Tình thương yêu của Bác
Sau ngày Giải phóng miền Nam chưa được bao lâu, trong một lần ra công tác tại thủ đô, tôi lại vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ ba tôi đến nơi tôn nghiêm này, mà sao lần nào cũng cảm thấy lâng lâng. Trong lúc xếp hàng vào viếng Bác, bỗng có tiếng gọi:
- Anh Hiệp! Có phải anh Hiệp không?
Tôi quay sang hàng bên cạnh vô tình nói to:
- Vĩ! Cậu là Việt Vĩ phải không?
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội diễn tập (năm 1957). Ảnh: Tư Liệu
Thế là đã hơn hai mươi năm chúng tôi mới gặp lại nhau vì kẻ Nam, người Bắc. Sau khi viếng Bác, chúng tôi ra ngoài mà cứ nhìn nhau như trong mơ. Khi đã tĩnh tâm lại, chúng tôi mới bồi hồi ôn lại kỷ niệm xưa. Chúng tôi là lính cùng đơn vị, Vĩ phục viên về quê vì hoàn cảnh gia đình, được lệnh tái ngũ vào Nam từ đầu năm 1963. Năm 1960, tôi đã chuyển ngành từ Tỉnh đội Thanh Hóa về cơ quan Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa. Bây giờ nhìn Vĩ tuổi chưa nhiều, nhưng da sạm đen, trông Vĩ già hơn nhiều so với tuổi.
Nhớ lúc đứng bên linh cữu Bác, chúng tôi không cầm nổi nước mắt giống như nhiều người lần đầu vào đây viếng Người.
Lưu luyến rời khu Lăng Bác, chúng tôi kéo nhau ra Hồ Tây, kê dép ngồi sát bên nhau, hồi ấy chung quanh hồ chưa có hàng rào và ghế đá như bây giờ, những hàng gạch lát lâu năm đã gồ ghề, cỏ mọc xen vào các kẽ. Tôi lấy bao thuốc lá đưa cho Vĩ cùng hút, nhìn ra mặt hồ sóng lăn tăn rất rõ cảnh hồ thu. Vĩ quay sang tôi:
- Anh có nhớ lần đầu chúng mình gặp Bác không?
Tôi vỗ mạnh vào vai Vĩ và cười:
- Việc ấy mà không nhớ thì trên đời này còn có cái gì đáng nhớ nữa. Mình định có dịp sẽ viết lại.
Mùa hè năm 1957, cái nắng miền Trung khá gay gắt. Đơn vị chúng tôi đang huấn luyện chiến thuật vận động chiến ở vùng núi Bợm, huyện Tĩnh Gia, nơi đây gần biển nên cái nắng cũng có vẻ dịu hơn, nhưng cát dưới chân lại nóng như rang, các chiến sĩ luyện tập khá hăng say. Khi cả đơn vị đang vận động băng qua các đường hào rộng, rào dây thép gai, cài lựu đạn của “quân xanh” tiến lên tiêu diệt “địch” thì có lệnh dừng tập. Lệnh của đại đội phó từng tiểu đội tản vào các bãi phi lao chờ lệnh mới của cấp trên.
Cuộc họp do ban chỉ huy đại đội chủ trì gồm các trung đội trưởng để đặc phái viên của tỉnh đội đến thông báo tình hình khẩn cấp. Trên đoạn đường số Một hơn bốn chục cây số, mặt nhựa lở lói, trên lưng cán bộ, chiến sĩ là toàn bộ ba lô quần áo, chăn màn, lương thực, súng đạn, chúng tôi phải chạy xăm xắp cho kịp giờ đã hẹn. Đêm 12-6-1957, đơn vị chúng tôi về đến thị xã (TP Thanh Hóa bây giờ), cuộc sống của nơi đây không có gì khác thường, mọi hoạt động vẫn như thường ngày. Về doanh trại, ổn định nơi ở, mấy cậu lính trẻ hiếu động nhào ngay vào cơ quan Tỉnh đội thăm dò tình hình ở tiểu đội bảo vệ, chỉ được nghe loáng thoáng sắp có cán bộ cao cấp vào thăm tỉnh ta. Ngay trong đêm ấy đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ chốt giữ các điểm đã được chỉ định ở chung quanh nội thành. Lúc này số cán bộ cấp dưới chúng tôi đã được nghe truyền đạt mệnh lệnh phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ vào thăm và gặp mặt đảng bộ và đại biểu đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Tiểu đội chúng tôi được vinh dự nhận nhiệm vụ bảo vệ trụ sở Tỉnh ủy. hồi ấy tất cả là nhà luồng, lợp tranh nứa, lá kè, trừ ngôi nhà của Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy thì được xây tường gạch, lợp ngói, như ngày nay gọi là nhà cấp bốn. Hàng rào chung quanh cơ quan là những thanh luồng cài mắt cáo, rất sơ sài. Hàng rào ấy chỉ để ngăn người ngay còn kẻ gian muốn vào thì chẳng khó. Điều chúng tôi lo lắng nhất là khi lãnh tụ đến, người dân xô đẩy vào để được gần lãnh tụ thì hàng rào sẽ đổ mất.
Sáng 13-6-1957, tin Bác vào thăm Thanh Hóa đã được phổ biến trong cán bộ lãnh đạo tỉnh. Tiểu đội chúng tôi ở vị trí đặc biệt nên cũng được thông báo tin này, nhưng cán bộ đại đội nhắc nhở là không được nói loang ra ngoài.
Bác đã vào. Xe của Bác chạy thẳng vào trước nhà ở và cũng là nơi làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Mọi tình huống chúng tôi dự đoán không sai chút nào. Nhân dân kéo đến trụ sở Tỉnh ủy khá đông, nhưng không ồn ào mất trật tự. Cả tiểu đội chúng tôi ai cũng muốn được nhìn thấy Bác, nhưng không ai dám rời vị trí. Bác đến, Bác đi gặp cán bộ, nhân dân và nói chuyện với đồng bào các dân tộc trong tỉnh những gì chúng tôi đều không được biết. Mãi đến khi các thủ trưởng được nghe trực tiếp mới kể lại cho nghe. Bác nói: Trước kháng chiến tôi đã đến đây một lần. Trong kháng chiến, đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến, tôi chỉ nói vài điểm, ví dụ: Dân công đã ra sức rất nhiều, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận chuyển lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó...”.
Khi chiều muộn Bác trở về Tỉnh ủy đi thăm nhà ăn và các phòng làm việc của các ban mà nhiều đồng chí trong tiểu đội chúng tôi vẫn chưa nhìn được rõ Bác. Hồi hộp và nóng lòng muốn được gặp Bác mà đành nén chịu. Chúng tôi chỉ loáng thoáng thấy Bác mặc bộ quần áo trắng, rộng, đi đôi dép cao su, mái tóc và chòm râu lốm đốm bạc. Bác đi rất nhanh, nhưng đôi lúc dừng lại để quan sát, hỏi han cán bộ và vẫy tay chào nhân dân đứng bên ngoài hàng rào.
Đến giờ chuẩn bị ăn cơm chiều, trừ hai đồng chí gác cổng, còn chín anh em chúng tôi về chỗ ở, một căn nhà nhỏ ở sát đường đi. May là tất cả chúng tôi đang trong quân phục chỉnh tề, chưa ai kịp thay ra thì Bác đến, theo thói quen của con nhà lính tôi đứng nghiêm hô to:
- Nghi...êm! Chào.
Tám anh em chúng tôi ai ở đâu vẫn đứng nguyên chỗ ấy, thẳng đơ như những pho tượng, tay phải đặt lên vành mũ. Bác cười và chỉ vào một chiến sĩ:
- Sao chú này lại ngồi thừ ra thế?
Mãi lúc này tôi mới nhìn vào trong nhà. Vĩ ngồi trên mép giường, mặt tái xanh, mắt lạc đi như bị thôi miên, Bác hỏi Vĩ:
- Thấy Chủ tịch nước mà lại không chào a?
Vĩ òa lên khóc như một đứa trẻ. Bác đến bên Vĩ nói nhỏ nhẹ:
- Gặp Bác, xúc động quá phải không? Thôi, Bác không phê bình nữa.
Vĩ đứng dậy, nước mắt vẫn trào ra như suối. Tiếng khóc hay lây, mấy anh em chúng tôi ai cũng thấy mắt cay cay và có nước lăn trên gò má. Vĩ có hoàn cảnh khá đặc biệt, nạn đói năm Ất Dậu đã cướp mất cả bố và mẹ anh khi hai người đi xin ăn về nuôi các con thì bị chết ở dọc đường. Vĩ và hai em sống được là nhờ có dân làng đùm bọc. Sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, dưới chế độ mới, anh em Vĩ được chính quyền giúp đỡ có nhà, có ruộng và được học hành thoát nạn mù chữ. Có lần Vĩ nói với tôi: Hoàn cảnh anh em tôi nếu không có Bác, có Đảng và chế độ mới thì không biết sẽ như thế nào, không chừng lại cũng như bố mẹ tôi.
Căn nhà bé nhỏ cả tiểu đội ở rất chật chội, các cán bộ cùng đi với Bác phải đứng bên ngoài. Bác nhìn ra cửa, đồng chí cán bộ đi theo Bác hiểu ý, đem vào cho Bác một gói nhỏ. Bác vừa mở gói vừa nói:
- Đây là quà Hà Nội của Bác, Bác chia đều cho các chú, của ít, lòng nhiều.
Bác cười, chúng tôi cũng cười. Mãi đến lúc này chúng tôi mới dám quây lại bên Bác. Đứa mạnh dạn đụng vào tay Bác, đứa cố đứng sát vào để được chạm vào người Bác. Bác hiểu ý các chiến sĩ, một tay cầm gói kẹo, một tay vỗ vào vai từng chiến sĩ:
- Không được tranh giành, cãi nhau ầm nhà là phải đòn, nghe không?
Mấy Bác cháu lại cười rung cả nhà. Bác chia cho chúng tôi mỗi đứa hai cái kẹo. Còn bốn cái Bác gói lại đưa cho tôi:
- Đây là phần của hai chú gác ngoài kia.
Thế là Bác không quên ai cả. Tôi thưa với Bác:
- Để cháu cho hai đồng chí ra thay gác cho hai đồng chí ấy vào được gặp Bác.
Giờ phút thiêng liêng và sung sướng ấy tuy ngắn ngủi nhưng phải để cho mọi người trong tiểu đội cùng được hưởng.
Bác nhìn khắp căn nhà, thấy chúng tôi gấp chăn màn vuông vắn, gọn gàng, quần áo mấu ở mắc, giầy dép từng đôi để quay mũi ra ngoài ở dưới chân giường, bát đũa để trên chạn sạch sẽ, Bác gật đầu tỏ khen ngợi. Đến bên giá để súng, từng khẩu nước thép đen nhánh, lưỡi lê sáng loáng. Bác cầm một khẩu súng trường ở giữa giá và dùng ngón tay chỏ trà nhẹ lên nòng súng, vòng cò, không thấy vết gỉ thép dính tay, Bác nói:
- Các chú giữ súng sạch lắm. Đây là vũ khí nhân dân giao cho các chú bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Súng không tốt thì không tiêu diệt được quân thù, mà không tiêu diệt được quân thù thì cũng không bảo vệ được nhân dân, Tổ quốc và cũng không bảo vệ được cả các chú nữa. Súng đạn là tài sản của Nhà nước, của nhân dân giao cho, các chú phải giữ gìn cho tốt, luyện tập, sử dụng cho giỏi, một nửa đất nước chưa được giải phóng, trên trái đất còn chủ nghĩa đế quốc, các chú phải luôn sẵn sàng chiến đấu, không được một phút lơ là cảnh giác cách mạng. Trong quân đội ta đang có phong trào thi đua ba nhất, các chú phấn đấu trở thành chiến sĩ ba nhất, chú nào có thành tích xuất sắc nhất, Bác sẽ có phần thưởng*.
Bác đi rồi, chúng tôi đứng nhìn theo. Thật mà như mơ. Cả bữa cơm chiều hôm ấy chúng tôi chỉ ăn qua loa, rồi toàn trò chuyện với nhau. Ai đọc trên sách báo được mẩu chuyện nào về Bác kể cho cả tiểu đội cùng nghe. Ăn cơm xong, chúng tôi đem kẹo Bác cho ra ăn. Vĩ không ăn, anh gói hai cái cái kẹo rất kỹ bằng nhiều lớp giấy trắng xé từ quyển sổ tay. Anh nói với chúng tôi: Hai cái kẹo này tôi để dành cho hai đứa em của tôi. Nói rồi anh lại rơm rớm nước mắt.
Làm xong nhiệm vụ bảo vệ Bác an toàn, chúng tôi khẩn trương trở lại thao trường luyện tập. Chương trình huấn luyện tiến công địch cố thủ chỉ còn hai tuần nữa là kết thúc. Cả đơn vị không ai được rời khỏi vị trí trong những ngày ấy. Tôi rất sốt ruột vì muốn xin cho Vĩ nghỉ vài ngày về thăm em, rất sợ hai cái kẹo bị hỏng. Một buổi trưa tôi gọi Vĩ ra ngoài doanh trại và hỏi:
- Phần quà của em cậu có việc gì không?
Vĩ lục trong ba lô lấy ra một gói nhỏ được bọc giấy bóng, giở ra xem, gói kẹo được đóng vuông vắn và đề ngoài dòng chữ nắn nót: “Quà của Bác Hồ, anh dành để cho hai em”. Thấy gói kẹo được gói cẩn thận tôi bảo Vĩ nên để chỗ thoáng, không mở ra, để tránh bị nóng và cũng tránh bị hấp gió. Chúng tôi bàn với nhau để cho chắc chắn nên đóng gói to hơn, gửi qua bưu điện, đời lính biết đâu mà chờ đợi nghỉ phép.
Sáng hôm sau, Vĩ đưa cho tôi xem lá thư anh viết hồi đêm kẹp vào gói quà, trong thư anh kể khá kỹ giây phút được gặp Bác đầy xúc động, có nhiều chỗ bị nhòe. Tôi biết anh viết lá thư này trong tâm trạng như thế nào. Anh căn dặn các em chăm chỉ làm ăn, học hành cho tốt và hứa với hai em phải làm gì, làm như thế nào để xứng đáng với công ơn và tình yêu thương của Đảng, của Bác.
Khi tôi chuyển về Tỉnh đội công tác thì Vĩ được chỉ định làm tiểu đội trưởng. Năm 1960 tôi chuyển ra công tác dân chính thì Vĩ đã là trung đội trưởng. Mấy năm sau tôi nghe tin Vĩ cùng đơn vị đã vào Nam chiến đấu. Và, bây giờ Vĩ đã mang hàm Trung tá.
Chúng tôi đứng dậy trở vào nội thành ăn bữa chiều qua loa rồi trở lại Lăng Bác đi bách bộ trong sân Lăng cùng trò chuyện và động viên nhau sống trọn đời theo gương của Bác.
Với tôi, sau này khi đã là nhà báo, còn có sự may mắn hai lần được phục vụ Bác về thăm Thanh Hóa (năm 1960 và năm 1961) nhưng lần đầu gặp Bác đã qua đi 63 năm vẫn còn in đậm trong tâm khảm. Như vậy, trong bốn lần Bác về thăm Thanh Hóa tôi rất hân hạnh được đi theo phục vụ Bác ba lần, chỉ trừ lần đầu Bác về thăm Thanh Hóa năm 1947 thì tôi còn nhỏ. Rất mong sức khỏe cho phép còn có thể ghi chép lại hai lần sau đi phục vụ Bác. Đó là những kỷ niệm sâu sắc của cả đời tôi.
* Đại ý.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tinh-thuong-yeu-cua-bac/119092.htm