Tình thương và lẽ phải qua sân khấu thực cảnh

Sân khấu thực cảnh là một loại hình diễn kịch còn khá mới mẻ ở nước ta, chỉ mới xuất hiện 5 năm trở lại đây và thi thoảng mới được trình diễn. Nếu như sân khấu truyền thống chỉ thực hiện trên sân khấu nhỏ, trong rạp kịch, hội trường, thì sân khấu thực cảnh là biểu diễn trên nền cảnh quan thực tế ngoài trời.

Nơi thực hiện là một không gian rộng, có độ thấp cao gồ ghề, có đất cát nước non, có cây cỏ hoa lá... Sự kiện diễn ra ở đâu thì tái hiện ngay ở chỗ ấy, chính điều này làm cho cả người diễn và người xem đều có cảm xúc mạnh nhất, như hòa mình vào nhân vật, vào mạch chuyện.

Ở nước ta, một trong những người tiên phong về sân khấu thực cảnh là nhà văn, đạo diễn Nguyễn Quang Vinh. Ông từng dàn dựng nhiều chương trình lớn như: “Âm vọng sông Hương” về vòng đời của người dân Huế trên sông Hương; “Mẹ Suốt” tái hiện nữ anh hùng Nguyễn Thị Suốt; “A lô! Lèn Hà” về bộ đội thông tin A69 Lèn Hà... Và mới đây nhất là chương trình “Yêu lẽ phải - Trọng tình thương” về cuộc đời Tổng Bí thư Lê Duẩn được trình diễn tại sân đình làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đêm 7/4/2022.

Kịch bản sâu sắc và xúc động

Làm sân khấu về nhân vật lịch sử thì trước hết phải đảm bảo tính khách quan, chính xác các sự kiện, sau đó phải tạo được cảm xúc. Bởi thế nên kịch bản chọn những lát cắt trong cuộc sống, tình yêu, gia đình và sự đóng góp vĩ đại của Tổng Bí thư Lê Duẩn để dàn dựng những phân đoạn chính. Trong đó chú trọng những diễn biến tâm lý của con người trước thời cuộc, đấu tranh tư tưởng về lẽ phải, thu xếp chuyện gia đình hợp lý. Đây chính là vấn đề mà kịch bản hướng đến, khai thác những câu chuyện đằng sau về thân phận con người cách mạng, nhấn mạnh yếu tố "tình thương, lẽ phải", như tên gọi của chương trình. Và đó cũng là sự mới lạ, độc đáo thường thấy trong "sân khấu thực cảnh Nguyễn Quang Vinh".

Cảnh anh Nhuận (đồng chí Lê Duẩn), chị Sương nên duyên tại phiên chợ Đình Bích La.

Đồng chí Lê Duẩn khi vào miền Nam hoạt động cách mạng thì được tổ chức sắp xếp, đồng ý cho lấy thêm vợ để yên tâm công tác. Đây cũng chính là điều gây nên những khó xử nhất định về sau cho cả gia đình ông. Tác giả kịch bản đã dụng công khai thác sự éo le này để tạo ra những kịch tính rất đời.

Chị Bảy Vân (tức chị Nga, vợ thứ của ông) viết thư cho chị Sương (vợ đầu) khi cả hai chưa hề gặp mặt nhau, ở xa nhau hơn ngàn cây số: “Chị Sương ạ, ở nơi thật xa em viết thư cho chị, thư đã dài, giờ em muốn gửi đến chị nguyện vọng này. Từ giờ, ở nhà mình, anh Ba là anh Cả. Chị là chị của em. Em là em út của hai người. Em mong rằng chúng ta có thể nằm cùng một giường nói chuyện vui vẻ, đầy tình thương. Em tin rằng người khác thì không thế nhưng chúng ta có thể sống với nhau như vậy”.

Chị Sương nhận thư đọc, rồi người cha đọc. Chính chị Sương đã phân bua, nói đỡ với cha rằng: “Cha ạ, những năm tháng hoạt động trong Nam bộ, do mất liên lạc với gia đình, anh Nhuận (tên thật của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) nghĩ hoặc là con đã lấy chồng khác, hoặc là đã không còn sống trong chiến tranh, hơn 20 năm mà cha, nên tổ chức mới tạo điều kiện cho chồng con lấy cô Nga, cô ấy cũng là cán bộ lãnh đạo cha ạ”.

Phân cảnh này diễn ra ngay tại ngôi nhà cha mẹ chồng ở quê hương, với hai nhân vật, nhưng gần như là một cuộc độc diễn/ độc thoại của chị Sương. Chỉ xoay quanh vài câu nói mà lột tả được nỗi đau đàn bà có chồng đi chinh chiến.

Kỹ thuật sân khấu thực cảnh

Câu chuyện đời thường xúc động về gia đình đồng chí Lê Duẩn được cộng hưởng nhờ sân khấu thực cảnh ngay tại quê nhà - đình làng Bích La Đông. Tuy chỉ là một không gian nhỏ nhưng sân đình làng Bích La Đông quần tụ đa cảnh: một mái đình cổ kính, một hồ nước và bậc cấp dẫn xuống hồ, cây cối cổ thụ... Những khung cảnh sẵn có này giúp cho việc làm kịch thực cảnh thuận lợi, chân thật và cảm xúc hơn.

Tuy nhiên, tái hiện lại cuộc đời thì bắt buộc phải tạo thêm những khung cảnh khác. Ở vở sân khấu này có ba bối cảnh chính: Bối cảnh thứ nhất là làng quê và căn nhà gỗ đơn sơ của bố mẹ đồng chí Lê Duẩn tại Triệu Phong, Quảng Trị. Ở đây có phiên chợ đình làng Bích La ngày xuân được chọn làm cảnh vào kịch. Hai nhân vật anh Nhuận, chị Sương cùng đi phiên chợ Đình và nên duyên vợ chồng. Phiên chợ khoảng 100 người, đa phần là diễn viên quần chúng do dân làng vào vai. Đây có thể xem là một đại cảnh trong sân khấu thực cảnh, điều mà sân khấu rạp kịch không làm được. Dàn diễn viên quần chúng đông đảo này được giữ nguyên vị trí để vào vai dân làng trong những đại cảnh sau đó: đám đông tràn lên nghe tin giải phóng, đám đông bồi hồi thương tiếc khi Bác Hồ mất, đám đông vây quanh chào đón đồng chí Lê Duẩn về thăm quê...

Một ca cảnh vũ đạo trong chương trình.

Bối cảnh thứ hai là căn nhà lá tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nơi đồng chí Lê Duẩn hoạt động và gặp gỡ người vợ thứ hai Bảy Vân. Một chiếc cầu tre được bắc ra giữa hồ nước, xung quanh cắm những cây dừa. Các diễn viên mặc áo quần bà ba, khoác khăn rằn.

Bối cảnh thứ ba là ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu, nơi gia đình đồng chí Lê Duẩn sống cùng nhau ở Hà Nội. Gần đó là Phủ Chủ tịch, nơi diễn ra những cuộc gặp với Bác Hồ.

Ba bối cảnh gắn liền với ba giai đoạn chính của cuộc đời đồng chí Lê Duẩn, được bố trí xung quanh hồ nước và có sự kết nối chặt chẽ bằng các hoạt cảnh. Chẳng hạn từ chợ Đình Bích La nối về căn nhà cha mẹ thì có cảnh anh Nhuận, chị Sương nắm tay nhau vừa đi vừa nói chuyện. Hà Nội và miền Nam được kết nối bằng cảnh chị Bảy Vân bước xuống bậc cấp và lội đi giữa hồ nước để về.

Những kỹ thuật được sử dụng gây cảm giác mạnh như ném mấy quả pháo để tạo nên cảnh đạn bom. Pháo có màu, tiếng nổ lớn và khói um tùm khiến người xem như đang chìm vào một khung cảnh thời chiến. Pháo thiêu cháy cỏ và cả con đò gỗ. Các diễn viên, vũ công biểu diễn giữa hồ, bùn lầy và nước bắn tóe tạo nên kịch cảnh sống động chân thật.

Kết hợp văn hóa, văn học dân gian

Để sân khấu không bị khô cứng, đơn điệu thì các vở kịch thường lồng ghép âm nhạc, ca cảnh. Trong chương trình này, các ca cảnh được sử dụng cho các chuyển cảnh thể hiện sự chia tay.

Ca cảnh thứ nhất là các nữ diễn viên áo dài trắng và chiếc nôi để thể hiện tình cảm mẹ con lúc người mẹ từ trần. Ca cảnh thứ hai là một hình thức nghệ thuật lớn bằng âm nhạc (sử dụng ca khúc “Dáng đứng Bến Tre”) và chuyển động hình thể của những diễn viên múa nữ với áo bà ba và khăn rằn, tựa như võng, tựa như câu hát, tựa như con thuyền ba lá nối dài, tựa như hàng dừa Bến Tre, tựa như rừng đước Cà Mau, tựa như cả tấm lòng Nam bộ vấn vít, xúc động, lưu luyến tiễn chân đồng chí Lê Duẩn ra Hà Nội. Ca cảnh thứ ba là màn kết vở bằng bài “Hát về Anh” của Võ Thế Hùng, lời thơ Tố Hữu.

Đồng chí Lê Duẩn là một người con của làng nghèo chợ Sãi, cuộc đời ông cũng gắn liền với những hoạt động gần dân nên yếu tố văn hóa, văn học dân gian được sử dụng nhiều trong vở kịch. Phiên chợ đình làng Bích La truyền thống được tái hiện với đầy đủ nghi thức chiêng trống khai hội, có rùa thần nổi trên hồ nước tượng trưng cho tín ngưỡng dân gian, có người mua kẻ bán, và có đôi trai gái nên duyên từ phiên chợ.

Thú vị và độc đáo là cuộc ghen của hai người vợ, rất thâm thúy nhưng cũng thật tinh tế, chính bằng việc sử dụng ca dao.

Bà Sương: Chẳng vui cũng thể xứ Đông/ Chẳng ngon cũng rượu Kim Long, gọi là/ Chẳng thơm cũng thể hương đàn/ Chẳng trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra…

Bà Bảy Vân: Ngó lên trời con chim hóa phụng/Ngó xuống biển con cá hóa long/ Anh đi lục tỉnh khắp vòng/ Đến đây trời định động lòng thương em.

Bà Sương: Nem chợ Sãi/ vải La Vang/ khoai quán Ngang/ dầu tràm Đại Nại/ gạo Phước Điền/ chiêng Sắc Tứ/ khoai từ Trà Bát/ quạt chợ Sòng/ Mà cá bống thì Bích La…

Các yếu tố văn hóa, văn học dân gian này được đưa vào làm mềm mại hóa vở kịch, tạo nên sự thích thú đối với người xem. Còn nhiều thủ pháp nghệ thuật được tác giả kịch bản, đạo diễn đưa vào để tạo nên một chương trình sân khấu thực cảnh mãn nhãn và xúc động.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tinh-thuong-va-le-phai-qua-san-khau-thuc-canh-i651024/