Tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1-5 bất diệt
Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là ngày kỷ niệm - ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và người lao động toàn thế giới - ngày đoàn kết của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn cầu. Đây cũng là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngày Quốc tế Lao động 1-5 được bắt nguồn từ thành phố công nghiệp Chicago của Mỹ. Tại nơi đây, năm 1886, Đại hội Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết nêu rõ: “...Từ ngày 1-5-1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”.

Ảnh minh họa.
Đúng ngày 1-5-1886, yêu sách nêu trên của công nhân đã không được đáp ứng. Để đòi quyền lợi của mình, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công để buộc giới chủ thực hiện yêu sách ngày làm việc 8 giờ.
Cuộc bãi công bắt đầu diễn ra tại thành phố Chicago với khoảng 40.000 người không đến nhà máy, tổ chức biểu tình trên thành phố với biểu ngữ: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.
Cuộc bãi công đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nước Mỹ và người lao động nhiều nước trên thế giới. Ngày 4-5-1886, cảnh sát Mỹ nổ súng vào đoàn biểu tình tại Quảng trường Haymarket, làm hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương. Sự kiện này trở thành "Thảm kịch Haymarket", châm ngòi cho làn sóng phản đối khắp thế giới.
Cũng từ đó, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” đã trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động khắp thế giới. Từ những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, chính phủ nhiều nước đã phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ.
Để ghi nhận thành quả của phong trào công nhân các nước, tại Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14-7-1889, các đại biểu đã thông qua nghị quyết lấy ngày 1-5 làm Ngày Đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Cũng từ đây, ngày 1-5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Tại Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1-5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do, dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Đây cũng là dịp giai cấp công nhân Việt Nam đấu tranh đòi cải thiện điều kiện làm việc, đòi tăng lương và thực hiện chế độ ngày làm việc 8 giờ…
Năm 1936, thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương đã tạo cơ hội cho Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngày 1-5-1938, một cuộc biểu tình lớn với hàng chục ngàn người đã diễn ra tại khu đấu xảo Hà Nội, thu hút sự tham gia của các người thợ hỏa xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo... trở thành cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động Việt Nam do Đảng lãnh đạo.

Mít tinh quần chúng ngày 1-5-1938 tại khu đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị). Ảnh tư liệu
Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1-5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động. Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn Nhân dân lao động.
Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, coi đây là ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam; là ngày để biểu dương lực lượng, thể hiện sự chăm lo xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
Trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của đất nước, giai cấp công nhân luôn luôn là lực lượng quan trọng, là nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế số hóa toàn cầu, đang đòi hỏi giai cấp công nhân Việt Nam phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển các kỹ năng số, nâng cao năng suất lao động, giữ vững vai trò tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát huy tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1-5, nhằm làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, quan tâm phát triển và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, ngày 26-4, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2025.

Phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2025 - Ảnh: VGP/NGUYỄN HOÀNG
Với chủ đề "Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới", Tháng Công nhân năm 2025 được các cấp công đoàn tập trung triển khai nhiều nhóm nội dung hoạt động: Chương trình "Công nhân sáng tạo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới"; chương trình "Đối thoại tháng 5" và diễn đàn "Đảng với công nhân - Công nhân với Đảng"; chương trình "Tuyên truyền, nâng cao nhận thức đoàn viên, người lao động"...
Kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1886 – 1-5-2025), để tinh thần Ngày Quốc tế Lao động 1-5 bất diệt, các đoàn viên công đoàn, người lao động và nhân dân cả nước tích cực thi đua hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế và lực hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.