Sức kháng cự của Ukraine một mặt đến từ phòng tuyến quân đội, mặt khác đến từ hiệu quả của vũ khí phương Tây cung cấp. Tuy vậy Nga vừa cảnh báo, họ có thể tấn công đoàn xe chở vũ khí tiếp tế cho Kiev.
"Chúng tôi đã cảnh báo Mỹ rằng, 'bơm' vũ khí cho Ukraine là động thái nguy hiểm, biến những đoàn xe này thành mục tiêu chính đáng", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov vừa thông báo trên kênh truyền hình quốc gia, khi bình luận về những hỗ trợ từ phương Tây cho quân đội Ukraine.
Thứ trưởng Ryabkov chỉ trích các nỗ lực chuyển giao vũ khí cho Ukraine, trong đó có nhiều tên lửa phòng không vác vai và tên lửa chống tăng, là hành động "thiếu suy nghĩ".
Ông Ryabkov đồng thời cảnh báo những hoạt động này có thể dẫn đến nhiều hậu quả khác.
Mỹ và một số thành viên NATO, EU đã chuyển số lượng lớn tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không vác vai Stinger cho Ukraine.
Thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, hôm 11/3 cũng bày tỏ quan ngại về số vũ khí Ukraine đang tiếp nhận từ phương Tây.
"Chính quyền dân tộc chủ nghĩa tại Kiev đang phân phát thiếu kiểm soát các hệ thống tên lửa phòng không vác vai tiếp nhận từ Mỹ và những nước châu Âu. Đây là hiểm họa dài hạn, tăng rủi ro tấn công khủng bố nhắm vào máy bay dân sự", ông Igor Konashenkov cảnh báo.
Tướng Igor Konashenkov, nhận định số tên lửa phòng không ở Ukraine đe dọa an ninh tại nước này.
"Những nước châu Âu đang gửi lính đánh thuê và phần tử tân phát xít đến tham gia hoạt động thù địch ở Ukraine sẽ chịu hậu quả đầu tiên", ông Igor Konashenkov nói.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các lực lượng quân sự làm nhiệm vụ tại Ukraine đã nhận lệnh truy tìm và thu giữ mọi hệ thống tên lửa phòng không vác vai ở Ukraine với lý do là "ngăn nguy cơ vũ khí rơi vào tay khủng bố".
Khoảng 20 quốc gia, hầu hết là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), đang rót vũ khí vào Ukraine để chống lại chiến dịch quân sự của Nga.
Hà Lan đang gửi các bệ phóng rocket cho lực lượng phòng không Ukraine. Estonia gửi tên lửa chống tăng Javelin. Latvia gửi tên lửa đất đối không Stinger. Cộng hòa Czech gửi súng máy, súng bắn tỉa, súng lục và đạn dược.
Ba Lan hứa cung cấp hàng chục nghìn đạn pháo, tên lửa phòng không, súng cối hạng nhẹ, máy bay trinh sát không người lái và các vũ khí khác.
Đức, quốc gia từ lâu không gửi vũ khí tới các khu vực xung đột, cũng đã đảo ngược quy định và gửi tên lửa Stinger và rocket cho Kiev.
Thụy Điển, quốc gia trung lập và không phải thành viên NATO, tuyên bố gửi Ukraine 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ bảo hiểm, 5.000 áo giáp, 135.000 khẩu phần ăn dã chiến và 52 triệu USD.
Một quốc gia trung lập khác là Phần Lan cũng nói sẽ cung cấp 2.500 khẩu súng trường tấn công, 150.000 viên đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 khẩu phần ăn dã chiến.
Quỹ châu Âu có ngân sách khoảng 6,4 tỷ USD cho hoạt động từ năm 2021 tới 2027 cũng cho biết có thể sẽ hỗ trợ tài chính để mua vũ khí cho Ukraine.
Nhà Trắng phê duyệt và chuyển gói vũ khí và thiết bị trị giá 350 triệu USD nhằm cung cấp chống tăng Javelin và tên lửa Stinger cho Ukraine.
Vũ khí phương Tây được đưa vào Ukraine với số lượng tương đối lớn trong những ngày qua đã phần nào giúp quân đội Ukraine cầm chân Nga trên nhiều mặt trận.
Sau 16 ngày mở chiến dịch quân sự, lực lượng Nga cùng dân quân ly khai đã kiểm soát thành phố Kherson ở miền nam, Volnovakha ở đông nam Ukraine, bao vây Mariupol, Kharkiv và đang nỗ lực tăng áp lực với các mục tiêu lớn hơn, trong đó có thủ đô Kiev.
Việt Hùng