có tư duy, có năng lực. Có những lúc mệt mỏi và bế tắc với công việc giảng dạy, khi gặp được cô và lắng nghe cô chia sẻ, chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng và được truyền cảm hứng tích cực từ cô”.
Sắp hoàn thành chặng đường dành trọn cho Ngành, cô Minh Nga cho biết tới đây sẽ là khoảng thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, chăm lo sức khỏe nhiều hơn. Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc của cô cùng người chồng luôn thấu hiểu chia sẻ, và hai người con hiếu thảo. “Các con nhìn vào tinh thần làm việc, thái độ trách nhiệm của mẹ đối với công việc, mẹ luôn luôn tự học và vươn lên từ những khó khăn nhất để thành công. Đó là sự bài học lớn nhất cho các con mình” - cô trải lòng.
Với cô Minh Nga, hạnh phúc và khối “tài sản” lớn nhất sau toàn bộ sự nghiệp giáo dục, chính là sự thành công của các thế hệ học trò, sự tin tưởng của các bậc phụ huynh, sự quý trọng của các bạn đồng nghiệp. “Tôi vui vì đã truyền cho họ năng lượng tích cực, để bản thân học sinh và GV thấy trong sâu thẳm của mình còn nhiều điều cần được khai phá, và sẽ thành công!” - cô Minh Nga chia sẻ.