Tình tiết đặc biệt trong phiên tòa xét xử vụ Tân Hoàng Minh
Sau 04 ngày xét xử 15 bị cáo trong vụ án Tân Hoàng Minh, chiều 22/3, HĐXX thông báo nghị án kéo dài. Dự kiến sẽ tuyên án vào 15h ngày 27/3. Báoxin điểm lại một số tình tiết đặc biệt trong phiên tòa này.
Vụ án về xâm phạm quyền sở hữu có số tiền khắc phục lớn nhất từ trước tới nay
Vụ án khởi nguồn từ những khó khăn tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ đầu năm 2022, khi nợ ngân hàng lên tới 20.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ. Từ đây, bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) chỉ đạo Đỗ Hoàng Việt (Tổng Giám đốc, con trai bị cáo Dũng) huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu thông qua các công ty thuộc “hệ sinh thái” Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Các báo cáo tài chính được chỉnh sửa để các công ty đủ điều kiện phát hành, sau đó ký các hợp đồng thực hiện dự án hợp tác không có thật để lấy lòng tin của nhà đầu tư.
Hơn 90 triệu trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng được bán lại cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh bằng cách “chạy dòng tiền khống” để Tập đoàn này chia nhỏ kỳ hạn, bán lại cho người dân, thu về 14.000 tỷ đồng.
Số tiền được sử dụng sai mục đích hơn 8.600 tỷ đồng được tính là thiệt hại vụ án, đã được Tập đoàn Tân Hoàng Minh nộp lại toàn bộ để khắc phục hậu quả.
Tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng khai, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nộp thừa 1 tỷ đồng so với số tiền được xác định là thiệt hại trong vụ án. Ngoài ra, trong quá trình xét xử, Công ty Ngôi Sao Việt (một trong ba công ty phát hành trái phiếu, thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cũng nộp thêm 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Vụ án có số lượng bị hại rất lớn
Có hơn 6.630 nhà đầu tư trái phiếu là những bị hại trong vụ án này. Và đây là con số rất lớn trong một vụ án kinh tế. Quá trình xét xử vụ án này, TAND TP Hà Nội đã phải dựng rạp ngoài trời có sức chứa hàng nghìn người, để các bị hại được tham dự và theo dõi hoạt động xét xử qua màn hình trực tuyến.
Trong những ngày diễn ra phiên tòa, theo báo cáo của Thư ký phiên tòa, có hơn một nghìn bị hại làm thủ tục tham dự. Tuy số lượng bị hại rất đông, nhưng quá trình xét xử lại diễn ra rất nhanh khi các bị hại đều đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đỗ Anh Dũng và bị cáo thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ngoài đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, các bị hại cũng đề nghị HĐXX sớm giải quyết cho họ nhận lại số tiền đã mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh nhận mọi trách nhiệm
Trong suốt quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Đỗ Anh Dũng đều nhận về mình trách nhiệm chính khi xảy ra vụ án. Bị cáo Dũng không đổ trách nhiệm cho người cấp dưới, cũng không buộc cấp dưới phải nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.
“Là người đứng đầu Tập đoàn Tân Hoàng Minh nên mọi quyết định của tôi thì cấp dưới đều phải thực hiện. Tôi xin chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cao nhất trong vụ án này”, bị cáo Đỗ Anh Dũng nhiều lần trình bày trước HĐXX.
VKS đề nghị lại mức án theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho cả 15 bị cáo
Quá trình tranh luận, đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị lại mức án đối với các bị cáo. Theo đó, bị cáo Đỗ Anh Dũng và 14 bị cáo đồng phạm đều được đề nghị lại mức án thấp hơn so với mức án Viện kiểm sát đã đề nghị khi luận tội.
Theo đại diện VKS, trên cơ sở ý kiến tranh luận của các bị cáo, luật sư bào chữa cho các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, đây là vụ án đầu tiên xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trong đó, bị cáo Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt đã tích cực phối hợp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án ngay từ quá trình điều tra. Điều này đã giảm bớt gánh nặng xã hội, giảm bớt tính nguy hiểm của vụ án.
Ngoài ra, tại phiên tòa, nhiều bị hại đã xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đỗ Anh Dũng, Đỗ Hoàng Việt và các bị cáo khác. Công ty Ngôi Sao Việt (một trong ba công ty phát hành trái phiếu, thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cũng nộp thêm 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
“Đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, đây là tình tiết mới của vụ án nên cần thiết phải xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Điều này là phù hợp quy định của pháp luật”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh.
Từ những lập luận trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng từ 8 - 9 năm tù (mức án đề nghị ban đầu từ 9 -10 năm tù) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Đỗ Hoàng Việt từ 4 - 5 năm tù (mức án đề nghị ban đầu từ 5 - 6 năm tù). 13 bị cáo còn lại tùy theo mức độ phạm tội mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị giảm từ 18 tháng tù cho hưởng án treo đến 4 năm tù (mức án đề nghị ban đầu từ 2 năm đến 5 năm tù) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, một trong số luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) có đề nghị VKS và HĐXX xem xét, cho bị cáo Dũng được hưởng tình tiết “người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án”.
Theo luật sư, trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo đều tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng, góp sức nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án.
Ngoài ra, ông Dũng cũng tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Thực tế, ngay sau khi bị bắt tạm giam, ông Dũng đã tự nguyện có đơn xin được khắc phục hậu quả, nộp lại toàn bộ tiền mua trái phiếu của người dân.
Điều này thể hiện sự quyết tâm của bị cáo trong việc khắc phục bằng được hậu quả của vụ án và kết quả là toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng đã được khắc phục dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Tại tòa, luật sư cũng cung cấp thêm các tình tiết giảm nhẹ của ông Dũng. Cụ thể, bị cáo Đỗ Anh Dũng là người sáng lập và lãnh đạo xuất sắc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong suốt 30 năm qua. Cá nhân ông Dũng cũng như tập đoàn do ông lãnh đạo đã được tặng thưởng hơn 30 bằng khen, giấy khen, giải thưởng…
Các sản phẩm bất động sản của Tập đoàn Tân Hoàng Minh do ông Dũng lãnh đạo cũng được các tổ chức xếp hạng cũng như khách hàng đánh giá cao và đạt được nhiều giải thưởng.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, luật sư nhận thấy có đủ cơ sở để áp dụng thêm cho ông Dũng 3 tình tiết giảm nhẹ, gồm “người phạm tội đã có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, các hoạt động thiện nguyện”; “người phạm tội là con của người có công với cách mạng và với đất nước”; “người phạm tội được rất nhiều bị hại xin giảm nhẹ hình phạt”.
Trên cơ sở các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà ông Dũng có quyền được hưởng theo quy định của pháp luật và yếu tố nhân thân tốt, luật sư mong HĐXX xem xét toàn diện vụ án, nguyên nhân, bối cảnh kinh tế/pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp vào thời điểm xảy ra vi phạm, ý thức của bị cáo đối với hành vi phạm tội để từ đó đánh giá khách quan, công tâm cho bị cáo Dũng được hưởng mức án thấp hơn mức án đề nghị của VKS.