Tình thế 'nước sôi lửa bỏng' của nền kinh tế ven biển

Sự ấm lên của đại dương sẽ khiến mực nước biển dâng và gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, đẩy các nền kinh tế ven biển vào tình thế khó khăn.

 Người cha cố gắng giữ con mình trên mặt nước trong trận lũ lụt từng xảy ra ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Ares Jonekson/Shuterstock.

Người cha cố gắng giữ con mình trên mặt nước trong trận lũ lụt từng xảy ra ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Ares Jonekson/Shuterstock.

Hoạt động du lịch và giải trí liên quan đến biển cả mang đến 320.000 việc làm và 13,5 tỷ USD hàng hóa, dịch vụ ở Florida (Mỹ).

Nhưng việc bơi lội trên biển trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều vào mùa hè năm 2023, khi nhiệt độ nước ngoài khơi Miami lên tới 37,8 độ C.

Tương lai của một số công việc và doanh nghiệp thuộc nền kinh tế đại dương cũng trở nên bấp bênh khi nước biển ấm lên, đồng thời thiệt hại do bão cùng mực nước biển dâng ngày càng tăng.

Nhiệt độ đại dương đã nóng lên và đạt mức cao kỷ lục trong phần lớn thời gian của năm qua, chủ yếu do sự gia tăng phát thải khí nhà kính từ đốt nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà khoa học ước tính hơn 90% lượng nhiệt dư thừa do hoạt động của con người tạo ra được đại dương hấp thụ.

Trong quá khứ, sự nóng lên đó, ẩn giấu sau những dòng dữ liệu trong suốt nhiều năm, chỉ được các nhà hải dương học quan tâm.

Nhưng hiện nay, nó đã trở thành vấn đề rõ ràng, gây hậu quả sâu rộng đối với các nền kinh tế ven biển trên toàn thế giới.

 Biểu đồ: The Conversation/CC-BY-ND. Nguồn: NOAA.

Biểu đồ: The Conversation/CC-BY-ND. Nguồn: NOAA.

Biến đổi khí hậu đã khiến đại dương trở thành mối đe dọa đối với nền kinh tế theo nhiều cách, nhà nghiên cứu Charles Colgan tại Trung tâm Kinh tế Xanh của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) chia sẻ trên Conservation.

Sự nguy hiểm của mực nước biển dâng

Một trong những mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế đại dương là mực nước biển dâng. Khi nước ấm lên, nó giãn nở.

Cùng với nước tan từ sông băng và tảng băng, sự giãn nở nhiệt của nước làm gia tăng lũ lụt ở khu vực ven biển trũng thấp và khiến tương lai một số quốc đảo gặp nguy hiểm.

Tại Mỹ, mực nước biển dâng cao sẽ sớm làm ngập đảo Isle de Jean Charles ở Louisiana và đảo Tangier ở vịnh Chesapeake.

Lũ lụt khi thủy triều dâng cao, ngay cả trong ngày nắng, ngày càng trở nên phổ biến ở những nơi như Bãi biển Miami, Annapolis (Maryland), Norfolk (Virginia) và San Francisco. Lũ lụt do triều cường đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2000 và đang trên đà tăng gấp 3 vào năm 2050 dọc theo bờ biển Mỹ.

Mực nước biển dâng cao cũng đẩy nước mặn vào các tầng chứa nước ngọt - nơi mà từ đó nước được rút ra để hỗ trợ nông nghiệp. Kết quả, vụ dâu tây ở ven biển California đã bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng này vẫn còn nhỏ và mang tính cục bộ. Hiệu ứng lớn hơn nhiều có thể đến từ những cơn bão tăng cường đổ bộ trong tương lai.

 Isle de Charles, Louisiana. Ảnh: Carolyn Van Houten/National Geographic.

Isle de Charles, Louisiana. Ảnh: Carolyn Van Houten/National Geographic.

Thêm tin xấu

Nước biển ấm hơn tạo ra bão nhiệt đới. Đó là lý do khiến các nhà dự báo cảnh báo về mùa bão “bận rộn” năm 2024. Nước càng ấm, bão hình thành với cường độ càng nhanh và kéo dài càng lâu. Nó dẫn đến những cơn bão có sức tàn phá và mưa lớn có thể gây lũ lụt cho cả thành phố ở xa bờ biển.

Khi những cơn bão này xuất hiện trên mực nước biển vốn đã dâng cao hơn, sóng do bão càng làm tăng đáng kể lũ lụt ven biển.

Bão nhiệt đới đã gây thiệt hại hơn 1,3 nghìn tỷ USD ở Mỹ từ năm 1980 đến năm 2023 - trung bình là 22,8 tỷ USD cho mỗi cơn bão.

Không chỉ có bão nhiệt đới, tiểu bang Maine của Mỹ chứng kiến cơn bão mùa đông vào tháng 1/2024, tạo ra thủy triều cao hơn bình thường 1,5 m, khiến nước biển tràn ngập các con phố ven biển.

Vậy điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế?

Theo ông Charles Colgan, vẫn chưa thể biết trước được hết tổng thiệt hại kinh tế tiềm tàng trong tương lai vì khó dự đoán tốc độ và mức độ mực nước biển dâng.

 Bờ Annapolis (Mỹ) biến thành "thị trấn ma" sau trận lũ lụt năm 2012. Ảnh: Amy McGovern.

Bờ Annapolis (Mỹ) biến thành "thị trấn ma" sau trận lũ lụt năm 2012. Ảnh: Amy McGovern.

Dù vậy, con số ước tính, chỉ riêng từ ảnh hưởng nước biển dâng và triều cường do bão tại Mỹ, đã lên tới hơn 990 tỷ USD trong thế kỷ này - với biện pháp thích ứng chỉ có thể giảm thiệt hại xuống 100 tỷ USD.

Ước tính này bao gồm thiệt hại trực tiếp về tài sản và cơ sở hạ tầng như giao thông, hệ thống nước và cảng. Nó chưa tính đến tác động nông nghiệp, như sự xâm nhập của nước mặn vào tầng ngậm nước hỗ trợ nông nghiệp.

Nghề cá gặp khó

Nhiệt độ đại dương tăng cũng làm ảnh hưởng đến sinh vật biển thông qua hiện tượng cực đoan - được gọi là sóng nhiệt biển và sự thay đổi nhiệt độ dần dần trong thời gian dài.

Vào mùa xuân năm 2024, 1/3 đại dương trên thế giới trải qua sóng nhiệt. Các rạn san hô đang phải vật lộn với sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ 4 được ghi nhận.

Khi san hô chịu áp lực từ đợt nắng nóng ở biển, chúng sẽ thải ra tảo sống trong mô của chúng. Nếu nhiệt độ đại dương không trở lại bình thường, hiện tượng tẩy trắng có thể dẫn đến cái chết hàng loạt của san hô, đe dọa sự sụp đổ của các loài và chuỗi thức ăn phụ thuộc vào chúng.

Mặc dù đôi khi san hô có thể phục hồi sau quá trình tẩy trắng, khoảng một nửa số rạn san hô trên thế giới đã chết kể từ năm 1950.

“Tương lai của chúng sau giữa thế kỷ này thật ảm đạm”, nhà nghiên cứu Charles Colgan nhận định.

Như đã nói trên, việc mất đi các rạn san hô không chỉ khiến đại dương mất đi một phần vẻ đẹp. Chúng còn đóng vai trò là “vườn ươm” và nơi kiếm ăn cho hàng nghìn loài cá.

Theo ước tính của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), khoảng một nửa số thủy sản được liên bang Mỹ quản lý, bao gồm cá hồng và cá mú, đều phụ thuộc vào rạn san hô vào thời điểm nhất định trong vòng đời.

 Các rạn san hô khỏe mạnh đóng vai trò là vườn ươm và môi trường sống cho cá. Ảnh: Jstuby/wikimedia, CC BY.

Các rạn san hô khỏe mạnh đóng vai trò là vườn ươm và môi trường sống cho cá. Ảnh: Jstuby/wikimedia, CC BY.

Nước ấm hơn cũng khiến cá di cư đến vùng mát hơn. Điều này đặc biệt đáng chú ý với các loài thích nước lạnh, như tôm hùm, đang di cư về phía bắc để tránh vùng biển ấm lên. Kết quả, ngành đánh bắt tôm hùm ở miền Nam New England (Mỹ) suy giảm đáng kể.

Ở Vịnh Alaska, nhiệt độ tăng cao gần như đã xóa sổ loài cua tuyết. Ngành thủy sản trị giá 270 triệu USD đã phải đóng cửa hoàn toàn trong 2 năm.

Đợt sóng nhiệt ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương kéo dài trong nhiều năm vào những năm 2010 cũng làm gián đoạn hoạt động đánh bắt cá từ Alaska đến Oregon.

Lượng nhiệt tích tụ trong đại dương và khí nhà kính trong khí quyển sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiệt độ đại dương thêm nhiều năm nữa, ngay cả khi các quốc gia cam kết cắt giảm phát thải ròng bằng 0 theo lộ trình.

Vì vậy, trong khi nhiệt độ đại dương dao động theo năm, xu hướng chung là có khả năng chúng tiếp tục tăng trong ít nhất một thế kỷ nữa.

“Không có ‘vòi nước lạnh’ nào mà chúng ta có thể bật lên để nhanh chóng đưa nhiệt độ đại dương trở lại ‘bình thường’, ông Colgan cho biết. “Vì vậy, các cộng đồng sẽ phải thích ứng trong khi toàn bộ hành tinh nỗ lực làm chậm quá trình phát thải khí nhà kính để bảo vệ nền kinh tế đại dương trong tương lai”.

Minh An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tinh-the-nuoc-soi-lua-bong-cua-nen-kinh-te-ven-bien-post1480464.html