Tình tiết mới nhất về vụ nổ đường ống Nord Stream
Các hãng truyền thông của Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan mới đây cho rằng, các tàu Nga với thiết bị hoạt động dưới nước đã ở gần các địa điểm xảy ra vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream trong những ngày trước khi xảy ra vụ việc.
Các nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông nói trên đã liên kết việc các tín hiệu bị chặn từ các con tàu, với hình ảnh vệ tinh để xác định vị trí và theo dõi đường đi của chúng, nhằm tìm ra các chi tiết mới nhất.
Cuộc điều tra của DR (Đan Mạch), NRK (Na Uy), SVT (Thụy Điển) và Yle (Phần Lan) tập trung vào các chuyển động và hành động của các con tàu trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái mà họ mô tả là "đáng ngờ".
Các con tàu bao gồm tàu nghiên cứu Sibiryakov của Hải quân Nga , tàu kéo SB-123 với khả năng hạ thủy các tàu ngầm mini và một tàu thứ ba cũng được cho là thuộc Hải quân Nga mà các phương tiện truyền thông không thể xác định tên. Chúng được gọi là các "tàu ma" vì đã tắt máy phát tín hiệu.
Đại diện các hãng truyền thông châu Âu cho rằng, họ có thể theo dõi chuyển động của các tàu kể trên, bằng cách sử dụng thông tin liên lạc vô tuyến bị chặn mà các tàu gửi đến các căn cứ hải quân của Nga.
Theo đó, nhóm tàu này đã đi từ các căn cứ hải quân ở Nga đến gần các địa điểm xảy ra vụ nổ vào tháng 6 và tháng 9/2022. Sau đó, các tàu này đã tắt dịch vụ AIS.
Hồi tháng 11 năm ngoái, tờ WIRED cũng đã thông báo về sự hiện diện của "tàu ma" vào khoảng thời gian xảy ra vụ nổ, nhưng không đi kèm thông tin chi tiết.
Có nguồn tin cho rằng, một tàu Nga số hiệu SS-750 cũng đã xuất hiện ở gần tuyến đường ống Nord Stream, bốn ngày trước khi xảy ra vụ nổ.
Được biết, Bộ Quốc phòng Đan Mạch sau đó đã xác nhận vơítrang web Information của nước này rằng, một tàu tuần tra của Đan Mạch mang tên Nymfen đã chụp 26 bức ảnh về một tàu cứu hộ tàu ngầm của Nga trong khu vực nói trên, vài ngày trước khi xảy ra vụ nổ.
Trang web của Đan Mạch cho hay, tàu mang số hiệu SS-750 đã khởi hành từ Kaliningrad và đến gần đảo Bornholm vào ngày 22/9/2022.
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của các vụ nổ khiến hai đường ống Nord Stream-1 và Nord Stream-2 bị hư hại vẫn không rõ ràng.
Kết quả điều tra mới nhất của các nhà báo châu Âu kể trên đã chỉ ra hành vi bất thường của các con tàu, song không thể kết luận "kẻ phá hoại" tuyến đường ống Nord Stream.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công và đề cập vai trò của cả Anh và Mỹ trong vụ việc.
Các báo cáo khác lại tuyên bố một nhóm thân Ukraine có thể đã tiến hành vụ tấn công, nhưng Kiev cũng đã ngay lập tức phủ nhận cáo buộc.