Tinh thần yêu nước là cội nguồn sức mạnh

Hàm Rồng những ngày đầu tháng 4. Nắng từng vệt rải ánh vàng rất nhẹ trên mặt nước sóng sánh, trông như chiếc bờm kiêu kỳ của con tuấn mã đang thong dong thả chậm vó. Gió từ núi Ngọc, núi Rồng sà xuống, gợn lên từng đợt sóng lăn tăn, vỗ về những trụ cầu lặng lẽ. Mảnh đất nơi từng diễn ra 'cuộc đụng đầu lịch sử' cách đây tròn 60 năm, vẫn đậm chất sử thi và đẹp đến nao lòng...

Cầu Hàm Rồng - nơi thế hệ cha anh ta đã dâng hiến máu xương để làm nên những điều kỳ diệu.

Cầu Hàm Rồng - nơi thế hệ cha anh ta đã dâng hiến máu xương để làm nên những điều kỳ diệu.

Không phải ngẫu nhiên mà Hàm Rồng là mảnh đất của niềm cảm hứng thi ca. Khởi thủy từ thuở hồng hoang, trải qua biết bao lần “vật đổi sao dời” mà hiện hữu nên vẻ đẹp của hình sông thế núi. Hàm Rồng ví như bức đồ họa thủy mặc đồ sộ, được tạo hóa phác nên bằng nét bút vừa hào hùng, vừa tinh tế. Dãy Long Hạm 99 ngọn cả thảy, uốn lượn như thân rồng, chạy dọc sông Mã đoạn hạ lưu yên bình. Trước vẻ đẹp sơn kỳ thủy tú, không chỉ khiến kẻ sĩ “bầu rượu túi thơ” phải “múa” bút; mà cả những người đứng trên đỉnh cao quyền lực cũng không khỏi cảm thán. Ví như hoàng đế Lê Thánh Tông, vị minh quân đã mở ra thời kỳ hưng thịnh bậc nhất của quốc gia Đại Việt thời phong kiến, từng ngợi ca cảnh sắc ví như chốn thiên thai này: “Nhàn vân mãn địa vô nhân tảo/ Hư thất lăng tiêu trấn nhật khai” (dịch nghĩa: Mây nhàn ngập đất không người quét/ Nhà trống sương giăng che nắng rọi).

Giữa bức tranh thiên nhiên kỳ diệu ấy, bỗng xuất hiện một công trình được tạo tác từ bàn tay con người: cầu Hàm Rồng. Khởi điểm, cây cầu được xây dựng xong năm 1904, chỉ nhằm phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Song, ít ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của cây cầu vòm bắc qua sông Mã, khi nó vừa là điểm nối giao thông huyết mạch, vừa là điểm nhấn cảnh quan cho vùng thắng cảnh này. Sau khi bị đánh sập để thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” những năm chống thực dân Pháp, cầu được dựng lại (năm 1963) để nối mạch giao thông chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Và, có lẽ càng ít ai ngờ được rằng, trên trục giao thông trọng điểm với điểm nút là cầu Hàm Rồng, sẽ là nơi diễn ra “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa một bên là đế quốc Mỹ ôm mưu đồ đánh sập cây cầu bằng hỏa lực hùng mạnh và một bên là quyết tâm giữ cầu bằng mọi giá.

Để rồi, tròn 60 năm đã đi qua, nhưng “mùa hè rực lửa tháng tư năm 1965 ấy sẽ mãi mãi vạch vào trời xanh Hàm Rồng - Nam Ngạn một ánh sao băng về sự đau thương và lòng dũng cảm, về máu và hoa, về cái có thể nằm trong cái không thể, về một câu chuyện cổ tích chàng Đa-vít nhỏ bé đã chiến đấu và chiến thắng gã khổng lồ Gô-li-át gây kinh ngạc cho cả loài người”! Với khẩu hiệu được viết bằng máu “Quyết tử cho cầu Hàm Rồng đứng vững”, biết bao cán bộ, chiến sĩ, dân quân và đồng bào ta đã nằm xuống cho cây cầu trụ vững.

Họ là những người con gái, con trai của xứ sở này, đã nguyện “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Bởi họ biết, “Không thể có hạnh phúc cá nhân bên ngoài hạnh phúc xã hội. Cũng như cây cối bị nhổ khỏi đất và ném lên cái khô cằn thì không thể sống được” (L.Tônxtôi). Đất nước đau thương chia cắt, quê hương chìm trong khói lửa đạn bom, thế hệ ngày ấy chỉ có một chân lý sống duy nhất: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”! Điều này có lẽ đủ để lý giải vì sao cô gái có thân hình mảnh dẻ lại có thể vác trên vai khối đạn gấp đôi trọng lượng cơ thể; có những bà, những mẹ mang từng nắm cơm, miếng nước lên trận địa cho bộ đội; có nhà sư sẵn sàng đóng cửa chùa để xắn tay lao động hay vận chuyển vũ khí, thương binh... Để các tên chị, các mẹ, tên của những người còn sống và cả những người đã nằm xuống, sẽ cùng vang danh trên mặt trận bảo vệ cây cầu.

Leo thang đánh phá miền Bắc bằng một kế hoạch vô cùng táo bạo mang tên “Sấm rền”. Nhưng có lẽ, những cái đầu “sạn” trận mạc của người Mỹ cũng không tài nào lý giải nổi vì sao họ thất bại. Dù cầu, đường vốn là những mục tiêu đánh phá gần như lộ thiên, không thể che giấu. Dù vũ khí đối phương sử dụng để bảo vệ các mục tiêu ấy là không có thể đặt ngang hàng với khối lượng vũ khí đồ sộ và tối tân bậc nhất lúc bấy giờ của không quân Hoa Kỳ. Thế mà, chẳng mấy chiếc Thần Sấm, Con Ma có thể đe dọa được tinh thần, hòng bẻ gãy ý chí chiến đấu của đối phương. Và hàng trăm tấn bom từ trên trời trút xuống, vẫn không thể đánh sập được cây cầu. Để khi nhìn vào những tấm ảnh được giặc lái Mỹ chụp lại sau các trận đánh phá, những kẻ ngồi bên kia đại dương trực tiếp chỉ huy cuộc chiến, phải đứng ngồi không yên. Bởi cầu Hàm Rồng vẫn đứng sừng sững như có phép màu và từng đoàn xe vẫn nối nhau qua cầu như không hề có cảnh bom đạn ác liệt.

Thế nhưng, chẳng có phép màu của một thế lực siêu nhiên nào dệt nên câu chuyện Hàm Rồng. Chiến thắng Hàm Rồng chỉ có thể là chiến thắng của tinh thần yêu nước được hun đúc qua nghìn năm lịch sử. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”!

Lịch sử Việt Nam đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại, minh chứng cho tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Riêng tại mảnh đất xứ Thanh này, đã từng có khát vọng “cưỡi gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông” của bậc nữ trung hào kiệt Triệu Thị Trinh; hay là nơi “dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” của Bình Định vương Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn... Và trong thời đại Hồ Chí Minh, chiến thắng Hàm Rồng là nốt nhạc hào sảng trong bản hòa ca vĩ đại chống đế quốc Mỹ, khi “sự kiêu ngạo của vũ khí đã phải cúi đầu trước sự kiêu hãnh của con người”. Cũng từ đó, cầu Hàm Rồng trở thành cây cầu đẹp nhất - nơi mà khúc tráng ca về tinh thần quật cường, quả cảm của con người Việt Nam, con người xứ Thanh vang mãi ngàn năm.

Đoàn viên, thanh niên huyện Thọ Xuân tham quan Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (xã Thọ Lập.

Đoàn viên, thanh niên huyện Thọ Xuân tham quan Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (xã Thọ Lập.

Những chiến thắng vang dội của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX đã làm nức lòng Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Đã có không ít nghiên cứu, bài viết của các học giả quốc tế phân tích căn nguyên để một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu có thể quyết đánh và đánh thắng những đế quốc sừng sỏ nhất. Trong đó, có một nhận định hết sức sâu sắc rằng, đối với những người nghiên cứu về Việt Nam, một điều đáng tìm hiểu cặn kẽ là khái niệm “đất nước” trong ngôn ngữ Việt Nam gồm hai phần “Đất” và “Nước”. Hai yếu tố vĩnh hằng đó khắc sâu trong tiềm thức của người Việt Nam, là cái quý giá nhất trong đời. Điều mà người Việt Nam rất tự hào là đất nước lâu đời của họ đã đứng vững trước mọi thử thách tai ương. Họ hiểu rất rõ mọi nỗi cay đắng của sự mất mát và niềm vui chiến thắng. Cái chính trong đặc tính của người Việt Nam, đó là chủ nghĩa anh hùng, tính cần cù yêu lao động và tinh thần lạc quan. Tất cả những điều đó đã được Nhân dân Việt Nam vĩ đại và Hồ Chủ tịch giản dị dày công tôi luyện.

Người nước ngoài hiểu Việt Nam một, thì chúng ta càng phải thấu hiểu truyền thống dân tộc ta mười. Như Bác Hồ từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Để khi lật lại những trang sử hào hùng của 60 năm trước, có lẽ nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, rằng mạch nguồn yêu nước liệu đã được trao truyền và đang được thế hệ hôm nay phát huy ra sao? Có dịp gặp gỡ một nhân chứng lịch sử của những ngày tháng tư rực lửa ấy, tôi đã được bà Nguyễn Thị Hằng (nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) kể về sự ác liệt của cuộc chiến. Thế nhưng, phía sau câu chuyện đạn bom vẫn có không ít câu chuyện xúc động về tình quân dân, tình đồng chí, đồng bào. Những tình cảm cao đẹp và quý báu giữa hoàn cảnh bất thường của chiến tranh, là sự biểu hiện cao nhất của tinh thần yêu nước nồng nàn và của khát vọng hòa bình. Để rồi, khi tôi băn khoăn về trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với lịch sử, bà đã nói: “Tôi chưa bao giờ không tin thế hệ trẻ, vì trên mặt trận ngày ấy chúng tôi cũng đều còn rất trẻ. Họ luôn sẵn sàng vì đất nước. Muốn để họ vào cuộc nhất thiết cần phải tổ chức và lãnh đạo”.

Tinh thần yêu nước nồng nàn là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta đi qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước gian lao. Để đến thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần ấy đã hun đúc trở thành chủ nghĩa yêu nước chân chính, với sức mạnh vĩ đại có khả năng đánh bại mọi tham vọng của kẻ thù. Khi đất nước lâm nguy, thế hệ cha anh đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Nhiều người đã nằm lại trên đất mẹ ở độ tuổi thanh xuân, để máu xương thấm đỏ đất đai mà ươm lên màu xanh hòa bình. Họ gánh trên vai vận mệnh dân tộc và lấy máu xương để đổi lấy hòa bình, độc lập, tự do. Cho nên, tương lai hùng cường “sánh vai với các cường quốc năm châu” của dân tộc thuộc về trách nhiệm của thế hệ hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ. Và trên hành trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải tâm niệm rằng: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ và cũng không có tương lai”!

Bài và ảnh: Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tinh-than-yeu-nuoc-la-coi-nguon-suc-manh-244307.htm