Tình thương trong căn nhà trọ tồi tàn
Chỉ có mấy bước chân mà đây là một không gian khác, khác lắm. Ngoài kia phố xá tấp nập những ngôi nhà khang trang, bề thế còn ở đây căn nhà cấp 4 lụp xụp hiện ra, phía ngoài là dãy quần áo treo và đống gạch đá ngổn ngang của một công trình đang xây dựng...
Hà Nội trời vào thu nhưng vẫn oi nồng và nắng gắt. Nhờ chị lao công chỉ rồi cuối cùng tôi cũng tìm được nhà trọ của Đoàn Nghệ thuật Nhân đạo Thăng Long của Hội Nạn nhân chất độc dioxin Thành phố Hà Nội, đó là ngôi nhà nằm trong con ngõ ngoằn ngoèo phía cuối con đường của làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Chỉ có mấy bước chân mà đây là một không gian khác, khác lắm. Ngoài kia phố xá tấp nập những ngôi nhà khang trang, bề thế còn ở đây căn nhà cấp 4 lụp xụp hiện ra, phía ngoài là dãy quần áo treo và đống gạch đá ngổn ngang của một công trình đang xây dựng.
Đã 7 năm nay họ thuê trọ ở đây. Đoàn chia ra làm 4 tổ. Ba tổ ở nội thành Hà Nội, một tổ ở thị trấn Đông Anh. Tổ 2 của đoàn trọ tại nơi này. Căn nhà tồi tàn chưa đến 20 mét vuông lại là mái ấm tình thương của gần 20 con người từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Nhà có căn gác xép lửng. Tài sản của các em ngoài chiếc túi treo lủng lẳng trên bức tường tróc lở, rêu mốc thì đồ đạc sơ sài, tùng tiệm. Sơn, Đồng, Vân, Hải, An ở độ tuổi 18-30 đều bị khiếm thị.
Vân 35 tuổi mà cân nặng chỉ có 30kg. Đôi chân co quắp không thể duỗi ra, chỉ khoanh vòng lại và di chuyển bằng hai tay cầm hai cái ghế gỗ con để đi lại. Một bạn khác bị thiểu năng trí tuệ nhưng không đến nỗi trầm trọng, vẫn còn có khả năng hát. Cậu Điều lùn chỉ cao chừng 1m xăng xái đi lại trong căn phòng vốn đã chật chội. Một vài bạn bị khiếm thính.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp mọi người. Cách đây 7 năm về trước, trong một buổi tối mùa đông, tiết trời se lạnh, tôi đã thấy họ trên con phố Trần Khát Chân. Lúc ấy, tôi và rất nhiều người đi đường dừng lại trước một sân khấu nhỏ ngoài trời, nơi có chàng trai mù thổi sáo, cô gái bệnh bạch tạng hát, bạn khiếm thính thì múa nón lá. Thi thoảng có người lại bỏ những đồng tiền lẻ vào hòm từ thiện.
Tôi đã biết được chú Đỗ Trắc Lộc, một cựu chiến binh Việt Nam trong thời kì chống Mỹ, là người đứng lên gây dựng tổ chức hoạt động này nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện việc làm cho các em khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi đó Điều mới 15 tuổi. Quê Điều ở xóm Mòng, xã Hùng Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Năm 2007, đoàn người khuyết tật lên biểu diễn ở Hòa Bình, có một phụ nữ đến nói với bác trưởng đoàn rằng ở nhà có một em bé 8 tuổi hát rất hay muốn xin vào đoàn. Chú trưởng đoàn đến nhà chơi thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, người cha đang ốm nặng còn người mẹ thì có biểu hiện của người thiểu năng trí tuệ, hai chị gái của cậu bé cũng không được tinh nhanh.
Cậu bé sinh ra bị lỗi gen nên em mang thân lùn. Quả nhiên khi bảo cậu bé hát thì cậu tỏ ra rất dạn dĩ và có năng khiếu. Bác trưởng đoàn hẹn ít ngày sau sẽ quay lại đón Điều.
Đúng như đã hẹn, lần quay lại sau, bác trưởng đoàn đến gia đình nông dân nghèo khổ. Ông bố cậu bé ốm lắm, nằm trên giường bệnh thều thào: "Xin ông cứu giúp thằng bé cho nó nên người".
Bác trưởng đoàn có chút quà gửi lại người đàn ông đang ốm o, vỗ về ông vài câu để cho ông yên tâm, rồi dẫn cậu bé lên xe đi. Hôm đó đoàn khuyết tật diễn ở Móng Cái, Quảng Ninh vậy mà xe vừa chạy đến Hạ Long thì điện thoại của bác trưởng đoàn vang lên, người nhà cậu bé Điều hớt hải thông báo.
Khi ông đưa cậu bé lên xe thì chỉ hơn 3 tiếng sau cha của cậu đã trút hơi thở cuối cùng. Vậy là bác trưởng đoàn lại phải đưa cậu bé về bằng một xe khác chịu tang cha. Công việc tang ma xong, hai bác cháu mới lên đường. Kể từ ngày đó cho đến nay đã vừa vặn 13 năm, Điều coi đây như ngôi nhà của cậu.
Ở đây ai cũng hay ốm, chỉ có mỗi Điều là khỏe nhất, nhưng nom cậu thật là khó đoán tuổi. Người thì bảo 40, người lại đoán 30, thực chất năm nay cậu mới bước sang tuổi 22. Theo như lời anh Tráng trưởng nhóm thì Điều có một bà mẹ nuôi phúc hậu nhà ở phường Vĩnh Tuy, Hà Nội.
Số là một lần đi cùng đoàn biểu diễn ở khu phố Kim Ngưu, có một người phụ nữ nhà gần đấy ra xem hát. Ngó lên sân khấu thấy cậu bé lùn hát hay, phong thái tự tin, bà cảm mến, hỏi chuyện mới biết hoàn cảnh của cậu. Người phụ nữ đó sống một mình, trước đây bà có một cậu con trai nhưng bị bệnh rồi qua đời, còn một cô con gái đang định cư ở Đức. Sau nhiều lần qua lại tìm hiểu, bà nhận Điều làm con nuôi. Ở cùng anh chị em trong đoàn nhưng thỉnh thoảng, Điều bắt xe ôm tới thăm mẹ nuôi.
Căn phòng chật chội, nhưng chắc chắn ở đây mùa hè mát mẻ, còn mùa đông ấm áp. Bởi vì như lời của các cô bé, cậu bé kể trước khi vào đây, họ phải lang thang vạ vật khắp nơi. Người khuyết tật cũng không dễ gì để hòa đồng với tập thể môi trường chung của xã hội. Ở đây, các bạn đa phần đồng cảnh ngộ, thi thoảng cũng giận nhau đấy rồi lại nhanh chóng làm lành với nhau.
Trên bức tường tróc lở, ẩm mốc ấy có một khung giấy to với mấy vần thơ: "Đoàn nghệ thuật của chúng em/ Đời thường mà cũng như xem truyền hình/ Nụ cười trở lại thêm xinh/ Vòng tay nhân ái nghĩa tình bạn ơi".
Đồng quê Lạng Sơn, năm nay 25 tuổi bị khiếm thị bẩm sinh di chứng chất độc dioxin, vào với đoàn đã được 5 năm. Cậu bảo: "Hồi mới đầu em còn lạ lẫm, nhưng chỉ thời gian ngắn là quen nhau coi đây như một gia đình".
Anh Tráng, trưởng nhóm kể, người khiếm thị họ bị lấy đi đôi mắt nhưng những giác quan khác lại phát triển hơn người bình thường. Từ xa là họ đã phân biệt tiếng dép đi đấy là của ai, hơi thở này là người nào. Ở đây những em bị câm, điếc không hát được, trên sân khấu các em chỉ biết múa.
Anh Tráng từng tham gia cuộc chiến biên giới 1979, sau này là một cán bộ Đoàn năng nổ trong xã. Trong con người đàn ông tưởng chừng khô khan này ít nhiều cũng có máu văn nghệ sĩ. Anh làm nhạc công ở đoàn nghệ thuật của tỉnh, một lần tình cờ tiếp xúc với những người khuyết tật nên khi về anh cứ trăn trở mãi.
Bắt đầu từ tình thương anh nghĩ người không có chân vẫn cố lết đi, người không thể nhìn nhưng cứ dò từng bước một, người thì chẳng nói, chẳng nghe được vậy mà phải cố sống, họ cầm bình bát để đi xin ăn. Có biết bao nhiêu con người như thế, lang thang vật vờ kiếm miếng ăn qua ngày đoạn tháng.
Anh đã quyết định về với đoàn, để dang tay đón những con người cùng khổ ấy, tạo dựng một mái ấm gia đình. Từ ngày đó đến nay đã gần 20 năm. Bao sóng gió, bao kỉ niệm, bao con người đã ra đi.
Gần 20 con người trong ngôi nhà trọ. Những con người không được lành lặn về thân thể và đôi khi khó nhọc để làm công việc cá nhân, vậy mà khi ở dưới mái nhà tình thương này, họ được sống và lao động, trở thành một công dân có ích, thấy cuộc đời thêm ý nghĩa. Có một bác gái hằng ngày đảm nhận công việc chợ búa, cơm nước.
9 giờ -10 giờ ăn bữa sáng. 15 giờ -16 giờ tới bữa chiều, xong cái gánh xiếc con con ấy lại hò nhau lên xe ra nơi biểu diễn sân khấu ngoài trời ở một khu phố nào đó để biểu diễn. Đến 22 giờ 30 phút họ về đến nhà dùng bữa tối rồi đi ngủ.
Ở đây ngoài được nuôi ăn ở, những nghệ sĩ khuyết tật còn được trả lương vào một quyển sổ tiết kiệm. Người cao nhất là 4,5 triệu/ tháng. Người ít nhất là 2,5 triệu/tháng. Tất cả số tiền này đều từ hòm từ thiện của đoàn đi biểu diễn.
Nhớ về một thời đã xa, anh Tráng trông rắn rỏi là vậy mà vẫn rơm rớm nước mắt. Cách đây hơn mười năm về trước, điều kiện khi ấy còn khó khăn, đoàn không có nhà trọ, cũng chẳng có xe. Đi biểu diễn lang bạt kì hồ tỉnh nọ, xã kia suốt. Cứ đến nhà văn hóa của thôn sau khi biểu diễn xong là cả đoàn lại xin ngủ nhờ, rồi liên hệ với xe công nông trong thôn để chở đoàn sang xã khác.
Có khi là xe chở lợn, chở cát xong xuôi việc họ mới đến đón đoàn. Có hôm bị lùa lên xe như vậy, cả đoàn ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, người nhớp nhúa, hôi hám. Lại lắm lúc đi xe công nông không mái che, đi giữa đường đê hai bên là đồng không mông quạnh, trời bỗng đổ mưa rào, cả đoàn người ướt như chuột lột.
Một lần về miền quê Bắc Ninh, diễn xong đã hơn 10 giờ tối cả đoàn khăn gói lên xe ra về. Vừa đi được một đoạn thì hai thanh niên trong thôn phóng xe máy rìn rìn theo sau. Hai thanh niên kia tiến đến chặn ngay đầu xe, mọi người sợ xanh mắt nghĩ bị cướp giữa đường.
Hóa ra, hai cậu thanh niên hồ hởi bảo, lúc nãy xem đoàn diễn hay quá, vét trong túi còn có 100 nghìn nên bỏ tạm vào hòm, buổi biểu diễn kết thúc họ phóng vội về nhà để lấy tiền đủ 2 triệu chẵn muốn biếu các nghệ sĩ khuyết tật. Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ, và tình yêu thương như vậy.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/tinh-thuong-trong-can-nha-tro-toi-tan-565617/